Bộ Xây dựng: Lập tổ rà soát, cắt bỏ 'giấy phép con' ảnh hưởng doanh nghiệp
Bộ Xây dựng lập tổ công tác đặc biệt vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo đó, tổ công tác sẽ rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra 'giấy phép con' làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Cắt bỏ “giấy phép con” ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Quyết định số 1188/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID - 19.
Tổ công tác đặc biệt còn có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh là Tổ phó thường trực cùng thành viên là các lãnh đạo Cục, Vụ trực thuộc, bao gồm các Cục: Kinh tế xây dựng, Quản lý hoạt động xây dựng, Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Công tác phía Nam, Phát triển đô thị, Hạ tầng kỹ thuật, Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản; các Vụ: Pháp chế, Quản lý doanh nghiệp, Quy hoạch - Kiến trúc, Vật liệu xây dựng; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ.
Tổ công tác sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Đặc biệt, Tổ công tác rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Định kỳ, hàng tháng hoặc khi cần thiết, Tổ công tác tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng, đề xuất phương án giải quyết vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự án bị "ngâm tôm" do vướng thủ tục
Theo ghi nhận, những năm gần đây, do vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến nhiều dự án gặp khó khăn. Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên làm nhà ở xã hội tại Hà Nội cho biết, dự án nhà ở xã hội tại khu vực Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được giao đất và đang làm thủ tục. Tuy nhiên, suốt 1 năm nay, hồ sơ dự án lòng vòng và hiện đang nằm trên Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội.
Còn một dự án tại Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) cũng chưa đủ điều kiện bán hàng vì thời gian vừa qua giãn cách kéo dài ảnh hưởng đến quá trình làm hồ sơ, thủ tục. Đồng thời, các doanh nghiệp cho rằng, một dự án phải mất 4- 5 năm làm thủ tục mới có thể ra mắt thị trường gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong các quy định pháp luật hiện hành là nguyên nhân lớn nhất khiến nguồn cung BĐS khan hiếm nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán quý III/2021 khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60 -70% so với Quý II.
Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận, trong hàng nghìn dự án đang triển khai, có nhiều dự án gặp vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý và thời gian chờ giải quyết rất lâu. Bất cập này khiến cho việc phát triển các dự án mới gặp không ít khó khăn.
Để giải quyết vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết Bộ Xây dựng đang cùng với các bộ, ngành khác tìm cách tháo gỡ bằng việc sửa Luật Đầu tư 2020 và Luật Xây dựng.
Theo đó, trong năm 2021 sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường BĐS. “Chúng tôi dự báo 2 văn bản này sẽ tác động rất lớn đến thị trường”, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS nhận định.
Ông Khởi cũng chia sẻ thêm, Bộ Xây dựng đang đề xuất chỉnh sửa Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở cho phù hợp với Luật Đất đai mới, phù hợp với chương trình của Quốc hội. Bởi trong năm tới sẽ sửa Luật Đất đai.
Song song với đó, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và dự án. Do đó, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS dự báo thị trường sẽ phát triển khởi sắc hơn sau khi vấn đề pháp lý được hoàn thiện.