Bóng ma chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương
Bất chấp là những đồng minh khăng khít của nhau trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, song giờ đây quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương đang nổi sóng gió trước một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn nhiều khả năng sẽ bùng phát trong nay mai.
![Mỹ đe dọa áp thuế cao đối với ô tô của châu Âu xuất sang Mỹ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_106_51452862/c4837d1d4b53a20dfb42.jpg)
Mỹ đe dọa áp thuế cao đối với ô tô của châu Âu xuất sang Mỹ
Mỹ đe dọa áp mức thuế 10-20% đối với hàng hóa của EU
Bóng dáng một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu đã xuất hiện ngay sau khi chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 10-2 tuyên bố áp thuế mới 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Dù không trực tiếp và chỉ nhằm vào riêng châu Âu, tuy nhiên mức thuế quan trên đã tác động lớn tới một ngành công nghiệp quan trọng tại một số quốc gia châu Âu, trong đó có các nền kinh tế lớn của cựu lục địa như Đức, Anh, Pháp. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ngay sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức Korbinian Wagner đã lên tiếng cảnh báo, việc áp thuế cao hơn sẽ “có hại cho tất cả các bên”.
Dù rằng khẳng định chờ thông báo chính thức về bất kỳ mức thuế quan mới nào của Mỹ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn nhấn mạnh, Đức cùng các thành viên liên minh sẽ xem xét kỹ lưỡng vấn đề này với tư cách là Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cảnh báo “bất kỳ ai áp đặt thuế quan đều phải lường trước được các mức thuế quan trả đũa”.
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cũng khẳng định, EU sẽ trả đũa nếu Mỹ thực thi kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép. Ngoại trưởng Pháp cho biết thêm, Tổng thống Donald Trump từng làm điều này năm 2018 và khi đó EU đã trả đũa. Khi được hỏi về danh sách các sản phẩm có thể bị áp thuế trả đũa, ông Jean-Noel Barrot cho biết, Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) sẽ quyết định việc này.
Trong khi đó, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, London luôn chuẩn bị cho mọi khả năng tác động của chính sách thuế mới của Mỹ. Công ty tư vấn UK Steel cảnh báo, bất cứ mức thuế nào sẽ là “đòn giáng thảm họa” đối với ngành thép, gây hại cho hoạt động xuất khẩu thép cao cấp vào Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Anh sau EU. Hiện Anh xuất khẩu khoảng 200 nghìn tấn thép/năm sang Mỹ, trị giá hơn 400 triệu bảng, tương đương 495 triệu USD.
Các mặt hàng thép và nhôm có thể “khai hỏa” cho một cuộc chiến thương mại quy mô lớn hơn giữa Mỹ và châu Âu khi đích thân Tổng thống Donald Trump đã đề cập tới vấn đề này. Vị tân chủ nhân của Nhà trắng từ lâu đã công khai bày tỏ sự không hài lòng với mức thuế 10% mà EU áp lên ô tô nhập khẩu - cao hơn nhiều so với mức thuế ô tô 2,5% của Mỹ. Ông tuyên bố rằng, châu Âu “không lấy ô tô của chúng tôi” nhưng vẫn vận chuyển hàng triệu chiếc về phía Tây qua Đại Tây Dương mỗi năm.
Trước đó, ngay từ khi chưa chính thức tiếp quản Nhà trắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 12 năm ngoài đã cảnh báo, sẽ áp thuế lên EU trừ khi khối này mua một lượng lớn dầu và khí đốt của Mỹ để bù đắp thâm hụt thương mại ngày càng tăng của Washington với liên minh. Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới với sản lượng hơn 20 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 1/5 nhu cầu toàn cầu.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Âu đạt khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu của Mỹ, song vị chủ nhân Nhà trắng dường như vẫn chưa hài lòng, thúc ép châu Âu phải nhập nhiều hơn nữa dầu mỏ của Mỹ để cân bằng hơn cán cân thương mại.
