Bộ Y tế: Xử lý nghiêm vi phạm bán thuốc điều trị cúm A không có đơn của bác sĩ, tăng giá trục lợi
Hôm nay - 12/2, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Bộ Y tế; Các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về việc đảm bảo cung ứng và kiểm soát giá thuốc điều trị cúm mùa.
Khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc điều trị cúm
Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh thành phố số ca cúm mùa, đặc biệt là cúm A có xu hướng gia tăng.
Để bảo đảm việc cung ứng và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốcTamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị, trong đó Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công văn số 3847/QLD-KDngày 02/12/2024 và Công văn số 414/QLD-KD ngày 07/2/2025 của Cục Quản lý Dược về việc bảo đảm cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh, thuốc điều trị bệnh cúm.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ.
![Cục Quản lý Dược đề nghị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_94_51459454/7260493e7e70972ece61.jpg)
Cục Quản lý Dược đề nghị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho người dân không tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị cúm A khi không có chỉ định của bác sĩ.
Tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết,...), các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đối với các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế, cần chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị;
Thực hiện đúng các quy định về mua, bán thuốc và quản lý giá thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm mùa, trong đó có các thuốc điều trị cúm A chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu
Trước đó, như Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, trong những ngày gần đây xuất hiện tình trạng không ít người dân lại đổ xô đi mua thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir) - thuốc kháng virus cúm A về dự trữ do tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm thuốc thêm nếu dịch bùng phát. Cùng đó trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản, cửa hàng thuốc rao bán thuốc Tamiflu, thậm chí còn khuyến cáo người dân nên dự trữ 1-2 vỉ thuốc ở nhà để dự phòng khi mắc cúm A.
Đại diện Cục Quản lý Dược cho biết các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung. Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho là hơn 10.000hộp, công ty vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000. Sắp tới công ty sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên. Giá bán buôn vẫn giữ nguyên.
Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 02 lần theo quy đinh tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này; Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Và không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi.
Thời điểm này, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là "thần dược" trong điều trị cúm.