Bộ trưởng Nội vụ trả lời nhiều câu hỏi về tăng 30% lương cơ sở, tăng 15% lương hưu

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin việc tăng 30% lương cơ sở, 10% tiền thưởng, tăng 15% lương hưu, 35,7% trợ cấp ưu đãi người có công và 38,9% trợ cấp xã hội... là sự cố gắng và tạo sự công bằng.

Chiều 20-6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7.

“Buổi sáng ngày hôm qua, Bộ Chính trị họp, chúng tôi báo cáo với tư cách là thành viên Ban cán sự Đảng Chính phủ và ngày hôm qua, Bộ Chính trị đã quyết định chủ trương…”- bà Phạm Thị Thanh Trà nói.

Mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng

Thông tin cụ thể, Bộ trưởng Nội vụ cho hay đối với khu vực doanh nghiệp, chúng ta thực hiện luôn, đầy đủ, toàn diện đúng với tinh thần Nghị quyết 27 cả hai nội dung.

Thứ nhất, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ ngày 1-7-2024 là 6%.

Thứ hai, thực hiện quản lý thu nhập đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế rất thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước phát triển và nâng cao đời sống của người lao động.

 Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đối với thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, Bộ trưởng Nội vụ cho hay chúng ta phải thực hiện một cách thận trọng theo lộ trình, từng bước, hợp lý, chắc chắn và hiệu quả nhất, an toàn nhất. Nói cách khác, việc này không gây xáo trộn, không gây phức tạp tình hình; đạt được mục tiêu là tăng cho tất cả các đối tượng lương từ ngân sách nhà nước và hưởng các chính sách liên quan đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

“Chúng ta điều chỉnh tăng đồng đều cho tất cả các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 30%, lấy mức lương cơ sở hiện hành từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng”- Bộ trưởng Nội vụ nói như vậy “tất cả cùng vui, tất cả đều được hưởng như nhau”.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Nội vụ cho hay Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã có những giờ phút suy nghĩ cân nhắc vô cùng nặng nề để lựa chọn phương án. Cuối cùng, chọn phương án này là tối ưu nhất.

Bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện theo lộ trình việc trả lương theo vị trí việc làm và chức vụ, chức danh lãnh đạo. Trước mắt, phụ cấp giữ nguyên như hiện hành và tiếp tục rà soát với một số đối tượng. Nếu còn bất cập, thời gian vừa qua đã đề xuất nhưng chưa được giải quyết, Bộ Chính trị thống nhất giao cho Chính phủ nghiên cứu, rà soát, bổ sung.

“Chúng ta thực hiện Nghị quyết 27 theo một lộ trình với bước đi thận trọng, chắc chắn và đáp ứng được lòng mong mỏi của tất cả. Không ai bị bỏ lại đằng sau, không ai bị thiệt thòi trong việc thực hiện tiền lương lần này”- Bộ trưởng Nội vụ nhắc lại.

Đề cập đến vấn đề nguồn để cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay tổng nguồn rất lớn, cả giai đoạn 2024-2026 là trên 913 nghìn tỉ đồng. Trong khi dự kiến cải cách tiền lương trước đó chỉ khoảng 800 nghìn tỉ đồng.

Số này dành cho tăng 30% lương cơ sở, 10% tiền thưởng, tăng 15% lương hưu, 35,7% trợ cấp ưu đãi người có công và 38,9% trợ cấp xã hội.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, từ năm 2019 đến nay, chúng ta đã tiết kiệm được 680 nghìn tỉ đồng, vẫn còn một khoản tiếp tục tiết kiệm để đủ trả lương, thưởng, cũng như các chính sách gắn với mức lương cơ sở.

“Tới đây, chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội, chính thức ban hành nghị định và sẽ bắt đầu thực hiện từ 1-7”- Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”

Sau khi thông tin của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, báo chí đặt câu hỏi để làm rõ thêm một số thông tin.

.Cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ hưu rất vui mừng trước thông tin tăng lương từ 1-7. Tuy nhiên, tăng lương như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn chưa thực hiện triệt để cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27, thưa Bộ trưởng?

+ Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Đúng là chúng ta chưa thực hiện được cải cách tiền lương một cách triệt để, bởi chúng ta đang đi theo lộ trình, từng bước thận trọng, chắc chắn. Tinh thần là: Rõ đến đâu ta làm đến đấy; khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần.

Hiện đang vướng ở bảng lương theo chức vụ, chức danh lãnh đạo; bảng lương theo vị trí việc làm, bảng lương lực lượng vũ trang. Vì vậy, chúng ta thực hiện bằng cách tiếp tục điều chỉnh tăng lương theo nguyên tắc tăng 30% lương cơ sở.

Điều này để bảo đảm tương quan tất cả các đối tượng cùng hưởng, không ai thấp, không ai cao… Nếu thiết kế theo phương án kia, nhiều đối tượng được hưởng mức lương rất cao, tăng trên 30% nhưng lại rất nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3 - 5%, rất nhiều đối tượng lại không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng. Như vậy sẽ không công bằng.

Chúng ta phải học lời dạy của Bác Hồ: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.

. Liệu chúng ta có phải tính đến bài học về giá- lương- tiền năm 1984-1986 hay không?

+ Tăng mức lương cơ sở 30% là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ khi thành lập nước cho đến nay, chưa bao giờ tăng cao như thế này. Như thế có nghĩa, chúng ta phải làm tốt nghị quyết 93 mà Thủ tướng vừa ban hành, trong đó đặt ra yêu cầu: Thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát.

Hiện Chính phủ đã xây dựng xong “kịch bản” để kiềm chế lạm phát, nếu không tăng lương 30% lại dẫn đến lạm phát thì quyền lợi của người lao động cũng không được hưởng bao nhiêu bởi giá cả thực tế đi trước rất nhiều.

Những dịch vụ công ích thuộc điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sẽ được điều chỉnh phù hợp theo lộ trình. Với giá một số loại hàng hóa, dịch vụ rất dễ tăng, ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của người dân cần phải rất lưu ý để kiểm soát.

Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông để làm sao cùng nhau góp phần kiềm chế lạm phát. Nếu lạm phát bị đẩy lên cao quá, khi đó tiền lương tăng lên sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả.

Đây là bài toán đặt ra, và hiện nay Chính phủ đang hết sức tập trung giải quyết vấn đề này. Bộ Tài chính đang chủ trì để thực hiện vấn đề liên quan đến điều hành giá.

.Thưa Bộ trưởng, vậy khi nào tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương?

+ Về việc tiếp tục thực hiện đề án cải cách tiền lương, tới đây, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tiến hành sơ kết, đánh giá lại những vấn đề khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 27, đặc biệt là việc xây dựng các bảng lương cũng như phụ cấp.

Từ đó, chúng ta sửa đổi, bổ sung cho phù hợp những vấn đề căn cốt để thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo.

Đến thời điểm hợp lý, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về vấn đề này. Chúng ta sẽ tiếp tục triển khai khi đủ điều kiện.

"Phương án tốt nhất có thể"

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay từ tháng 12-2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo đã có 21 cuộc họp, không kể thứ Bảy, Chủ nhật, không kể đêm, để họp bàn, cân nhắc rất kỹ lưỡng, thận trọng nhằm đưa ra phương án tốt nhất có thể, trên cơ sở bám theo quan điểm và nguyên tắc sau:

Thứ nhất, phải đảm bảo được sự hài hòa tương quan giữa các đối tượng, công bằng, bình đẳng.

Thứ hai, làm từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu, làm đến đấy. Với những khó khăn, vướng mắc, bất cập thì không được nôn nóng mà phải rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu chưa rõ phải tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện.

Thứ ba, khi nói cải cách tiền lương thì phải tăng lương. Cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì không có ý nghĩa. Chính vì vậy, phải bám sát Nghị quyết 27 để nghiên cứu phương án phù hợp nhất, để tất cả các đối tượng liên quan đến chính sách tiền lương phải được tăng lương.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-truong-noi-vu-tra-loi-nhieu-cau-hoi-ve-tang-30-luong-co-so-tang-15-luong-huu-post796645.html