Bộ Xây dựng yêu cầu TP.HCM rà soát toàn bộ chung cư sau dư chấn động đất

Bộ Xây dựng yêu cầu TP.HCM rà soát toàn bộ chung cư trên địa bàn sau thông tin hàng trăm căn hộ chung cư tại một dự án có hiện tượng nứt tường, bong tróc nền, nghi do rung chấn động đất...

Tại chung cư Diamond Riverside (Quận 8), nhiều khu vực hành lang tại các tầng bị bung gạch lót sàn và ốp tường, tại các căn hộ ghi nhận tình trạng rạn nứt. Ảnh: Báo Lao Động

Tại chung cư Diamond Riverside (Quận 8), nhiều khu vực hành lang tại các tầng bị bung gạch lót sàn và ốp tường, tại các căn hộ ghi nhận tình trạng rạn nứt. Ảnh: Báo Lao Động

Chia sẻ với báo chí, Lãnh đạo Cục Giám định Nhà nước về các công trình (Bộ Xây dựng), cho biết liên quan đến tình trạng hàng trăm căn hộ ở chung cư Diamond Riverside (phường 16, Quận 8) bị nứt tường, bong tróc nền nghi do rung chấn từ trận động đất vừa qua, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu TP.HCM báo cáo sự việc này.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu TP.HCM rà soát lại toàn bộ các chung cư trên địa bàn liên quan đến phòng, chống động đất.

Trong đó, với dự án chung cư không thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, theo Bộ Xây dựng, trách nhiệm theo dõi chất lượng công trình thuộc về ban quản trị, cư dân và chính quyền địa phương. Nếu có dấu hiệu xuống cấp hay ảnh hưởng bởi thiên tai, các bên liên quan cần phối hợp giải quyết, kiểm định chất lượng, lên phương án cải tạo, di dời nếu cần thiết.

Những nhà chung cư đã hoàn thành kiểm định, đánh giá chất lượng, nếu thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, cần đưa vào kế hoạch làm cơ sở triển khai dự án.

Luật Nhà ở 2023 quy định dự án nhà chung cư được bảo hành tối thiểu 60 tháng kể từ khi hoàn thành xây dựng, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đơn vị thi công xây dựng sẽ chịu trách nhiệm khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở.

Trước đó, như Người Đô Thị đã đưa tin, đầu giờ chiều ngày 28.3, nhiều người dân ở một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM cho biết họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc mạnh, nghi do dư chấn của động đất và phải chạy ra ngoài.

Tại một số tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại ở Quận 1, TP.HCM, nhiều người dân nhanh chóng chạy ra đường sau khi cảm nhận nhà cửa rung lắc do dư chấn động đất. Ảnh: Người Lao Động

Tại một số tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại ở Quận 1, TP.HCM, nhiều người dân nhanh chóng chạy ra đường sau khi cảm nhận nhà cửa rung lắc do dư chấn động đất. Ảnh: Người Lao Động

Chuyên gia Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Các Khoa học Trái Đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết những biểu hiện rung lắc trên là do dư chấn của trận động đất có độ lớn 7.3 vừa xảy ra tại Myanmar vào lúc 13 giờ 20 phút 57 giây. Ông Anh cho biết thêm, độ sâu chấn tiêu của trận động đất trên vào khoảng 10km. Dù trận động đất trên xảy ra tại Myanmar, song dư chấn của trận động đất này có thể ảnh hưởng rộng, nên người dân ở Hà Nội có thể cảm nhận được sự rung lắc.

Chiều 30.3, đại diện lãnh đạo UBND Quận 8 (TP.HCM), cho biết đã tiếp nhận phản ánh của cư dân chung cư Diamond Riverside về nghi vấn dư chấn động đất mạnh hơn 7,7 độ ở Myanmar (vào trưa 28.3) có thể đã ảnh hưởng đến kết cấu nhà và công trình tại đây. Đại diện lãnh đạo Quận 8 kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy kết cấu công trình vẫn đảm bảo nhưng nhiều căn hộ xuất hiện vết rạn nứt. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra chi tiết để có đánh giá đầy đủ hơn. Vị này cũng cho biết cơ quan chức năng tiếp tục rà soát các khu vực khác nhưng chưa ghi nhận tình trạng tương tự.

Đại diện Ban Quản trị chung cư, ông Nguyễn Thanh Bình, cho biết tính đến chiều 29.3 có 342/1.700 căn hộ bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Các vết nứt xuất hiện rải rác bên trong các căn hộ, bong tróc nền nhà, hành lang tại cả 4 block của chung cư...

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cơ quan này đã phối hợp với các địa phương để kiểm tra nhiều trường hợp báo cáo về hiện tượng rung lắc tại các tòa nhà chung cư khác và au khi kiểm tra, chưa phát hiện tình trạng nứt tường nghiêm trọng như tại chung cư Diamond Riverside. Hiện nay, Sở Sở Xây dựng đã yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức cung cấp báo cáo chi tiết về tình hình cũng như mức độ ảnh hưởng sau dư chấn động đất...

Thiết kế chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc

Báo Lao động Thủ đô dẫn chia sẻ của KTS Chu Khánh Toàn, Công ty Tư vấn thiết kế Việt Nam, cho biết đối với các công trình chung cư tại Việt Nam, thiết kế chống động đất là một trong những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng, đặc biệt trong các khu vực địa chất không ổn định. Và về mặt luật pháp, đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định.

Cụ thể, điều 91 của Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) hay tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012 và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2022/BXD đều đưa ra các quy định, tiêu chuẩn về thiết kế công trình chịu động đất kể cả việc đánh giá nguy cơ động đất, tính toán tải trọng động đất và thiết kế cấu trúc phù hợp để chống chịu các tác động của động đất.

Bên cạnh đó, nhà chung cư còn được áp dụng quy chuẩn Việt Nam 02:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựn an toàn chống động đất. Các tiêu chuẩn này yêu cầu đánh giá nguy cơ, tính toán tải trọng động đất, và thiết kế kết cấu phù hợp.

“Theo quy định, vùng động đất tại nước ta được phân loại theo 3 mức độ: Động đất mạnh, yếu và rất yếu. Tùy thuộc vào mức độ nguy cơ động đất tại từng khu vực, các yêu cầu về kháng chấn sẽ được điều chỉnh tương ứng. Ví dụ, ở khu vực có động đất mạnh, công trình phải được thiết kế với khả năng kháng chấn cao hơn so với khu vực có động đất yếu hoặc rất yếu”, KTS Chu Khánh Toàn chia sẻ.

Tuy nhiên, KTS Chu Khánh Toàn cũng cho rằng, thực tế cũng cho thấy không phải công trình nào cũng đảm bảo chất lượng như cam kết. Một số tòa nhà cũ hoặc xây dựng kém chất lượng có thể gặp nguy cơ xuống cấp, gây mất an toàn. (Anh Tuấn - Lao động Thủ đô)

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bo-xay-dung-yeu-cau-tp-hcm-ra-soat-toan-bo-chung-cu-sau-du-chan-dong-dat-47668.html