Bộ trưởng sẽ hành động như thế nào?
Cơ bản đồng tình với các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là tới đây, Bộ trưởng sẽ hành động như thế nào!
Ông KHƯƠNG KIM TẠO, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:
Dấu ấn từ sự điều hành linh hoạt, mạch lạc
Hơn 110 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn cho thấy mức độ quan tâm của đại biểu, cử tri và Nhân dân đối với lĩnh vực giao thông vận tải rất lớn. Xét cả ở góc độ người hỏi và người trả lời, có thể thấy phiên chất vấn này rất thành công!
Về phía người hỏi, các đại biểu đã thể hiện rất trách nhiệm, thẳng thắn, đi đến cùng vấn đề, thể hiện ở số lượng đại biểu tranh luận xấp xỉ đại biểu đặt câu hỏi, lần lượt là 17 và 20 đại biểu. Về phía người trả lời, dù lần đầu tiên đăng đàn và cũng mới nhận nhiệm vụ chưa đầy một năm song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã thể hiện nắm chắc, nắm vững vấn đề mình quản lý, nhận diện được các hạn chế, đưa ra được cả giải pháp trước mắt và lâu dài.
Cả người hỏi và người trả lời đều đã bám sát theo Nội quy kỳ họp, bảo đảm đúng thời gian, “không để lãng phí một phút nào thời gian của Quốc hội” như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đặc biệt, thành công của phiên chất vấn còn phụ thuộc rất lớn vào vai trò người điều hành. Chủ tịch Quốc hội điều hành rất linh hoạt, khoa học, mạch lạc, không để sót vấn đề đại biểu nêu; đồng thời cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng để làm rõ thêm, như việc có hay không do Luật Quy hoạch khiến các trung tâm đăng kiểm nở rộ. Chủ tịch Quốc hội cũng kịp thời biểu dương hoặc nhắc nhở về thời gian trả lời của Bộ trưởng. Cách điều hành đó vừa mang tính động viên, khuyến khích, vừa bảo đảm theo đúng nội quy Kỳ họp.
Về nội dung cụ thể tại phiên chất vấn, Bộ trưởng đã nhìn nhận được hạn chế của công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Đúng là hiện nay, việc đào tạo cấp giấy phép lái xe không còn phù hợp. Các quy định chung đang thiên về hành chính nhiều quá, như quy định diện tích của trung tâm đào tạo; hay quy định đào tạo lý thuyết buộc học viên phải điểm danh bằng vân tay, trong khi chúng ta đã tận dụng công nghệ để học và làm việc trực tuyến. Phần lớn các môn học đã không còn phù hợp, như môn dạy về cấu tạo, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô; môn nghiệp vụ vận tải…
Chúng ta quan tâm quá nhiều vào dạy mà sơ sài sát hạch, trong khi đây mới là vấn đề cốt lõi để đánh giá năng lực của lái xe. Do đó, thay vì yêu cầu số ki lô mét học viên phải chạy đủ để cấp bằng thì nên thay đổi theo hướng cho họ chạy qua đủ địa hình với các tình thế giao thông khác nhau mới bảo đảm năng lực lái xe. Với các trung tâm đào tạo, thay vì yêu cầu diện tích, nên yêu cầu họ về số bài học thực tế cho học viên, có đầy đủ địa hình để đào tạo. Sửa luật tới đây cần theo hướng quản lý sau cấp bằng, tính điểm trừ vào giấy phép lái xe. Chẳng hạn, giấy phép đó có 20 điểm, nếu vượt đèn đỏ bị trừ 1 điểm, gây tai nạn trừ 5 điểm…, khi nào trừ hết số điểm đó thì bằng bị hủy và người dân nếu muốn cấp bằng phải được đào tạo lại.
Ông TRẦN ĐỨC NGHĨA, Trưởng ban Logistics, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Phải giảm bằng được thị phần đường bộ
Hiện, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 16,8% GDP. Mặc dù đã giảm song vẫn là mức cao so với thế giới với mức trung bình khoảng 11%. Chi phí logistics cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp, rộng hơn là của toàn nền kinh tế.
