Bốn đột phá chiến lược - mở 'đường băng' cho Hòa Bình cất cánh

Bài 5 - Hòa Bình vững tin bước vào kỷ nguyên mới 2020 - 2025 là nhiệm kỳ đáng nhớ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình khi phải đối mặt và vượt qua những thách thức chưa từng có.

Bài 5 - Hòa Bình vững tin bước vào kỷ nguyên mới

2020 - 2025 là nhiệm kỳ đáng nhớ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình khi phải đối mặt và vượt qua những thách thức chưa từng có.

Cơ giới hóa hiện đại trên những cánh đồng mẫu lớn là diện mạo nông nghiệp của Hòa Bình hôm nay.

Cơ giới hóa hiện đại trên những cánh đồng mẫu lớn là diện mạo nông nghiệp của Hòa Bình hôm nay.

Ảnh: Nông dân xã Thịnh Minh (thành phố Hòa Bình) đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của tỉnh giảm sâu xuống còn 0,81%. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, các giải pháp đột phá chiến lược được đồng bộ triển khai đã tạo đà cho nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hòa Bình đạt 8,96%. Đặc biệt là tăng tốc để về đích, quý I/2025, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 12,76%, xếp thứ 2 toàn quốc. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để Hòa Bình tự tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Dấu ấn nhiệm kỳ vượt khó

Theo số liệu thống kê, dự kiến kết thúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh ta có 18/21 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,64%. Ước đến hết năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 87,91 triệu đồng, gấp 1,46 lần so với năm 2020. Các ngành kinh tế đều có bước phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực. Trong đó, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái xanh, ứng dụng khoa học công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất canh tác trồng trọt đạt 195 triệu đồng/năm, giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 220 triệu đồng/ha. Tổng sản lượng xuất khẩu đạt trên 4.152 tấn, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 1.898 tỷ đồng. Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, dự kiến đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 91 xã đạt chuẩn NTM, tăng 33 xã so với cuối năm 2020; có 35 xã NTM nâng cao, 6 xã NTM kiểu mẫu; thành phố Hòa Bình hoàn thành xây dựng NTM và 2 huyện Lương Sơn, Lạc Thủy đạt chuẩn NTM. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện có chiều sâu và đảm bảo thực chất; đến nay, toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp phát triển khá, tạo cơ sở để ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân ước đạt 6,5%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đặc biệt, tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế, đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh ước đón 12,4 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 13,3 nghìn tỷ đồng. Ngành dịch vụ phát triển đa dạng về loại hình, một số ngành mới như: thương mại điện tử, giao nhận hàng hóa... phát triển nhanh. Tăng trưởng bình quân hằng năm ngành dịch vụ ước đạt 6,93%/năm.

Kinh tế phát triển đã tạo nguồn lực đầu tư cho các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Hòa Bình ước có 10 bác sỹ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,3% dân số. Lĩnh vực giáo dục được quan tâm đầu tư, dự kiến đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 61% trường học đạt chuẩn quốc gia. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn, phát huy. An sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện hiệu quả; việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tranh kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm ma túy, cờ bạc, tín dụng đen… được thực hiện đồng bộ, hiệu quả...

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, cơ bản thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở. Tính đến tháng 3/2025, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình có 14 đảng bộ trực thuộc với 701 tổ chức cơ sở đảng, 71.281 đảng viên.

Vững tin bước vào kỷ nguyên mới

Một nhiệm kỳ đáng nhớ với rất nhiều khó khăn nhưng Hòa Bình tự hào với những kết quả đạt được. Chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới, chúng ta có nhiều niềm tin và hi vọng vào sự bứt phá, đổi thay đất Mường. Đó là bởi vì trong tháng Ba vừa qua, tỉnh ta đón nhận 2 thông tin quan trọng từ Chính phủ. Ngày 20/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 653/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo phương thức đối tác công tư. UBND tỉnh Hòa Bình được giao là cơ quan có thẩm quyền chủ trì phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của dự án, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc mở rộng quy mô đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình. Do đó, tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai, xây dựng. Bảo đảm chính xác, minh bạch trong việc kiểm đếm, lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; khẩn trương xây dựng phương án tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân. Phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến trên địa bàn thành phố Hòa Bình trong 90 ngày kể từ ngày được bàn giao tim tuyến, hướng tuyến, bình đồ tuyến, cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới thực hiện dự án. Các sở, ngành phải vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vướng mắc theo thẩm quyền, đặc biệt là rút ngắn các thủ tục hành chính để khởi công dự án vào ngày 1/7/2025.

Tiếp đó, ngày 27/3, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2547/ VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Hòa Bình làm cơ quan chủ quản để quản lý, đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Km 0 - Km 19) với quy mô giai đoạn hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe. Như vậy, toàn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã dần được định hình và kỳ vọng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để thúc đẩy KT-XH tỉnh Hòa Bình phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hòa Bình phấn khởi, tự tin tăng tốc về đích nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như sẵn sàng tinh thần, khí thế bước vào nhiệm kỳ mới. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Mục tiêu của tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ tới là kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Trong đó công nghiệp là động lực; du lịch là mũi nhọn; nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh. Tài nguyên thiên nhiên, môi trường được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Hòa Bình chủ động tham gia hội nhập quốc tế và kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Xây dựng tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 trở thành tỉnh sinh thái, đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc; có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc nhóm khá của cả nước. Hòa Bình tự tin góp sức cùng cả nước hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, hoàn thành khát vọng xây dựng nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/200537/bon-dot-pha-chien-luoc-mo-duong-bang-cho-hoa-binh-cat-canh.htm