Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: 'Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt càng sớm càng tốt'
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt càng sớm, càng cao càng tốt với nước giải khát có đường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Liên quan đến việc áp thuế với nước giải khát có đường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, Bộ này nhận được nhiều ý kiến trái chiều việc áp thuế hay không với nước ngọt. Ông khẳng định có căn cứ rõ ràng để quyết định áp thuế với nước ngọt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam là một trong số quốc gia tiêu thụ nước ngọt ngày càng lớn, nguy cơ béo phì cao. Do đó, cần "đánh thuế càng sớm, càng cao càng tốt với nước giải khát có đường".
"Cá nhân tôi cũng cho rằng phải đánh thuế nước ngọt sớm hơn, không thể để thế hệ con em tới khi bị béo phì, nhiễm bệnh tật rồi mới có biện pháp ngăn ngừa," Bộ trưởng Thắng nói và thông tin thêm, WHO khuyến nghị áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt tối thiểu 20% tại tất cả các quốc gia chứ không riêng Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng, theo tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát, nước dừa không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với việc áp thuế với điều hòa nhiệt độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện đã có số ít các nước đánh thuế để tiết kiệm năng lượng, liên quan đến chất làm lạnh, liên quan đến ô nhiễm môi trường. Mặt hàng này trước đây đã được đánh thuế.
Tại dự thảo luật này quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại phiên thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu đề xuất nâng công suất lên. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nâng công suất này lên đến trên 24.000 BTU đến dưới 90.000 BTU để chịu thuế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng dẫn quy định của Thủ tướng Chính phủ năm 2024 yêu cầu tới năm 2045 sẽ hạn chế, không sản xuất, không nhập khẩu điều hòa không khí gia dụng, điều hòa không khí nguyên cụm sử dụng chất làm nóng ảnh hưởng tới tầng ozone.
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), điều hòa nhiệt độ công suất nhỏ (loại 9.000 BTU - 18.000 BTU) được đưa ra khỏi nhóm chịu thuế. Còn loại công suất trên 18.000 BTU - 90.000 BTU trở xuống vẫn thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, tương tự mức duy trì từ năm 2008 đến nay.
Tại phiên thảo luận, cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nâng mặt hàng điều hòa nhiệt độ trên 18.000 BTU mới phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, ở các đô thị, đối với các khu chung cư, căn hộ chung cư thông thường có từ một đến hai phòng và một phòng khách. Qua tham khảo một số các kỹ sư trong lĩnh vực điện lạnh, đại biểu cho biết, nếu lắp một điều hòa nhiệt độ 24.000 BTU cho cả 3 phòng này thì vừa tiết kiệm điện và vừa tiết kiệm chi phí của người dân.
Theo đại biểu, đây là thực tế hiện nay đang rất phổ biến ở các khu đô thị, đặc biệt là đối với các chung cư. Do đó, đại biểu đề nghị, áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ từ trên 24.000 BTU - 90.000 BTU (vì từ trên 90.000 BTU là điều hòa công nghiệp).
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, máy điều hòa nhiệt độ là mặt hàng thiết yếu đối với người dân, nên không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đại biểu, ngay cả các loại điều hòa nhiệt độ trên 24.000 BTU - 90.000 BTU cũng thường được sử dụng trong các phòng họp, hội trường lớn trong trụ sở các cơ quan Nhà nước, bệnh viện...
Vì vậy, không nên quy định công suất của các loại điều hòa để đánh thuế, mà nên quy định không đánh thuế tất cả các loại máy điều hòa để dễ triển khai, thực hiện trong thực tế.