Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cần các giải pháp căn cơ hơn để thúc đẩy tăng trưởng

Ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

Sáng 15/7, phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thời gian tới cần các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó có nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị toàn ngành tài chính tập trung tháo gỡ về thể chế, chính sách pháp luật tài chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước đề ra, đảm bảo nguồn chi cho các nhiệm vụ trong dự toán, chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước được giao, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành vào cuộc quyết liệt thực hiện thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ nền sản xuất trong nước. Đồng thời, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy trình thủ tục các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài...

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài,...; phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhằm đảm bảo thị trường tài chính phát triển minh bạch, hiệu quả, thu hút các nguồn lực cho phát triển.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các đơn vị chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027.

6 tháng đầu năm tổng số thu ngân sách nhà nước toàn ngành đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Theo Bộ Tài chính kết quả đó có được là nhờ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đã đạt kết quả khả quan, GDP tăng 6,42%, lạm phát 6 tháng đầu năm tăng 4,08%. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023.

“Chúng ta đã hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế theo các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn. Theo đó, chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến 184 nghìn tỷ đồng trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng, giãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp nên thực hiện trong năm nay để kết thúc một chu kỳ hơn 4 năm qua thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Mỗi năm đã giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng.

Là một trong những “đầu tàu” kinh tế lớn của cả nước, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hà Nội cho biết, cân đối thu - chi ngân sách của Hà Nội đã được đảm bảo trong nửa đầu năm. tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội trên 259.000 tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Nguyễn Xuân Sáng, kết quả này có được là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính trong chỉ đạo, hướng dẫn điều hành ngân sách. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế, hải quan phối hợp với các địa phương thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu… Bộ Tài chính cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, tại một tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng ông Nguyễn Quốc Toàn, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn cho hay, 6 tháng đầu năm 2024 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 68% dự toán Trung ương giao, đạt 67,1% dự toán tỉnh giao, tăng 31,3% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 38,6% dự toán tỉnh giao, bằng 119,2% so cùng kỳ…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn thì cơ cấu thu ngân sách chưa thực sự bền vững. Hơn nữa, nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, kinh phí đối ứng các dự án, đối ứng các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh lớn, trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn…

Tại hội nghị, đại diện các sở tài chính địa phương cũng đưa ra những khó khăn chung như tình hình giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn được giao các tháng đầu năm còn chậm, một số lĩnh vực chi thường xuyên đạt thấp so với dự toán (sự nghiệp môi trường, kinh tế) do các cơ quan, đơn vị, địa phương chậm phê duyệt dự toán chi tiết, triển khai thực hiện thủ tục đấu thầu.

Hơn nữa, theo nhận định của lãnh đạo các sở tài chính địa phương, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, nhưng nhiều vướng mắc, khó khăn kéo dài; cùng với đó là những ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu hay việc tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế, phí, trong 6 tháng cuối năm… sẽ tác động làm giảm thu ngân sách.

Vì thế, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đại diện các các sở tài chính địa phương cho biết sẽ triển khai các biện pháp điều hành thu, chi ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, chủ động, bám sát dự toán. Theo đó, tăng cường các giải pháp chống thất thu qua kiểm tra, giám sát; xây dựng các giải pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu…

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-can-cac-giai-phap-can-co-hon-de-thuc-day-tang-truong/340506.html