Theo dữ liệu của phía Mỹ, nước này ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa với EU là 208,7 tỷ USD trong năm 2023. Trong chiến dịch tranh cử và sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20-1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích EU, đồng thời đe dọa sẽ áp mức thuế 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ khối này.
Châu Âu muốn “tháo ngòi nổ” chiến tranh thương mại
Nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn giữa Mỹ và châu Âu đang lớn dần lên, phủ bóng u ám lên mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, lên nền kinh tế hai bên bờ Đại Tây Dương cũng như kinh tế thế giới. Dữ liệu từ EC cho thấy, trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và EU lên đến 1,5 nghìn tỷ euro (tương đương 1,25 nghìn tỷ USD) vào năm 2023, nên bất kỳ một cuộc thương chiến nào cũng dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng cho cả hai bên và kinh tế toàn cầu.
Các thành viên EU xuất khẩu lượng lớn hàng hóa sang Mỹ và mức thuế quan cao sẽ giáng một đòn đáng kể vào các công ty và người tiêu dùng châu Âu. Cuộc chiến thương mại như vậy có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả EU và Mỹ. Tuy nhiên, một số ngành và quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những ngành và quốc gia khác. Chỉ riêng Đức, Italia và Ireland đã chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2023. Những quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến thương mại.
Nếu Tổng thống Donald Trump áp dụng thuế quan toàn diện đối với tất cả hàng nhập khẩu từ EU như tuyên bố, các nhà sản xuất ô tô, máy móc và công ty dược phẩm sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. EU đã xuất khẩu hơn 90 tỷ euro giá trị xe sang Mỹ vào năm 2023, và thuế quan có thể giáng một đòn chí mạng vào các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Mỹ áp đặt mức thuế quan 10% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU sẽ giảm khoảng 0,3% trong 2 năm tới vì xuất khẩu đóng góp rất lớn vào kinh tế và việc làm tại khu vực này. Giá cổ phiếu cũng sẽ giảm từ 1% đến 2%. Vì thế, đây là lý do ngay sau khi ông Donald Trump cảnh báo tăng thuế, thị trường chứng khoán châu Âu cuối tuần trước đã có sự rung lắc, nhiều cổ phiếu giảm mạnh.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống lần đầu tiên của ông Donald Trump (2017-2021), căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương đã dẫn đến những đòn “ăn miếng, trả miếng” liên tục, gây ra tổn thất rất lớn cho nền kinh tế của cả hai bên.
Giới quan sát cho rằng, chính sách cứng rắn của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này sẽ một lần nữa dấy lên sóng gió giữa hai bờ Đại Tây Dương, đảo lộn dòng chảy thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng thương mại, kinh tế trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo tại EU đã lên tiếng cảnh báo việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định áp thêm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các thành viên liên minh, nêu rõ điều này có thể khơi mào một cuộc chiến thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Người phát ngôn của EC đã lên tiếng chỉ trích chính sách thuế quan của Mỹ và khẳng định EU sẽ đáp trả nếu bị nhắm tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu cần phải tự bảo vệ mình và tạo dựng sự tôn trọng từ các quốc gia khác, đặc biệt khi các lợi ích thương mại của châu lục bị đe dọa. Ông Emmanuel Macron nhấn mạnh, những tuyên bố gần đây của chính quyền Mỹ đang thúc đẩy EU phải trở nên đoàn kết và mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với các vấn đề an ninh chung.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ sự tin tưởng về khả năng của EU khi đối diện với các chính sách thuế quan mà Mỹ có thể áp dụng. Ông khẳng định rằng, EU đủ mạnh để ứng phó với chính sách áp thuế mới từ Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh rằng, thay vì rơi vào vòng xoáy tranh chấp thương mại, mục tiêu lâu dài của EU và Mỹ nên là hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau và thực thi các giải pháp chung có lợi cho cả hai bên.