BỐ TRÍ NGUỒN VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH GIAI ĐOẠN 2024-2025 ĐỂ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHO VAY PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG DTTS&MN
Để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Quốc hội nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho NHCSXH huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản.
LÀM RÕ VƯỚNG MẮC, GIẢI PHÁP, SỰ LỒNG GHÉP TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG VỚI MỤC TIÊU THỰC HIỆN 3 CTMTQG
Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào DTTS&MN
Làm việc với Đoàn giám sát Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng cho biết, cùng với các chính sách tổng thể thực hiện 03 CTMTQG, chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện là một cấu phần quan trọng trong các CTMTQG. Chính sách này đã tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Trong năm 2021-2022, đã có trên 4,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 184.316 tỷ đồng; góp phần giúp hơn 432 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,5 triệu lao động (trong đó gần 10 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài), trên 107 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp mua gần 86 nghìn máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; xây dựng trên 2,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 20 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; trên 1,5 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nêu rõ, vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 07/11 nội dung thành phần của CTMTQG xây dựng nông thôn mới và 08/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; thực hiện 4/7 dự án thành phần của CTMTQG giảm nghèo bền vững; thực hiện 2/10 dự án thành phần của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Nhìn chung, các chương trình tín dụng được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đã góp phần quan trọng trong việc: thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS&MN; tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện các CTMTQG; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tín dụng trong các CTMTQG
Bên cạnh những kết quả đạt được cho thấy chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn; về cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; về đảm bảo các mục tiêu ưu tiên về đối tượng, địa bàn trọng tâm, trọng điểm; về bảo đảm hỗ trợ phát triển sinh kế, khởi nghiệp và đặc thù về bình đẳng giới, dân tộc thiểu số ít người…
Về nguồn vốn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, nhu cầu vay vốn thực tế các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được tổng hợp từ các địa phương chưa phù hợp với kế hoạch khi xây dựng chương trình, 4/5 chương trình (loại trừ chương trình cho vay giải quyết việc làm) có nhu cầu vay vốn năm 2023 thấp hơn so với kế hoạch giao, tổng nhu cầu vốn năm 2023 của 4/5 chương trình này khoảng 5.510,5 tỷ đồng/kế hoạch 22.376 tỷ đồng (không sử dụng hết 16.865,5 tỷ đồng).
Liên quan đến cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, một số chương trình tín dụng có mức cho vay chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và diễn biến giá cả thị trường như: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Theo kiến nghị của cử tri cả nước, hiện nay chưa có chính sách cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; chưa có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo điêm ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS&MN để xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Về bảo đảm các mục tiêu ưu tiên về đối tượng, địa bàn trọng tâm, trọng diểm, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho rằng, nhiều xã trước đây thuộc vùng khó khăn, do đạt chuẩn nông thôn mới, chuyển thành xã khu vực I theo Quyết định 861/QĐ-TTg nên không được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn, dẫn đến người dân sinh sống trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là đối với đồng bào DTTS.
Về bảo đảm hỗ trợ phát triển sinh kế, khởi nghiệp và đặc thù về bình đẳng giới, dân tộc thiểu số ít người, theo phản ánh của cử tri cả nước, hiện nay tại vùng đồng bào DTTS&MN, có rất nhiều hộ DTTS (không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) tham gia vào các dự án phát triển sản xuất kinh doanh của địa phương, cần có sự khuyến khích, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước...
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho rằng, việc chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP (hộ nghèo, hộ cận nghèo) dẫn đến một bộ phận lớn người dân sinh sống ở vùng đồng bào DTTS&MN không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách kịp thời để tham gia các dự án phát triển của vùng miền.
Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng đề cập đến nguyên nhân của một số khó khăn nêu trên là do một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Vì vậy, việc bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, một số địa phương tiến độ rà soát, lập, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách còn chậm do: một số địa phương chưa ban hành định mức đất ở, đất sản xuất, diện tích nhà ở tối thiểu nên thiếu cơ sở xác định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; phần lớn các địa phương chưa hình thành dự án đầu tư cụ thể, chưa ban hành Quyết định phê duyệt dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, dược liệu quý.
