Bon làng gìn giữ vốn quý của dân tộc

Với sự nỗ lực của chính quyền các cấp và sự nhiệt huyết của các nghệ nhân, người dân, hiện nay nhiều giá trị truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được gìn giữ, phát huy.

Bon N’Jang Lu, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) hiện có hơn 200 hộ với gần 2.000 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào M’nông sinh sống và là một trong những bon điển hình cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống của tỉnh. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng người dân trong bon luôn có ý thức gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Những nghệ nhân lớn tuổi, người uy tín trong cộng đồng luôn phát huy tốt vai trò của mình trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa. Điển hình như nghệ nhân Điểu Marin, dù đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, thường xuyên tham gia các hội diễn do địa phương tổ chức và nỗ lực truyền dạy đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ. Thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của ông, bon N’Jang Lu đã duy trì được một đội chiêng gồm 20 thành viên. Mỗi lúc rảnh rỗi, ông lại vận động mọi người tập đánh chiêng.

 Đội cồng chiêng nữ bon N'Jang Lu biểu diễn tại Lễ sum họp cộng đồng

Đội cồng chiêng nữ bon N'Jang Lu biểu diễn tại Lễ sum họp cộng đồng

Nghệ nhân Thị Mai (con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu) vẫn âm thầm sưu tầm, truyền dạy sử thi (Ót N'drong) cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, nghề dệt thổ cẩm, đan gùi, làm rượu cần, nhạc cụ, vật dụng lao động truyền thống cũng được bà con truyền dạy cho nhau qua các thế hệ trong dòng họ. Ðiển hình như các chị Thị Pyơn, Thị Xanh, Thị Nhum, Thị B’rơt…được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm và khi dệt thành thạo, các chị lại truyền dạy cho em, con cháu. Cứ như vậy, hiện nay trong bon có khá nhiều phụ nữ và ngay cả các thiếu nữ mới lớn cũng đã biết dệt thổ cẩm, với những sản phẩm từ đơn giản đến tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao.

Từ những nỗ lực, cố gắng của các già làng, người uy tín, nghệ nhân trong bon cũng như sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân bon N’Jang Lu dần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.

Theo chị Thị Hương, Trưởng bon N’Jang Lu, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế, bà con luôn lỗ lực gìn giữ văn hóa của dân tộc M’nông. Ðặc biệt, các nghi thức, hoạt động lễ hội của dân tộc M’nông, nghệ nhân hát dân ca, chế tác nhạc cụ còn được lưu giữ khá trọn vẹn. Vì vậy, khi bon làng diễn ra lễ hội hay các hoạt động văn hóa thì mỗi gia đình, dòng họ lại phát huy khả năng, sở trường của mình, đóng góp sức người, sức của để tổ chức theo đúng nghi thức, phong tục truyền thống tốt đẹp.

 Phần lớn đàn ông ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha biết nghề đan lát

Phần lớn đàn ông ở bon Kon Hao, xã Đắk Ha biết nghề đan lát

Tương tự, bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong) được tỉnh chọn làm bon điểm để xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng. Bởi lẽ, bon nằm trong tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và gìn giữ được nét văn hóa đặc trưng của người Mạ trên địa bàn.

Bà con trong bon hiện nay nhà nào cũng có khung cửi dệt thổ cẩm và các vật dụng sinh hoạt làm bằng tre nứa truyền thống. Phụ nữ dệt vải, đàn ông đan lát…, trở thành nét thường thấy ở bon Kon Hao. Việc đan lát hầu như do người đàn ông đảm nhận, với nhiều loại vật dụng được bà con sử dụng cho đến ngày nay như gùi, nong, nia, nơm...

Để làm ra được các sản phẩm đòi hỏi người làm phải có sự khéo léo, tỉ mỉ trên từng công đoạn và tùy vào đặc trưng của từng vật dụng mà có cách chế tác khác nhau. Theo thống kê, hiện bon Kon Hao có khoảng 60% đàn ông biết đan lát và 80% chị em biết dệt thổ cẩm. Ngoài việc phục vụ nhu cầu của gia đình, một số người đã có thể bán sản phẩm đan lát cho những ai có nhu cầu và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Thông qua đó, lớp trẻ lại có dịp hiểu rõ và tự hào về nét đẹp văn hóa, những gì mà tổ tiên, cha ông đã chắt chiu gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mỹ Hằng

722

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/bon-lang-gin-giu-von-quy-cua-dan-toc-90914.html