Muốn tiết giảm chi phí logistics, vai trò của Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng đã đưa ra nhiều giải pháp như tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tăng cường kết nối giữa cảng biển với các tuyến cao tốc, đặc biệt là cảng biển với đường thủy nội địa; tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải để tiết giảm; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc kiểm soát các chi phí…
Tôi cho rằng, mấu chốt đẩy chi phí logistics tăng cao hiện nay là do sự mất cân đối giữa các phương thức vận tải, trong đó đường bộ chiếm thị phần gần 80%, còn lại là đường thủy nội địa hơn 10%, đường sắt chỉ chiếm 0,59% thị phần. Để giải quyết căn cơ vấn đề phải giảm bằng được thị phần đường bộ, nâng thị phần phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa lên. Đây là hai phương thức vận tải rẻ tiền nhất nhưng chúng ta đã thiếu tập trung phát triển trong suốt thời gian qua.
Ngay như ở miền Bắc có 2 hành lang đường thủy nội địa quan trọng đi qua các trung tâm kinh tế và công nghiệp trọng điểm nhưng đều bị cản trở luồng tuyến về độ cao tĩnh không của cầu, như tuyến số 1 đi qua Quảng Ninh - Hải Dương - Bắc Ninh - Hà Nội - Việt Trì song hiện đang bị chặn bởi cầu Đuống.
Việc kết nối các phương thức vận tải với nhau hiện cũng rất thấp. Ở miền Bắc, lưu lượng hàng hóa qua các điểm kết nối vận tải container giữa đường bộ với đường thủy nội địa chỉ loanh quanh 1 - 2%; còn đường bộ kết nối với đường sắt thì ngay tại Hà Nội chỉ có 3 ga là Giáp Bát, Gia Lâm, Đông Anh.
Ông NGUYỄN VĂN THANH, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Không để thanh tra, kiểm tra trở thành gánh nặng
Thời gian qua, toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất quan tâm đến vấn đề đăng kiểm. Do đó, không khó hiểu khi đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Có thể thấy, Bộ trưởng đã thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm và đưa ra được các giải pháp cho vấn đề này. Tôi hoàn toàn tán thành giải pháp là làm rõ thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải trong vấn đề quản lý thanh, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm; phân cấp toàn bộ việc cấp phép hoạt động các trung tâm đăng kiểm cho địa phương, không để Cục Đăng kiểm cấp phép nữa và Cục sẽ chỉ tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đáng ra, chúng ta phải làm điều này từ lâu. Tất nhiên, Bộ cần quy định rất rõ để tạo thống nhất trong thực thi.
Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra cũng cần phải tập trung. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh điều này trong công tác quản lý thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ phải rất cẩn trọng để thanh tra, kiểm tra không trở thành gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp. Muốn vậy, phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, kể cả trong công tác thanh, kiểm tra.
Thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp để quản lý hiệu quả. Song, quan trọng hơn cả vẫn là phải rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định có liên quan; bảo đảm thực thi tốt các quy định đó.
Lâu nay, có tình trạng chúng ta buông lỏng quản lý chủ sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) trong lĩnh vực giao thông vận tải. Có những chủ doanh nghiệp thuê lái xe mà không nắm rõ được họ có đủ trình độ, có nghiện hút không… Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội. Do vậy, tới đây, khi sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật, Bộ cần lưu ý vấn đề này, gắn rõ trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp.
Tôi tin rằng, người dân, doanh nghiệp đang rất trông chờ vào những cải thiện trong lĩnh vực giao thông vận tải sau phiên chất vấn. Do đó, điều quan trọng là sau đây, Bộ trưởng sẽ hành động như thế nào. Những kết quả trên thực tế mới là thước đo chuẩn xác cho những nỗ lực, quyết tâm của Bộ trưởng!