Nhiều địa phương phải rà soát, điều chỉnh lại nhu cầu vốn do thời điểm dự kiến nhu cầu vốn so với hiện nay có sự biến động giảm về số hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS hằng năm, hoàn thành xây dựng nông thôn mới (nhiều hộ thuộc đối tượng thụ hưởng nay đã thoát nghèo).
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP3; chưa hình thành dự án cụ thể, chưa có danh sách đối tượng thụ hưởng ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt dự án để NHCSXH cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý.
Một số hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình hỗ trợ nhà ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nên chưa triển khai được chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở.
Đối với các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhận thấy, trong Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn khan hiếm; nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay vốn; chủ đầu tư khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm;.. Do tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nên nhu cầu vay vốn tại các chương trình cho vay mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập giảm thấp.
Về Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm từ các thành phố trở về địa phương, nên nhu cầu tạo việc làm tại chỗ cho những đối tượng này trở nên cấp thiết. Chương trình xây dựng nông thôn mới đặt ra nhu cầu vốn hỗ trợ tạo việc làm tăng cao.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho rằng, một số địa phương còn thiếu cơ chế chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Giải pháp khắc phục một số khó khăn, vướng mắc
Từ những phân tích nêu trên, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới để khắc phục những khó khăn, vướng mắc như tiếp tục thực hiện tốt Chị thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Đồng thời thực hiện tốt các chính sách đã được nêu tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, khẳng định là công cụ quan trọng, góp phần trong thực hiện các CTMTQG.
Chủ động xây dựng kế hoạch tín dụng, tài chính năm 2024 và giai đoạn 2024-2026, kế hoạch đầu tư công năm 2024 để kịp thời báo cáo các bộ, ngành tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm, các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các chính sách tín dụng thực hiện 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ. Gắn hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ với việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm rủi ro.
Kiến nghị nhằm phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
Để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Quốc hội nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện cho NHCSXH huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đề nghị Quốc hội bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025 để tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP với số tiền tối thiểu là 10.727 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách cho vay Nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP năm 2024-2025 từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép: (1) Điều chỉnh linh hoạt nguồn lực giữa các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP có nhu cầu vay vốn thấp sang nhiệm vụ cho vay giải quyết việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP/NQ-CP đến 31/12/2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng. Riêng chương trình cho vay nhà ở xã hội, trường hợp không được chuyển sang nhiệm vụ cho vay giải quyết việc làm, đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội sang năm 2024-2025; (2) Điều chỉnh linh hoạt giữa vốn cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn hỗ trợ lãi suất cho vay cho NHCSXH trong giai đoạn 2022- 2023, đảm bảo tổng số vốn thực hiện trong 02 năm 2022-2023 không vượt quá số dự toán ngân sách nhà nước được giao là 5.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách đảm bảo vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép nâng hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện NHCSXH huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Đồng thời báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh linh hoạt nguồn lực giữa các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ- CP; giữa vốn cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn hỗ trợ lãi suất cho vay cho NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP giai đoạn 2022- 2023.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị:
- Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh; xem xét, trình cấp có thẩm quyền có cơ chế cho NHCSXH được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài với chế độ ưu đãi hơn về lãi suất cũng như các điều kiện tiếp cận.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho NHCSXH. Cân đối, bố trí đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện các chương trình tín dụng đã được ban hành, trong đó quan tâm đến vốn dành cho chương trình hỗ trợ tạo việc làm.
- Ủy ban Dân tộc chủ trì, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cho phép các xã khu vực III, II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong thời gian 03 năm.
- Các bộ chủ quản chương trình tín dụng kịp thời tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh chính sách tín dụng cho phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện thành công các CTMTQG…
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, đề nghị chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng khác làm cơ sở để NHCSXH thực hiện cho vay. Đồng thời sớm ban hành định mức giao đất ở, đất sản xuất, diện tích nhà ở tối thiểu để thực hiện Dự án 1; kịp thời rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP làm cơ sở để NHCSXH cho vay…/.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77716