Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bứt tốc cho đổi mới giáo dục

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị các Sở GD&ĐT tập trung cao độ đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá, đặc biệt với các môn học mới.

Sáng 21-7, tại tỉnh Nghệ An, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên.

Thừa - thiếu giáo viên cục bộ khi thực hiện chương trình mới

Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết đây là năm thứ hai giáo dục trung học triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THCS và là năm đầu tiên đối với cấp THPT.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10.

Hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 6, 7, 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt. Đồng thời chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2023 đạt thành tích cao. Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 nghiêm túc, an toàn. Công tác phổ cập giáo dục cấp THCS được các địa phương quan tâm và duy trì.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai trong năm học cũng cho thấy còn những tồn tại. Cụ thể đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, còn thừa thiếu cục bộ và thiếu so với quy định, đặc biệt là môn âm nhạc, môn mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều. Việc tập huấn đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn bất cập. Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương.

Linh hoạt bố trí sĩ số lớp, có chính sách với giáo dục thường xuyên

Từ thực tiễn triển khai chương trình mới tại địa phương, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép linh hoạt số học sinh/lớp với các môn/chuyên đề lựa chọn; cho phép các Sở tham mưu linh hoạt điều động, bố trí giáo viên phù hợp theo từng năm học.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang trao đổi tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Một số vấn đề khác trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 như xây dựng, ban hành tài liệu giáo dục địa phương, mua sắm thiết bị dạy học, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… cũng được địa phương trao đổi.

Thực tế đang có sự khập khiễng giữa giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân đề nghị, cần có chính sách quan tâm hơn nữa tới giáo dục thường xuyên, tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò của giáo dục thường xuyên.

Tương tự Phó Giám đốc Sở GDĐT Lào Cai Nguyễn Thế Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường tập huấn cho cán bộ, giáo viên về nội dung, phương pháp học tập; có vụ có hướng dẫn cụ thể hơn về thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên mới để các địa phương triển khai.

Bứt tốc cho đổi mới giáo dục

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh năm học 2023-2024 là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD&ĐT

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bộ GD&ĐT

“Năm khởi động có cái khó riêng, năm tăng tốc có cái khó riêng, năm gói lại có cái khó riêng. Chúng ta đang đứng trước năm học với khối lượng công việc nhiều nhất trong toàn bộ chu trình đổi mới. Chúng ta đã tích lũy được một số năm, đã nhìn thấy ưu điểm, khuyết điểm để rút kinh nghiệm, nếu năm nay không vượt qua được, khuyết điểm sẽ vẫn còn nguyên, khó khăn sẽ tích thêm và ảnh hưởng tới cả quá trình đổi mới giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng chia sẻ.

Từ việc chủ động nhìn nhận những điểm khó trong thực tiễn triển khai thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT tập trung cao độ đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá, đặc biệt với các môn học mới. Trong đó, quan tâm tập huấn thường xuyên, liên tục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tăng cường các hội giảng trao đổi kinh nghiệm như một số Sở GD&ĐT đã triển khai có hiệu quả; tổ chức nhóm hỗ trợ để sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc của đội ngũ giáo viên; dành sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn cho khối THCS; tăng cường hỗ trợ, chia sẻ, giám sát, dẫn dắt đội ngũ hiệu trưởng, bởi đây chính là “nhạc trưởng” của đổi mới ở cấp cơ sở.

Trước ý kiến của một số địa phương về việc chuyển trường của học sinh lớp 10 nhưng khó khăn bởi tổ hợp môn học lựa chọn khác nhau, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường. Công tác hướng nghiệp, phân luồng cũng phải được thực hiện bằng sự thuyết phục, qua sự lựa chọn của người học, không được triển khai cứng nhắc.

Cũng liên quan đến đội ngũ, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tái đi thực tế tại các trường phổ thông của giảng viên sư phạm.

“Nếu xa lạ với thực tiễn đang diễn ra ở giáo dục phổ thông, không có trải nghiệm thực tế, không bám sát, nắm chắc thực tiễn đổi mới, đội ngũ này sẽ không thể dạy một cách hiệu quả cho giáo sinh - những giáo viên tương lai sẽ triển khai thực hiện chương trình mới. Từ đó, các trường sư phạm không thể thực hiện được nhiệm vụ đồng hành, tham gia dẫn dắt trong hệ thống khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng nêu rõ.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-but-toc-cho-doi-moi-giao-duc-post743426.html