Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giữ được dân mới giữ được rừng

Theo Phó Thủ tướng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo không gian thúc đẩy khai thác và sử dụng bền vững, đa mục đích đất rừng và tài nguyên rừng.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp để cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ – văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Lần sửa đổi này, dự thảo bổ sung nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc nuôi, trồng, phát triển và thu hoạch cây dược liệu trong rừng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng dự thảo phải tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn trong phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; đồng thời cần xác định rõ các khu vực và loại rừng cần được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Qua đó, sẽ ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi nuôi trồng, khai thác dược liệu trái phép, tự phát, có nguy cơ làm tổn hại đến chất lượng và môi trường rừng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với nhiều giống quý như sâm Việt Nam, tam thất, đảng sâm... Trong thực tế, nhiều địa phương đã triển khai mô hình phát triển cây dược liệu theo hướng lâm – nông kết hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 156 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng vùng trồng cây dược liệu quý, đồng thời tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình trọng điểm như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030; Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; và Đề án phát triển đa dụng hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Cụ thể, dự thảo Nghị định bổ sung thuật ngữ "cây dược liệu", "thu hoạch cây dược liệu", đồng thời quy định chi tiết các nguyên tắc, hình thức, nội dung phương án, cũng như trình tự thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án nuôi trồng, phát triển và thu hoạch dược liệu trong rừng. Đáng chú ý, dự thảo còn đưa ra cơ chế cho thuê môi trường rừng nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động nuôi trồng dược liệu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cũng đồng tình rằng việc ban hành Nghị định mới và chính sách cho thuê môi trường rừng là cần thiết, sát thực tiễn. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ vướng mắc trong phát triển vùng dược liệu, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Đáng lưu ý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải đề nghị miễn tiền thuê môi trường rừng đối với các vùng khó khăn, đồng thời khuyến khích mô hình liên kết nhằm tạo việc làm cho đồng bào, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Tương tự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình kiến nghị mở rộng khu vực được phép nuôi trồng dược liệu sang các loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn quốc gia, khu bảo tồn...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho rằng việc trồng dược liệu dưới tán rừng cần hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững. Do đó, cần có hệ thống tiêu chí, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp; đồng thời mở rộng không gian kinh tế rừng bằng cách gỡ bỏ các rào cản đối với doanh nghiệp đầu tư vào vùng dược liệu như cơ sở nghiên cứu, nhà máy chế biến, logistics…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng từ thực tiễn để hoàn thiện dự thảo. Mục tiêu là tạo không gian pháp lý rõ ràng, thúc đẩy khai thác và sử dụng bền vững, đa mục đích đất rừng và tài nguyên rừng.

Đặc biệt, Nghị định cần quy định rõ hoạt động nuôi, trồng, thu hoạch cây dược liệu tại rừng đặc dụng, phòng hộ, đồng thời áp dụng linh hoạt các chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng. Cụ thể, khu vực vùng đệm của rừng đặc dụng và phòng hộ phải có quy định chi tiết về loại cây, phương thức canh tác... Trong khi đó, vùng lõi cần kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động khai thác dược liệu phát triển tự nhiên.

Về chính sách hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho rằng Nghị định cần thiết kế các cơ chế ưu đãi về máy móc, công nghệ, tín dụng, đất đai, hạ tầng... nhằm khuyến khích doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển vùng dược liệu quy mô lớn, tạo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu địa phương đạt chuẩn quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Giữ được dân mới giữ được rừng. Người dân phải có sinh kế ổn định từ chính sách phát triển dược liệu dưới tán rừng".

Theo Phó Thủ tướng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo không gian thúc đẩy khai thác và sử dụng bền vững, đa mục đích đất rừng và tài nguyên rừng.

Theo Phó Thủ tướng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo không gian thúc đẩy khai thác và sử dụng bền vững, đa mục đích đất rừng và tài nguyên rừng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp rõ ràng, tránh phát sinh thêm văn bản hướng dẫn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hậu kiểm hiệu quả.

Cuối cùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế bảo hiểm cho người trồng dược liệu, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung nhiệm vụ cho các quỹ bảo vệ và phát triển rừng để hỗ trợ người dân; xây dựng bản đồ vùng dược liệu, chỉ dẫn địa lý và phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên biệt.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-giu-duoc-dan-moi-giu-duoc-rung-204250513150944725.htm