Bộ Tài chính tăng tốc cải cách, quyết liệt về đích mục tiêu tăng trưởng

Bộ Tài chính quyết liệt thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%, đẩy nhanh cải cách thể chế, chuyển đổi số, giải ngân đầu tư công, đảm bảo tiến độ, chất lượng trong mọi nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức cuối năm.

Chiều 9/7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị giao ban công tác tháng 6, 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Đức Minh)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Đức Minh)

“Lội ngược dòng” với tăng trưởng 7,52% nửa đầu năm

Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,52%, tiệm cận mục tiêu 8% mà Chính phủ đề ra. Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các chính sách tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Về ngân sách nhà nước, tổng thu 6 tháng đầu năm đạt 1.332.300 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 1.158.400 tỷ đồng (69,4% dự toán, tăng 33,3%), thu từ dầu thô đạt 25.000 tỷ đồng, thu cân đối từ xuất nhập khẩu đạt 149.000 tỷ đồng.

Chi ngân sách đạt 1.102.100 tỷ đồng (43,2% dự toán, tăng 38,5%), trong đó chi đầu tư phát triển đạt 268.100 tỷ đồng (33,9% dự toán, tăng 42,3%), chi thường xuyên ước đạt 776.000 tỷ đồng, đảm bảo tốt các nhiệm vụ chi cho an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và các đối tượng chính sách.

Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 268.100 tỷ đồng, tương đương 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm trước cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối (tăng khoảng 80.000 tỷ đồng). Công tác phân bổ vốn đầu tư công cũng được thực hiện quyết liệt, với 817.800 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương đã được giao chi tiết cho các dự án, đạt 98,7% kế hoạch.

Thị trường doanh nghiệp sôi động với gần 91.200 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 60,51%), trên 61.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 57,22%) và hơn 124.300 hộ kinh doanh thành lập mới trong tháng 6 (tăng 118,4% so với cùng kỳ). Đây là những con số kỷ lục, thể hiện khí thế và niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong lĩnh vực tài chính đối ngoại, 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ký kết 5 thỏa thuận vay nước ngoài trị giá 450 triệu USD (tăng 140% so với cùng kỳ), đồng thời thực hiện trả nợ khoảng 251.400 tỷ đồng, đảm bảo đúng hạn, đúng cam kết. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,27%, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 là nền tảng vững chắc để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, qua kết quả 6 tháng đầu năm, có thể thấy các chỉ số về tăng trưởng, thu ngân sách, chi ngân sách, chính sách tài khóa cùng các nghiệp vụ tài chính phục vụ cho chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và chuyển đổi chính quyền địa phương hai cấp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, không được phép chủ quan trong những tháng cuối năm, đặc biệt cần tập trung kiểm soát chặt chẽ thu ngân sách, chi ngân sách và chi đầu tư phát triển nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu.

Tham gia một số lĩnh vực quản lý trực tiếp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc phân tích sâu vào nội dung đầu tư nước ngoài.

Theo nhận định, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chưa chịu tác động quá lớn bởi các yếu tố khách quan. Cho rằng vấn đề then chốt hiện nay là cần định vị lại đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh mới, Thứ trưởng chia sẻ, Bộ Chính trị đã yêu cầu xây dựng Đề án về đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài để trình Bộ Chính trị vào tháng 10 tới. Đề án này sẽ phân tích các lợi thế, khó khăn, định hướng phát triển kinh tế, đồng thời xem xét xu hướng xuất khẩu hay củng cố thị trường nội địa và điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp. Thứ trưởng đề xuất rà soát toàn bộ các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có những đánh giá toàn diện.

Các đơn vị chuyên môn báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Các đơn vị chuyên môn báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Chú trọng hướng dẫn luật để tránh khoảng trống pháp lý

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và biểu dương các vụ, cục, đơn vị đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ trong điều kiện phải triển khai đồng thời chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Có thể nói kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là một sự "lội ngược dòng" đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh nhiều cụm ngành, lĩnh vực còn gặp rất nhiều khó khăn. Đây là tín hiệu tích cực, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Tài chính vào kết quả chung của toàn nền kinh tế.

Bên cạnh thành tích, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục ngay. Mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm rất thách thức, đòi hỏi 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng khoảng 8,6% trong bối cảnh nhiều khó khăn mới. Vì vậy, người đứng đầu ngành Tài chính kêu gọi các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hành động quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Về công tác hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng đề án, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ, chất lượng, đặc biệt chú trọng các văn bản hướng dẫn luật để tránh khoảng trống pháp lý. Đối với tài liệu trình Quốc hội kỳ họp thứ 10, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là khối lượng công việc lớn với nhiều luật sửa đổi toàn diện, đòi hỏi sự chủ động, trách nhiệm và chất lượng cao trong thực hiện.

Bộ trưởng cũng lưu ý cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt các đề án lớn như “bộ tứ chiến lược”, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế với phương châm “chia bài” đi đôi với giám sát và hoàn thiện thể chế. Đồng thời, cần giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của bộ ngành, địa phương với quan điểm làm việc phải “có tâm, có tầm”.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên cổng dịch vụ công quốc gia; phối hợp hoàn thành 5 cơ sở dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, dự án hệ thống công nghệ thông tin ngành thuế, hải quan, kho bạc phải hoàn thành đúng tiến độ, “dứt khoát ngày 1/10/2026 phải xong”, với việc kiểm tra thường xuyên, liên tục.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính là đầu mối tổng hợp, tham mưu Chính phủ đôn đốc tiến độ. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị quyết liệt nhận diện vấn đề, tham mưu thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương đạt mục tiêu giải ngân 100%, đồng thời đảm bảo giải ngân nội ngành vượt mức tiến độ chung.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế làm việc, không để tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trong xử lý công việc, lấy đó làm cơ sở đánh giá, chấm điểm thủ trưởng cơ quan, làm căn cứ bình bầu, thi đua, tăng lương và quy hoạch cán bộ.

Hồng Vân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-tai-chinh-tang-toc-cai-cach-quyet-liet-ve-dich-muc-tieu-tang-truong-d327388.html