Bức tranh ảm đạm của thị trường sách văn học trong nước

Theo nhận định của các đơn vị làm sách, thị trường sách văn học đang dần thu hẹp lại, nhường chỗ cho dòng sách phi hư cấu.

 Các quầy sách ở nơi dễ nhìn hầu như là sách phi hư cấu. Ảnh: Đức Huy.

Các quầy sách ở nơi dễ nhìn hầu như là sách phi hư cấu. Ảnh: Đức Huy.

Bước chân vào hiệu sách, những tác phẩm văn học dường như vắng bóng hoàn toàn trên các kệ sách có “mặt tiền” đẹp. Văn học dịch ghi nhận một số đầu sách được tái bản nhưng mảng văn học của tác giả trẻ trong nước lại trầm lặng hơn, có những tác phẩm không đạt được mốc 2.000 bản.

Văn học trong nước ảm đạm

Nếu so với các quầy sách phi hư cấu, sách khoa học thường thức, tủ sách văn học trong nước chỉ rộng bằng một phần ba hoặc một nửa. Đa phần các tác phẩm mới, nhập về thường xuyên là văn học dịch và văn học của tác gia lớn như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Bằng...

Đối với những tựa sách này, nhiều nhà xuất bản, công ty sách cũng tham gia in ấn và phát hành. Tuy nhiên, chỉ một số ít thành công nhờ minh họa đẹp, chất lượng in tốt.

Khi nhìn xuống kệ dưới cùng, nhiều tác phẩm được xuất bản từ năm 2021, 2018 vẫn còn chất đống, nhiều bản in phủ bụi. Đây đều là những cuốn sách của tác giả trẻ. Có tác phẩm được in lần đầu nhưng vẫn chưa bán hết nên nhà sách không lấy về.

Một nhân viên tại nhà sách Lâm (Hà Nội) cho biết: “Các cuốn sách văn học vẫn về mới hàng ngày nhưng đa phần là các tác giả đã được nhiều người biết tới, những tác giả ít danh tiếng trong nước bán chậm nên nhà sách chỉ nhập một lần còn tới bây giờ”.

Khảo sát tại các website cũng cho thấy có những tác phẩm của cây bút trẻ Việt Nam còn không vượt qua mốc 2.000 bản/ lần in đầu. Chẳng hạn, cuốn Những kẻ thất tình ngày thứ bảy sau 5 năm không bán được 1.500 bản, Sao tình đầu chẳng mãi dài lâu ra mắt sau 4 năm cũng chưa chạm mốc 2.000 bản, Paris những mùa yêu được giảm giá tới 50%, ra mắt từ năm 2021 cho tới bây giờ vẫn còn từ đợt in đầu tiên.

 Các cuốn sách có doanh số bán chậm.

Các cuốn sách có doanh số bán chậm.

Không chỉ tại các cửa hiệu, khi đến các hội sách, nhiều bộ sách văn học của các tác giả trong nước được bày biện ở những nơi rất bắt mắt, dễ được người mua chú ý nhưng sau nhiều ngày, chồng sách đó rất ít được độc giả ghé đến xem thử. Họ chỉ liếc mắt qua tấm bìa và tên tác giả rồi đi sang gian khác.

“Các tác giả trong nước hầu như mình chỉ biết thông qua sách giáo khoa. Sau này lớn rồi, mình hầu như chỉ đọc các tác phẩm văn học Trung Quốc, Hàn Quốc”, Nguyễn Minh Nhật (21 tuổi) chia sẻ. Bạn trẻ này cũng cho biết thêm chưa bao giờ bỏ tiền ra mua một tập thơ của tác giả trong nước.

Điều này có thể thấy rằng, văn học trong nước đang gặp phải một thách thức rất lớn trong bối cảnh xuất bản toàn cầu. Thị trường thu hẹp lại dẫn đến đầu vào cũng dần khan hiếm hơn. Các nhà xuất bản, công ty sách khó có thể mặn mà với những tác phẩm của cây bút trẻ Việt Nam nếu trước đó người này chưa tạo được tệp khách hàng cho mình. Nhìn chung, thực trạng này có thể khiến thị trường sách văn học thiếu sự đa dạng và năng động.

Văn học dịch loay hoay

Trong mảng dịch, ngoài những cái tên thực sự nổi bật như Musso, Bussi, Keigo, Murakami, Stephen King... từ đầu năm 2024 tới nay chỉ có một vài cuốn phát hành tốt như Xa ngoài kia nơi loài tôm hát, Cánh tư... được in nối bản, tái bản thêm. Dù vậy, những tác phẩm này trước đó đã có sự hậu thuẫn rất tốt của truyền thông quốc tế.

 Cánh tư mới đây được nhà xuất bản Trẻ thông báo tái bản. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Cánh tư mới đây được nhà xuất bản Trẻ thông báo tái bản. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ.

Trái lại, những tác phẩm của Colleen Hoover, một tác giả nổi tiếng nhờ phong trào BookTok ở thị trường quốc tế lại tỏ rõ sự hụt hơi khi tiến vào Việt Nam. Các cuốn sách của Colleen Hoover không gây được tiếng vang dù rằng bạn đọc nước ngoài đánh giá cao. Trên cả những nền tảng như Goodreads, các cuốn sách của Hoover được công chúng quan tâm nhiều. Điều này cũng cho thấy một khía cạnh khác của văn học dịch rằng có những tác phẩm thành công ở quốc tế chưa chắc đã bán chạy tại Việt Nam.

Theo nhận định từ đại diện Nhã Nam, thị trường sách văn học gần đây không tốt như nhiều năm trước, trong khi các tác phẩm phi hư cấu đang nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng hơn. Nhà xuất bản Trẻ cũng cho rằng sách văn học trong nước vẫn có những cái tên nổi và tạo được thị trường riêng. Tuy nhiên, lượng bán vẫn không thể so được với sách khoa học.

Trong nhiều năm tới, thị trường sách văn học được các đơn vị xuất bản dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn so với sách phi hư cấu. Trong đó, thị trường văn học trẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh nhiều với những tác phẩm có tên tuổi ở quốc tế. Theo thống kê của Hội Xuất bản, lượng sách dịch được gửi đến Giải Sách quốc gia đã tăng 30-35% so với năm ngoái. Sách dịch đang là một xu thế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để khích lệ sách của tác giả trong nước, Hội đồng Giải thưởng đã chia giải A ra làm hai giải, một cho sách dịch, một cho sách trong nước. Điều này cũng có thể liên hệ đến với sách văn học trẻ “quốc nội”, các tác phẩm cần thêm không gian để tôn vinh và quảng bá đến bạn đọc.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-tranh-am-dam-cua-thi-truong-van-hoc-post1482055.html