Bùng nổ livestream bán hàng

Livestream bán hàng đang 'bùng nổ' trên khắp các tỉnh thành cả nước với khoảng2,5 triệu phiên mỗi tháng. Từ các tập đoàn lớn, doanh nghiệp thương hiệu lâu năm cho đến các tiểu thương ở chợ, chủ tiệm bách hóa… đều đang lao theo xu hướng bán hàng kiểu này.

Doanh nghiệp chuyển sang livestream

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, chủ một thương hiệu kinh doanh sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân, có trụ sở tại TP. HCM, cho biết: để chuẩn bị cho đợt khuyến mãi lớn nhất trong năm, đội ngũ nhân viên công ty phải chuẩn bị cả tháng, bỏ ra chi phí đến hơn 300 triệu đồng/ngày quảng cáo trên khắp các kênh từ báo chí, mạng xã hội… thì doanh thu mới đạt được gần 1 tỷ đồng/ngày.

Thế nhưng chỉ cần hợp tác với 1 KOL bán hàng qua livestream, trong 1 phiên kéo dài 2 tiếng, doanh thu đã đạt đến 4 tỷ đồng. Tính chi phí chia hoa hồng cho KOL là 10% và một số chi phí khác chưa đến 50 triệu đồng, thì hiệu quả livestream bán hàng vượt hơn cả mong đợi.

Trên thực tế, thị trường livestream đang chứng kiến ngày càng nhiều những phiên bán hàng đạt doanh thu “khủng”. Chẳng hạn như phiên livestream bán hàng của Tiktoker Quyền Leo Daily cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng; phiên livestream củaVõ Hà hút đến 80.000 lượt xem trực tuyến, ước doanh số hơn 20 tỷ đồng; hay phiên livestream của Phạm Thoại bán được gần 18.000 đơn hàng chỉ trong 6 giờ…

Tại các sự kiện thương mại lớn từ đầu năm 2024 đến nay, livestream bán hàng cũng được áp dụng và thu được kết quả khả quan. Ví dụ như chương trình livestream bán hàng của chợ Bến Thành đạt doanh thu 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày. Livestream bán hàng của sự kiện Xuân nghĩa tình đạt doanh thu 1,6 tỷ đồng trong3 ngày. Ngày hội mua sắm Tết TP. HCM - chợ Thủ Đức chốt được 17.000 đơn qua bán hàng livestream…

Ngay với cả doanh nghiệp lớn, livestream cũng đang dần thành trào lưu. Như tại KIDO, trước đây chỉ bán trên kênh truyền thống, nhưng nay tập đoàn này bắt đầu tập trung bán hàng livestream và ghi nhận lượng hàng bán tăng đáng kể. Điều này giúp giảm bớt những chi phí trung gian như logistics, marketing, sale… Đại diện KIDO nhìn nhận, đây là xu thế không thể đảo ngược để tiếp cận người tiêu dùng, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để bắt kịp nếu không muốn bị tụt hậu.

Hay với thương hiệu Meet More Coffee, hiện livestream đã chiếm hơn 50% tổng doanh số. Qua kênh bán hàng livestream, doanh nghiệp này còn giới thiệu được thương hiệu và chi tiết sản phẩm đến người dùng một cách gần gũi hơn mà lại ít tốn kém.

Tại hội thảo chủ đề bán hàng với công cụ và công nghệ mới và chinh phục các thị trường tỷ dân, livestream-er ViruSs cho biết, để làm livestream bán hàng, các doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí khoảng 40-50 triệu đồng cho tất cả các thiết bị, rẻ hơn rất nhiều so với đầu tư cửa hàng vật lý. Trong khi đó, khả năng tiếp cận khách hàng của livestream bán hàng vượt trội so với tất cả các phương thức bán hàng truyền thống.

Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP. HCM đánh giá việc bán hàng trên các nền tảng thương mại ngày càng phổ biến và ghi nhận những tích hiệu tích cực. Điển hình như việc livestream bán hàng của tiểu thương chợ Bến Thành hay bán đặc sản OCOP Cần Giờ đã mang lại doanh thu tốt. Chính vì vậy, Sở sẽ cùng các sở ngành, doanh nghiệp từng bước xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tập huấn, đào tạo cho các tiểu thương.

Trào lưu mua sắm

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, thông tin từ khảo sát của NielsenIQ Việt Nam cho hay lượng người mua qua thương mại số đạt 57- 60 triệu lượt. Mỗi ngày có 3,5 triệu lượt truy cập vào các trang thương mại điện tử. Số người mua sắm qua Internet hàng tuần ở Việt Nam đạt vị trí thứ 11 toàn cầu. 90% người tiêu dùng có ý định duy trì và tăng sử dụng sàn thương mại điện tử trong mua sắm.

Đáng chú ý, có 64% người xem livestream được thúc đẩy mua hàng ngẫu hứng nhiều hơn bình thường, 78% khách hàng biết đến sản phẩm khi xem các buổi livestream bán hàng. Có khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.

Theo thông tin từ AccessTrade Việt Nam, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Theo báo cáo “Những xu hướng mới của người tiêu dùng Việt” do Cốc Cốc thực hiện, có 77% người từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream. 67% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 - 1996) và 51% thuộc thế hệ Gen Z (1997 - 2012) cho biết đã từng xem và mua hàng qua livestream. Đây cũng là lực lượng chính của xu hướng mua sắm này.

Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo, đẩy tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa. Các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn đã nhận thấy tiềm năng, vai trò to lớn của kênh bán hàng này.

Thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng. Theo thống kê trong năm 2023, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream. Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với tiêu dùng Việt Nam.

Cần hoàn thiện pháp lý

Thời gian qua, nhiều vấn đề được các cơ quan quản lý nêu ra đối với nghĩa vụ thuế liên quan đến livestream bán hàng và tiếp thị liên kết. Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, livestream bán hàng về cơ bản chính là tiếp thị liên kết, khi người bán không trực tiếp bỏ vốn ra mua sản phẩm, cũng như không cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu như người bán chưa đăng ký kinh doanh sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng môi giới; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác... được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công. Với mức thuế suất tăng dần này, người có phần thu nhập tính thuế ở mức nào sẽ nộp thuế tương ứng với thuế suất ở mức đó. Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình, thực hiện các hoạt động bán hàng và có phát sinh doanh thu khai nộp thuế theo mức thuế 7%, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20 - 25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỷ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, việc nở rộ kinh doanh online, livestream bán hàng cũng khiến việc quản lý hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội khó khăn.

Hiện nhiều giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra để phát triển thương mại điện tử; trong đó có việc quản lý hoạt động thương mại điện tử qua mạng xã hội để thu thuế. Bộ Công Thương sẽ kết nối với Tổng cục Thuế chuyển dữ liệu của 48.348 thông tin website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và 1.218 website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ngay sau khi hoàn thành việc kết nối hệ thống của hai đơn vị trong tháng 6/2024.

Thảo Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bung-no-livestream-ban-hang-d112492.html