Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp 2022: Dần hé gam màu sáng - tối
Hoạt động kinh doanh những tháng đầu năm 2022 mang những gam màu tươi sáng nhờ sức bật mạnh mẽ hậu đại dịch. Tuy nhiên, khó khăn mới đã ngấm vào tình hình kinh doanh trong nửa cuối năm và kết quả kinh doanh quý IV/2022 có sự phân hóa rõ rệt.
Quý IV chững lại
Số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, 9 tháng đầu năm ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng doanh thu gần 28%, song doanh thu quý IV/2022 đã chững lại và chỉ tăng ở mức một con số. Tính chung, doanh thu hợp nhất cả năm 2022 đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước và vượt 8% mục tiêu đề ra. Lợi nhuận hợp nhất đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch, nhưng giảm tới 25% so với năm 2021.
Tình trạng sụt giảm đơn hàng đã phần nào “ngấm” vào kết quả kinh doanh của Vinatex. Cùng với đó, biên lợi nhuận giảm sâu do giá nguyên liệu tăng và khoản lỗ tỷ giá lớn khi có nhiều khoản vay bằng USD đã khiến lợi nhuận lùi sâu.
Không riêng Vinatex, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp được hé lộ gần đây cũng cho thấy sự chững lại đáng kể trong quý IV/2022. Hơn 720 tỷ đồng là con số lỗ ròng ước tính của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong quý này. Xu hướng đảo chiều của giá dầu trong nửa cuối năm khiến doanh nghiệp sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ thu lãi ròng 455 tỷ đồng trong quý III/2022 và tiếp tục báo lỗ ròng lần đầu tiên sau 9 quý có lãi.
Dù vậy, khoản lỗ trên không đáng kể so với mức lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục hồi quý II (9.910 tỷ đồng). Biến động khó lường của giá dầu khiến kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng lên xuống thất thường. Tuy nhiên, tính chung, 2022 vẫn là năm “đại thắng” của công ty này. Doanh thu cả năm 2022 ước đạt 165.500 tỷ đồng, tăng 64%; lợi nhuận sau thuế đạt 12.176 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ. Còn so với kế hoạch doanh thu 91.678 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.295 tỷ đồng, Công ty đã vượt 81% mục tiêu về doanh thu và gấp 9 lần mục tiêu lợi nhuận.
Tương tự, Tổng công ty Hàng hải (VIMC) cũng vượt kế hoạch các chỉ tiêu tài chính đặt ra. Doanh thu hợp nhất ước đạt 15.041 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 3.129,5 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch. Tuy nhiên, trong khi doanh thu tăng 13%, thì lợi nhuận cả năm lại giảm nhẹ. Riêng quý IV/2022, lợi nhuận của VIMC chỉ bằng chưa đến 30% so với mức nền cao cùng kỳ.
Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng chỉ lãi vỏn vẹn chưa đến 30 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm 75% so với cùng kỳ, song lợi nhuận cả năm đạt 796,38 tỷ đồng, vượt tới 62% kế hoạch cả năm.
Điểm sáng hồi phục
Cũng trong ngành điện, Tổng công ty Phát điện 3 lại bật lên mạnh mẽ về chỉ tiêu doanh thu trong năm 2022. Số liệu gửi đến nhà đầu tư mới đây cho thấy, doanh thu cả năm 2022 vượt kế hoạch đề ra, tăng 24% so với năm trước và cao hơn 11,5% so với giai đoạn trước dịch. Lợi nhuận trước thuế (không bao gồm chênh lệch tỷ giá) đạt 3.395 tỷ đồng, cao gấp rưỡi kế hoạch và tăng 22,5% so với năm 2021.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương chỉ hoạt động 60-70% công suất. Tuy nhiên, nhà máy của An Cường hoạt động với công suất tối đa. Công ty đã chủ động giảm tỷ trọng doanh thu từ các Dự án bất động, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phân phối, mở thêm hệ thống đại lý. Với tỷ trọng doanh thu như hiện tại, bất động sản không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động của Gỗ An Cường.
Do vay nợ lớn bằng ngoại tệ để triển khai các dự án nhà máy điện, nên kết quả kinh doanh của Phát điện 3 chịu ảnh hưởng lớn bởi biến số tỷ giá. Như ở quý III/2022, lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại cuối kỳ các khoản vay đã vượt con số ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể ngay đầu tháng 12/2022. Nếu USD duy trì ở mức hiện tại, chi phí tài chính sẽ vơi đi đáng kể đối với Phát điện 3 nói riêng cũng như nhóm doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ nói chung.
Không riêng với các doanh nghiệp vay nợ lớn, quý III/2022 còn là kỳ kinh doanh với nhiều yếu tố bất lợi đối với doanh nghiệp thép. Ngay từ sau quý I/2022, giá thép đã lao dốc và tác động lên kết quả kinh doanh nhóm này. Trong quý III/2022, nhiều doanh nghiệp thép đã thông báo mức lỗ kỷ lục, thậm chí cho dừng lò cao. Đến đầu tháng 11/2022, giá thép thanh từng rơi xuống vùng đáy 5 năm và bật lên hồi phục đáng kể.
Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo, doanh thu quý IV/2022 của “ông lớn” Hòa Phát chỉ bằng một nửa cùng kỳ, trong khi lợi nhuận có thể giảm tới 98% với mức lãi ước tính là 120 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm và lỗ tỷ giá. Tuy vậy, con số dự báo trên vẫn khả quan hơn nhiều so với mức lỗ 1.300 tỷ đồng trong quý liền trước.
Một số doanh nghiệp cũng công bố kết quả kinh doanh cả năm với mức lãi tăng trưởng mạnh. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vừa tổ chức, ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường cho biết, lợi nhuận năm 2022 dự kiến đạt 600 tỷ đồng, tăng 35 - 40% so với năm 2021.
Lợi nhuận riêng quý IV/2022 có chững lại khi chỉ đi ngang so với cùng kỳ, nhưng lại ngược dòng với bối cảnh khá ảm đạm của ngành gỗ. Lãnh đạo An Cường cho biết, nhiều doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương chỉ hoạt động 60-70% công suất trong nửa cuối năm 2022, nhưng nhà máy của Công ty lại hoạt động với công suất tối đa, ghi nhận mức tăng trưởng 35-40%. Mức lợi nhuận 600 tỷ đồng cũng là kết quả kinh doanh cao nhất trong 5 năm qua của An Cường.
Bảo hiểm Bảo Minh gần đây cũng đã tiết lộ kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng 2 chữ số được duy trì đều đặn trong quý IV/2022 và cả năm. Năm 2022, Công ty ước tính tổng doanh thu đạt 6.230 tỷ đồng, hoàn thành 109,3% kế hoạch và tăng 16,51% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 340 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước.