Bộ trưởng GD-ĐT: Không thể quay lại chương trình dùng một bộ SGK duy nhất
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có nhiều chia sẻ về việc đổi mới giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông. Ông cũng nói về những thuận lợi, khó khăn khi triển khai nhiều bộ sách giáo khoa.
Sáng 9/5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị đoàn Chủ tịch lần thứ 17 nhằm cho ý kiến vào nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến mỗi một kỳ họp sẽ mời 1-2 lãnh đạo bộ, ngành để báo cáo, trao đổi một số nội dung làm rõ thêm thông tin, tăng cường đồng thuận, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.
Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thông tin về những vấn đề liên quan đến việc đổi mới giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, nhất là sách giáo khoa (SGK).
Bộ trưởng cho biết, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được triển khai ở cấp học, bậc học, từ mầm non đến phổ thông trung học, trong đó "khâu giáo dục phổ thông có thể xem là khâu rất quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống GD-ĐT".
Chương trình GDPT mới 2018 là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi hệ thống giáo dục phổ thông, với một chương trình và nhiều bộ SGK. Chương trình được soạn theo hướng tiếp cận mới, phát triển năng lực người học; tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm; dành quyền chủ động cao hơn cho địa phương, cơ sở giáo dục, nhà giáo, người dạy và người học.
"Có ý kiến cho rằng một quốc gia mà có nhiều bộ SGK làm sao thống nhất được dạy và học. Sự thống nhất ở đây bởi chương trình năm 2018", Bộ trưởng lý giải và cho biết nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng giống như Việt Nam.
Việt Nam có 3 bộ SGK lớn được lưu hành và một số cuốn sách nhỏ lẻ khác nhau. Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, đây là sự thay đổi rất lớn. Phân tích thêm ưu điểm nhiều bộ SGK, ông cho biết, sẽ có thêm nhiều tư liệu; tạo sự chủ động, sáng tạo; có thể huy động nguồn lực, trí tuệ, tài chính tham gia biên soạn sách.
Để cạnh tranh các đơn vị phải phát huy sáng tạo để bộ sách của mình tốt nhất, hấp dẫn nhất. Đến nay có hơn 1.000 nhà giáo, nhà khoa học tham gia biên soạn hệ thống SGK.
"Trước đây chương trình cũ, giáo viên là người truyền thụ, kiểm tra, đánh giá kiến thức, ở chương trình mới giáo viên là người tổ chức, định hướng, hỗ trợ, cho nên vai trò giáo viên thay đổi", Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, chương trình mới đặt ra nhiều thách thức. Trước kia công việc của bộ kiểm tra chất lượng SGK "đơn giản, nhẹ nhàng hơn", khi thực hiện chương trình mới thì quản lý của bộ "nhiều hơn, khó khăn, phức tạp hơn" vì phải thẩm định nhiều bộ SGK nên rủi ro cao hơn.
Ngoài ra, nhà trường còn phải đáp ứng trang thiết bị và số lượng giáo viên phù hợp với chương trình mới. Giáo viên nếu không được tập huấn đầy đủ dễ lúng túng khi triển khai.
“Việc này chưa từng có trong thực tế, lạ và mới cho nên khi truyền thông không đầy đủ đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là phụ huynh rất dễ gây ra những phản ứng”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.
Đến 2025 kết thúc việc thay SGK toàn diện theo chương trình mới
Việc triển khai chương trình GDPT mới đã đi được hơn nửa chặng đường. Chương trình SGK mới đã triển khai ở khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; đến tháng 9 khối lớp 4, 8, 11 sẽ bắt đầu chương trình mới. Trong mùa hè này, bộ sẽ thẩm định bộ SGK của khối lớp 5, 9 và 12. Đến 2025 sẽ kết thúc việc thay SGK toàn diện theo chương trình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, đến thời điểm này giáo viên đã quen với việc một chương trình nhiều bộ SGK. Ủy ban giám sát của Quốc hội nhận định, chương trình đổi mới đã tạo ra sự đổi mới, không khí mới theo hướng tích cực, chủ động, có chuyển biến khả quan, việc chọn SGK của địa phương đã đi vào nề nếp, bình thường, không còn khó khăn.
Có một số ý kiến đặt lại vấn đề có nên tiếp tục chương trình nhiều bộ SGK nữa hay không. Ông Sơn phân tích, từ góc độ làm và thực thi chính sách, khi chương trình đã đi nửa chặng đường nếu thay đổi, quay lại thực hiện một chương trình, một bộ SGK "sẽ đi ngược lại tinh thần, triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đang đặt ra".
Bộ trưởng khẳng định: “Một chính sách đang thực hiện nửa chừng mà thay đổi sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong việc triển khai chương trình GDPT.
Hiện nay, người dân kêu ngành giáo dục sao cứ thay đổi, năm nào cũng thay đổi thế, nay lại thay đổi nữa thì uy tín của ngành khó có thể cao. Sau vài ba năm triển khai, bộ cũng đang điều chỉnh dần, nếu lần này mà có thay đổi nữa, cách nhìn của người dân với ngành không biết uy tín của ngành giáo dục sẽ ra sao?”.
Ông Sơn ví von, việc đổi mới lần này là cuộc "cách mạng trong giáo dục": "Cách mạng 100% vui vẻ, tất cả đều thấy nhẹ nhàng, không ai lăn tăn gì thì không phải là cuộc cách mạng".
Tuy nhiên, nếu có ý kiến mà không lắng nghe, không phân tích sẽ là sai lầm của người quản lý, người đứng đầu ngành Giáo dục bày tỏ sự mong muốn được nghe nhiều ý kiến, đóng góp.
Theo ông Sơn, đến năm 2025 khi đã hoàn thành chương trình hãy đánh giá "một cách thấu đáo", bởi giáo dục rất khó nhìn ngay thấy kết quả, cần có một thời gian nhìn nhận.
Bộ trưởng chia sẻ: "Nếu quay lại như cũ không biết đến bao giờ mới đổi mới thay đổi toàn diện giáo dục".