Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tự chủ tài chính ở đơn vị sự nghiệp công lập cần thận trọng, chắc chắn
Sáng 5/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia trả lời cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về nội dung tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hoàn thiện cơ chế chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ công Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập Xác định mức đảm bảo chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập
Mục tiêu cuối cùng là cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Mục tiêu thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập là để thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao và thực hiện hoàn thiện các danh mục tự chủ, để từ đó xác định được nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn khác phục vụ các đơn vị sự nghiệp, đảm bảo được chủ động, tự chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Trong việc xây dựng và hoàn thiện các danh mục, nguyên tắc là các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo kinh phí; các dịch vụ cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí; với các dịch vụ đặc thù của một số ngành lĩnh vực thì thực hiện cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu, tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia. Cùng với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập, các chính sách liên quan cũng đang được hoàn thiện như về chính sách đất đai, chính sách đấu thầu dịch vụ công…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp
Đối với các vướng mắc hiện nay trong việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng cho biết trước đây chúng ta thí điểm tự chủ toàn phần với một số đơn vị. Tuy nhiên, hiện việc huy động nguồn lực xã hội phục vụ việc tự chủ tài chính đang gặp khó khăn. Chẳng hạn như ở các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức… hiện nguồn thu khó khăn, việc liên doanh liên kết cũng khó khăn, nên các đơn vị này xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin tự chủ một phần, tức là tự chủ chi thường xuyên còn chi đầu tư thì NSNN đảm bảo.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, điều này cũng là hợp lý để cho đơn vị phát triển được tốt nhất. “Từ tự chủ chi thường xuyên tiến tới khi nguồn thu ổn định thì sẽ tự chủ toàn bộ cả chi đầu tư, như vậy việc phục vụ người dân sẽ tốt hơn” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Nói rõ hơn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng cho biết việc tự chủ hiện tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực là giáo dục, y tế và khoa học công nghệ. Trong đó, giáo dục và y tế là 2 trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay, có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống của người dân. Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong 2 lĩnh vực này cần thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh việc chạy theo phong trào.
Mục tiêu khi thực hiện tự chủ là để tăng tính chủ động, sáng tạo, tự quyết cho đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị đảm bảo được tự chủ 100% thì thực hiện được việc trả lương theo kết quả lao động, còn nếu đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập, quỹ đơn vị để tái đầu tư. Còn nếu đơn vị được Nhà nước đảm bảo 100%, thì khoán chi theo bộ phận… với mục tiêu cuối cùng là làm sao cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân.
Thu hút nhân tài vào khu vực công, kết quả còn cách xa mục tiêu
Cùng trả lời trong phiên chất vấn về việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành y tế, giáo dục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Việc thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tuy nhiên, một số mục tiêu vẫn chưa đạt được.
Về tài chính, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% tổng số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân, như: chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; do ảnh hưởng đại dịch Covid-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt…
Để nâng cao hiệu quả công tác tự chủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần thực hiện một số giải pháp như: tổ chức hội nghị đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp để có cái nhìn tổng quát, khơi thông những bế tắc; rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; các bộ, ngành địa phương, các đơn vị sự nghiệp cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ.
Liên quan đến việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, Bộ trưởng cho biết, theo kết luận 86 của Bộ Chính trị thì mục tiêu tới năm 2020 thu hút 1.000 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 140. Nhưng thực tế gần 4 năm thực hiện, việc thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ trẻ vào khu vực công chưa nhiều, tới hết tháng 6/2022 mới thu hút được 258 người, tức đạt 1/4 mục tiêu. Trong đó tại trung ương thu hút được 130 người, còn lại ở địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên nhân do nhiều bộ ngành địa phương chưa quyết tâm tuyển dụng cán bộ theo Nghị định 140. Bộ Nội vụ đã tuyển được 17 sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo chính sách của Nghị định 140 và thực tế đều là những người làm việc rất tốt, tiếp cận công việc nhanh.
Giải pháp tới đây, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cần đánh giá lại chính sách này. Khi xây dựng nghị định hướng dẫn đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu đưa ra chính sách tốt hơn, đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này. "Tất nhiên không thể so sánh với khu vực tư nhưng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao đưa ra cần đặc thù, ưu đãi và đủ mạnh, môi trường làm việc tốt để công chức tuyển dụng phát huy được tài năng. Đây là điều chúng tôi trăn trở và sẽ thúc đẩy thời gian tới" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.
Giữ cán bộ giỏi trong bộ máy để phục vụ cho sự phát triển đất nước
Trước quan điểm cho rằng phục vụ trong khu vực công cũng như tư, miễn là phục vụ người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần có chính sách phù hợp để giữ được người giỏi trong hệ thống, nhằm phục vụ người dân tốt nhất. Lấy ví dụ từ một số nước xung quanh như Singapore trả lương cho công chức cao hơn nhiều khu vực tư để giữ người giỏi trong bộ máy để quản lý nhà nước tốt nhất, làm nền tảng cho sự phát triển, Bộ trưởng cho rằng phải giữ được lực lượng tinh hoa trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ cho đời sống người dân, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.