Bộ trưởng Bộ Công an có được quyết định đối tượng cảnh vệ khi cần thiết?

Để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng như bảo đảm công tác đối ngoại, trong trường hợp cấp thiết, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định...

Theo nghị trình, chiều nay (3-6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ đối với nội dung này.

Triển khai công tác cảnh vệ với 56 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ

Có ý kiến đề nghị bổ sung hội nghị, lễ hội do MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiếp xúc cử tri của bốn lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước vào nhóm "sự kiện đặc biệt quan trọng" là đối tượng cảnh vệ.

Có ý kiến đề nghị cần thu hẹp hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng cảnh vệ theo hướng chỉ khi có lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước tham dự để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ.

Ý kiến khác đề nghị xem xét bổ sung quy định về các hội nghị, lễ hội, các sự kiện quan trọng do địa phương tổ chức có đối tượng cảnh vệ tham dự vào diện được cảnh vệ.

Trong trường hợp không quy định cứng tại dự thảo Luật có thể quy định theo hướng mở giao Bộ trưởng Bộ Công an có thể quyết định đối tượng cảnh vệ theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, tức là theo từng trường hợp cụ thể để đảm bảo tính linh hoạt, do quy định hiện nay loại trừ hoàn toàn các hội nghị, lễ hội thuộc đối tượng này.

 Trong trường hợp cấp thiết, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định... Ảnh: PLO

Trong trường hợp cấp thiết, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định... Ảnh: PLO

Về vấn đề này, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như quy định tại dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện. Quy định này nhằm thực hiện công tác cảnh vệ, tạo điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta.

Theo cơ quan soạn thảo, để bảo đảm an ninh, an toàn cho các hội nghị, lễ hội, các sự kiện quan trọng do địa phương tổ chức cần áp dụng biện pháp cảnh vệ, điểm h khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật đã bổ sung quy định. Cụ thể, trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ.

Có ý kiến đại biểu cũng đề nghị phải quy định rõ trong luật cho chặt chẽ và việc xác định những trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp cảnh vệ. Lý do là khi áp dụng những trường hợp cần thiết có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân.

Theo Bộ Công an, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Do đó, để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, đó là để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại.

Từ thực tiễn công tác, Bộ Công an cho biết từ ngày 1-7-2018 đến nay đơn vị này đã triển khai công tác cảnh vệ với 56 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ. Cơ quan này cũng khẳng định thực tiễn thực hiện thời gian qua chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền, cũng không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính.

Đề xuất Bộ Quốc phòng được áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần thiết

Cũng có ý kiến tại thảo luận tổ đề nghị bổ sung đối tượng được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết có thể ủy quyền cho cấp phó để có sự linh hoạt trong áp dụng pháp luật.

Về vấn đề này, Bộ Công an cho hay thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng áp dụng đối tượng cảnh vệ trong phạm vi Bộ Quốc phòng những năm qua không phát sinh tình huống cấp thiết cần phải giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng cũng không đề xuất bổ sung quy định nêu trên vào dự thảo Luật.

Đối với việc ủy quyền cho cấp phó để có sự linh hoạt trong áp dụng pháp luật, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu và bổ sung quy định vào dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng Thường trực Ban Bí thư là chức danh chỉ xếp sau chức danh lãnh đạo chủ chốt, do đó, cần rà soát quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư cho phù hợp

Cơ quan soạn thảo cho hay qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Cảnh vệ trong những năm qua, các quy định về chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư theo Luật Cảnh vệ hiện hành là phù hợp, không phát sinh khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thường trực Ban Bí thư.

Mặt khác, theo Bộ Công an, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 11a cũng có quy định: “Khi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp, tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp bảo vệ đối tượng cảnh vệ”.

“Vì vậy, không cần thiết phải bổ sung chế độ, biện pháp cảnh vệ mới đối với Thường trực Ban Bí thư” – Bộ Công an nhấn mạnh.

Cũng có ý kiến đề nghị chỉnh lý khái niệm đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao để thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 1.

Theo Bộ Công an, nếu chỉnh lý đối tượng cảnh vệ như nêu trên thì mới chỉ bao quát được một số đối tượng cảnh vệ là con người. Trong khi đó, thực tế còn có nhiều đối tượng cảnh vệ khác như khu vực trọng yếu, sự kiện đặc biệt quan trọng, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-bo-cong-an-co-duoc-quyet-dinh-doi-tuong-canh-ve-khi-can-thiet-post793801.html