Bồi đắp tình yêu quê hương qua học giáo dục địa phương

Giáo dục địa phương đã trở thành môn học chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Môn học được cả giáo viên và học sinh hào hứng đón nhận.

Một tiết học giáo dục địa phương tại Trường THCS Quốc Tuấn (Nam Sách)

Một tiết học giáo dục địa phương tại Trường THCS Quốc Tuấn (Nam Sách)

Học sinh thành hướng dẫn viên

Tại một tiết học giáo dục địa phương Hải Dương, thông qua mô hình cổng Thành Đông xưa và các tài liệu đã được chuẩn bị, hàng chục học sinh lớp 8 Trường THCS Quốc Tuấn (Nam Sách) hào hứng thuyết trình, thảo luận về chủ đề “Thành Đông trong lịch sử của vùng đất Hải Dương”. Tiết học diễn ra sôi nổi do có sự tương tác giữa các nhóm về những nội dung cốt lõi như lịch sử hình thành, vai trò của Thành Đông đối với lịch sử Hải Dương; phân tích chuyển biến về kinh tế, văn hóa của Hải Dương… Học sinh được vào vai như một hướng dẫn viên du lịch để cuốn hút các bạn cùng tham gia.

Để thực hiện chủ đề này, dưới sự định hướng của cô giáo, các bạn chia thành nhiều nhóm và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Nhóm của em Lê Đình Hoàng Phúc làm nhiệm vụ thiết kế cổng Thành Đông xưa. Đây là phần việc các bạn rất hào hứng. Nhóm của Phúc đã kỳ công thiết kế cổng Thành Đông xưa bằng xốp.

Các nhóm khác sẽ phụ trách xác định vị trí các cổng thành gắn với những nơi hiện nay của TP Hải Dương qua bản đồ hoặc chụp ảnh thực địa; sưu tầm hình ảnh giới thiệu về các phố cổ tại TP Hải Dương như tên phố xưa, lịch sử hình thành, sản phẩm nghề và những dấu tích, văn bia...; vẽ sơ đồ tư duy hoặc tạo hình ảnh thuyết trình về vai trò của Thành Đông với lịch sử Hải Dương. Sau đó, các nhóm báo cáo sản phẩm học tập và trao đổi thảo luận các vấn đề đặt ra. Cuối cùng là cô giáo phân tích, đánh giá kết quả trải nghiệm của từng nhóm và kết luận nội dung bài học. Đây là phương pháp dạy học dự án, giao nhiệm vụ cho học sinh. “Học với phương pháp này giúp chúng em nhớ kiến thức sâu hơn và hiểu được nơi mình sống, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước”, Phúc nói.

Tương tự, tại tiết học giáo dục địa phương ở lớp 11, Trường THPT Thanh Hà, học sinh cũng rất hào hứng khi thuyết trình về di sản văn hóa phi vật thể của quê hương Thanh Hà là múa rối nước. Em Lê Thị Thu Hà cho biết, nhóm gồm 6 bạn đã kỳ công thiết kế mô hình thủy đình bằng những nguyên vật liệu sẵn có. Hình ảnh chú Tễu được các bạn cắt, dán sinh động.

Hà chia sẻ: “Qua tiết học này em và các bạn mới biết các nghệ nhân kỳ công tạo ra con rối như thế nào và múa rối nước ra đời là minh chứng của nền văn minh lúa nước. Hiểu được giá trị to lớn của văn hóa lịch sử tại địa phương để tự hào và thêm yêu quê hương mình”.

Học sinh Trường THPT Thanh Hà thuyết trình về múa rối nước Thanh Hải trong tiết học giáo dục địa phương

Học sinh Trường THPT Thanh Hà thuyết trình về múa rối nước Thanh Hải trong tiết học giáo dục địa phương

Chủ động tiếp cận kiến thức

Giáo dục địa phương tỉnh Hải Dương là môn học bắt buộc đã được dạy ở các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Năm học 2023-2024 tiếp tục thực hiện ở các lớp 4, 8, 11. Môn học giúp học sinh tiếp cận và khám phá các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; chính trị - xã hội, môi trường của xứ Đông xưa, Hải Dương nay. Các chủ đề nổi bật như: lịch sử Hải Dương từ thời nguyên thủy đến thế kỷ XIX; di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống, danh nhân, khoa bảng, làng nghề; chính sách phát triển kinh tế, lao động, việc làm…

Cô Bùi Thị Giang, giáo viên lịch sử Trường THPT Thanh Hà cho biết nội dung phong phú của Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hải Dương sẽ giúp các em có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu vùng đất Hải Dương, phát triển một số năng lực cốt lõi và phẩm chất chủ yếu cần có của học sinh phổ thông. Qua đó, bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương; vận dụng những điều đã học vào giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tế, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên tại tỉnh Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung.

Đồng quan điểm, cô Lương Thị Thu Hường, giáo viên lịch sử Trường THCS Quốc Tuấn cho biết đã áp dụng nhiều giải pháp giúp học sinh hứng thú với môn học như tham gia hoạt động trải nghiệm để được tìm hiểu địa phương qua thực tế, xây dựng mô hình lớp dạy học dự án, sân khấu hóa... Việc đổi mới, áp dụng phương pháp dạy học dự án mang lại hiệu quả vì học sinh được chủ động tiếp cận kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây là một giải pháp tối ưu trong dạy môn học này.

“Phương pháp dạy học dự án, giao nhiệm vụ giúp học sinh phát huy năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, đúng theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Hường nói.

Tuy nhiên, cô Hường và cô Giang đều cho biết khó khăn lớn nhất của môn học này là chưa có tài liệu bằng giấy mà vẫn dạy bằng tài liệu điện tử. Giáo viên rất vất vả để khai thác, tìm kiếm thêm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm phục vụ tốt nhất cho môn học. Mặt khác, muốn môn học hấp dẫn, hiệu quả thì phải trải nghiệm, thực tế nhiều hơn hoặc đầu tư làm những sản phẩm phục vụ môn học nhưng việc tìm nguồn kinh phí để thực hiện không hề dễ.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/boi-dap-tinh-yeu-que-huong-qua-hoc-giao-duc-dia-phuong-361206.html