Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải vì sao người nghỉ hưu trước năm 1995 được tăng lương hưu?
Trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã lý giải lý do vì sao người nghỉ hưu trước năm 1995 được tăng lương hưu.
Theo đó, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) nêu vấn đề, những người nghỉ hưu trước năm 1995 đã cao tuổi, lương hưu thấp, nhiều người chật vật mưu sinh, là nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tuy phải dừng cải cách tiền lương nói chung do tác động của dịch bệnh, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn đề nghị cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định vấn đề đại biểu nêu.
Trước đây, dự kiến đến ngày 1-7-2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, vì thế Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1-1-2022.
Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỷ đồng. Trong đó điều chỉnh cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có lương hưu chưa đạt 2,5 triệu đồng/tháng. Phấn đấu đến ngày 1-1-2022, người về hưu sẽ được hưởng chính sách mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Sáng 11-11, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) về vấn đề chính sách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết do tình hình dịch bệnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho phép lùi việc thực hiện chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp chậm lại. Hiện nay, chính sách đang được tiến hành thí điểm ở một số tập đoàn, làm cơ sở rút kinh nghiệm triển khai trên quy mô cả nước.
“Thời gian tới, lương sẽ được xác định là giá cả của sức lao động. Chính vì vậy, chúng ta phải trả lương theo nguyên tắc thị trường và trên cơ sở có sự can thiệp nhất định của Nhà nước, nhưng trong chừng mực, cho phép và đề cao vai trò của người sử dụng lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trong đó, lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp và người sử dụng lao động sẽ quyết định thang, bảng lương, thay vì Nhà nước. Thứ hai, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về nguyên tắc mức lương, thu nhập dựa trên sự phát triển của doanh nghiệp, phúc lợi của người lao động và mức lương tối thiểu vùng.
Để xác định được mức lương tối thiểu vùng, Nhà nước dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bài toán hài hòa lợi ích.