Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: 'Lịch sử sẽ không quên những vất vả, hy sinh của những người mở đường'
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các cao tốc từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đúng tiến độ, chất lượng cho thấy thực sự có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt rất cao; cách nghĩ, cách làm đột phá; những dấu ấn về đoàn kết, tương trợ của các đơn vị thi công;…
Đúng tiến độ, chất lượng là danh dự của ngành GTVT
Sáng nay (8/9), Bộ GTVT phối hợp với 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 52/2017, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km. Trong đó, có 8 dự án thành phần với được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Đến thời điểm hiện nay, đã có 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519km. Bao gồm: 4 dự án thành phần kết nối từ Ninh Bình đến Nghệ An; 2 đoạn còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và cầu Mỹ Thuận 2 đang tiếp tục khẩn trương triển khai thi công. Theo kế hoạch, toàn bộ các dự án giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong quý II năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, để 4 dự án cao tốc đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An khánh thành, thông xe đúng chỉ đạo của Chính phủ, sớm đưa các tuyến đường cao tốc vào phục vụ nhân dân, toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị đã cùng nhau vượt qua nhiều thách thức. Đặc biệt, đối với dự án Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, đã có những thời điểm gặp không ít khó khăn.
Nổi bật trong đó là 5 thách thức, khó khăn. Trước hết là việc triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường. Tiếp đó là dự án đi qua khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng.
Trong giai đoạn này, giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến. Cùng với đó là khó khăn về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường. Mặt khác, thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ khiến nhiều thời điểm không thể thi công,…
Đứng trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tháo gỡ khó khăn; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Với ngành GTVT, chúng tôi xác định, việc hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng là danh dự, trách nhiệm của ngành GTVT trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ Bộ trưởng đến các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan trực thuộc, các chủ đầu tư, ban QLDA, các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công vào đã thực sự vào cuộc quyết tâm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra".
Bộ GTVT đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh" để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết. Vừa qua, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" vượt qua những khó khăn, thách thức, 2 dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu kịp đưa vào khai thác phục vụ nhân dân đúng dịp dịp kỷ niệm 78 năm Quốc khánh đất nước, trước đó dự án Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác đúng dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay và dự án Cao Bồ - Mai Sơn khánh thành đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Để có được kết quả này, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành GTVT; Cảm ơn Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội đã luôn ủng hộ chủ trương, bố trí đủ nguồn vốn và dành sự quan tâm, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện các dự án.
Bộ GTVT cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền của các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn bà con nhân dân khu vực bị ảnh hưởng đã vì quyền lợi chung, di dời nhà cửa, mồ mả, ruộng vườn,… để nhường đất thi công các dự án, chấp nhận nhiều sự thay đổi ở môi trường mới để đổi lấy những con đường lớn thúc đẩy kinh tế địa phương và đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT biểu dương các cơ quan thuộc Bộ GTVT, các ban QLDA, các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công, các công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý đã làm việc không quản ngày đêm, đoàn kết, chia sẻ vượt mọi khó khăn, nỗ lực triển khai, đưa các dự án về đích thành công.
Giải pháp linh hoạt đã tạo nên đột phá ấn tượng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, với tinh thần "Chỉ bàn làm, không bàn lùi", lan tỏa sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các ban QLDA đã tập trung giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu; nhanh nhạy, linh hoạt trong việc áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu tăng tốc thi công; bên cạnh đó, các ban QLDA đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm; kiểm soát nghiêm chất lượng thi công của nhà thầu.
Các đơn vị tư vấn đã bám sát hiện trường, luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật nếu có.
Các nhà thầu đã vượt qua những khó khăn chưa từng có, linh hoạt điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính,… tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần khối lượng bị chậm và thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành từng gói thầu, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ yêu cầu; tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.
Trên công trường của các dự án cao tốc đi qua Bắc miền Trung, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày - đêm, phát huy tinh thần "đi trước mở đường" và với tình yêu đất nước, yêu nghề đã vượt qua tất cả những sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, những sự nhớ nhung, xa cách người thân và gia đình kể cả trong những ngày lễ, tết đoàn viên để bám máy, bám công trường thi công không ngơi nghỉ.
"Nắng đủ thì thi công bê tông nhựa, mưa nhiều chuyển sang làm cầu, cống, hộ lan, biển báo. Thời tiết có thể bất lợi nhưng sản lượng không thể không lũy tiến. Tinh thần ấy, khí thế ấy, giải pháp linh hoạt ấy đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các công trường", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Lịch sử sẽ không quên những vất vả, hy sinh của những người mở đường.
Khó khăn ở đâu, giải quyết ở đó, không đùn đẩy, né tránh
Từ những khó khăn đã vượt qua, để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục giữ được tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất nặng nề phía trước, chúng ta cùng phải quán triệt những bài học kinh nghiệm đã được rút ra và rất có giá trị thực tiễn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị phải huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và toàn xã hội vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Đồng thời bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện; tinh thần như Chính phủ đã quán triệt "khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án.
Đặc biệt, công tác GPMB luôn là đường găng của các dự án nên cần phải đi trước một bước. Do vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng "xôi đỗ" gây khó khăn trong quá trình thi công.
Song hành với đó là cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, để người dân yên tâm về nơi ở mới, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của người dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Đối với nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án; đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế, huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; chú trọng chăm lo quyền lợi chính đáng, đời sống tinh thần, động viên cổ vũ người lao động; Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Nâng tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.822km
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (QLĐTXD) cho biết, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).
Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư là 1.607,4 tỷ đồng do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn - QL45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn QL45 - Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban QLDA2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban QLDA6 làm chủ đầu tư.
Đến nay cả 4 đoạn đều đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.
Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 - 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Sự "hòa mạng" của 4 đoạn cao tốc trên cũng giúp giảm thiểu TNGT, ùn tắc giao thông trên tuyến QL1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.
Theo đó, tổng chiều dài cao tốc đang khai thác trên cả nước đã được nâng lên con số 1.822km. Hiện nay, Bộ GTVT và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô, TP Hồ Chí Minh và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long để phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường bộ cao tốc theo đúng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.