Bừng sáng những bản làng trên lưng núi
Có lẽ phải tới 90% diện tích đất tại Dìn Chin (Mường Khương) là đất dốc bám vào sườn núi. Trên lưng trời cao vời vợi, những đỉnh núi xô vào nhau hình thành từng nếp gấp, xen kẽ với các bản làng. Những nếp nhà nhỏ ôm lấy mảnh đất nghèo, kiên trì bám trụ, tin vào ngày mới ở tương lai không xa.
Chuyến công tác đến thôn Mào Sao Chải (tháng 6/2013) có lẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi trong suốt 10 năm bén duyên với nghề báo. Mào Sao Chải là thôn xa nhất và khó khăn nhất của xã Dìn Chin. 10 năm trước, con đường lên Mào Sao Chải là đất đỏ, lô nhô đá, xe máy chỉ có thể đi vào ngày nắng ráo, ngày mưa bắt buộc phải đi bộ.
Thật không may, chuyến đi hôm ấy chúng tôi xuất phát vào Mào Sao Chải khi trời tạnh ráo nhưng khi quay lại thì trời đổ mưa. Con đường gặp mưa trơn như xối mỡ, cộng thêm địa hình dốc cao nên khi đi xuống, dù đã dùng hết sức để bóp phanh, đánh lái nhưng chiếc xe vẫn tự trượt xuống dốc. Theo người dân, con đường ấy cứ trời mưa là đám trẻ con trong thôn lại ra “chơi cầu trượt”. Lúc về, chúng tôi hì hục nhích từng đoạn suốt gần 2 tiếng đồng hồ mới xuống được chân núi.
Vì đường đi khó, Mào Sao Chải gần như biệt lập với các bản làng lân cận, cuộc sống “tự cấp, tự túc”, việc giao thương vô cùng hạn chế. Nói về Mào Sao Chải những năm trước, chị Vàng Thị Chênh buồn bã nhớ lại: “Người dân ở đây sống quen với cái nghèo nàn, lạc hậu đến nỗi chẳng nhận ra mình nghèo nàn, lạc hậu. Phụ nữ mang thai cũng chẳng biết đi thăm khám, đến lúc sinh con thì tự sinh tại nhà. Những lúc ốm đau, bệnh tật thì chỉ khi quá đau, không chịu được nữa mới dùng ngựa chở đi bệnh viện, không tự đi được, cả làng phân công nhau làm võng khiêng đi”.
Nói về sự đổi thay của thôn mình, anh Thào A Thắng, Trưởng thôn Mào Sao Chải nhẩm tính, chỉ khoảng 7 năm đổ lại đây, khi đường giao thông được kết nối, ánh sáng của điện lưới về bản, đời sống người dân Mào Sao Chải như “sang trang mới”. Giờ đường lên thôn xe ô tô đã đi được, việc bán nông sản cũng thuận lợi hơn nhiều, giá cao hơn. Người dân Mào Sao Chải chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn đặt niềm tin vào cây trồng mới như chè, cây ăn quả, rồi nuôi bò, dê theo hướng hàng hóa nên thu nhập được nâng cao. Có tiền mua xe máy, ti vi, cuộc sống cũng vì thế mà khác đi nhiều, ngày càng văn minh, hiện đại; nhiều hộ đã xây được nhà mới.
Nằm thấp hơn Mào Sao Chải một chút là các thôn: Na Cổ, Cốc Cáng và Lồ Sử Thàng, chủ yếu là người Nùng Dín sinh sống ở triền dốc phía thượng nguồn sông Chảy (người dân còn gọi là sông Xanh). Cũng như Mào Sao Chải, trước đây những thôn này gần như tách biệt với cuộc sống của các xã lân cận do đường giao thông đi lại khó khăn, chỉ có những con đường đất nhỏ với phương tiện giao thông chạy bằng… cỏ. Thế nhưng những năm gần đây, những ngôi nhà kiên cố được xây dựng, đường giao thông đi lại thuận tiện, các thôn này như đang thay một tấm áo mới.
Ông Vàng Vân Sinh ở thôn Lồ Sử Thàng năm nay đã gần 60 tuổi lục lại trong ký ức, nhớ về những ngày xưa cũ: “Cách đây chỉ tầm 7 năm thôi, nhà nào cũng phải nuôi vài con ngựa để thồ hàng vì không có xe máy hoặc có đủ tiền mua xe máy thì đường đi cũng quá khó, không đi nổi. Khắp các triền đồi, chỗ đất nào cũng được đào xới để làm nương trồng ngô. Thời điểm ấy, ngoài ngô ra còn gì để bán được đâu. Ngô là thứ duy nhất có thể quy ra tiền để mua dầu, mua muối, thuốc thang rồi đến phân bón và cây, con giống".
Trong “nhật ký” gần 60 năm tuổi đời của ông Sinh, hơn 40 năm đầu, cuộc sống của ông quẩn quanh trong việc làm sao để sống yên ổn với… cái nghèo. Chính ông Sinh cũng chưa từng nghĩ rằng vào tuổi xế chiều, ông cùng con cái có thể xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang như bây giờ. Để có ngôi nhà này, bên cạnh việc đi làm thêm vào lúc nông nhàn, gia đình ông có thời điểm nuôi hơn 30 con lợn đen, hơn 10 con trâu, bò. Ngô, lúa cũng chuyển sang dùng giống mới, cách chăm sóc mới nên năng suất cao hơn, không những đủ lương thực ăn quanh năm mà còn dư dả để làm thức ăn chăn nuôi, vỗ béo cho gia súc, gia cầm; thậm chí bán ra thị trường.
Những sự đổi thay ấy chỉ nhanh chóng diễn ra trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sự đổi thay bắt đầu từ khi những con đường được mở rộng, được rải cấp phối rồi rải nhựa, đổ bê tông. Từ đó, xe máy thay thế cho những con ngựa đã đi mòn gót chân trên các con đường cũ để chở người, chở ngô. Rồi điện lưới kéo đến từng nhà, trường học được xây khang trang thay cho những lớp học tạm bợ dựng lên bằng vách nứa. Tiếp cận với khoa học - kỹ thuật mới, sự giao thương thuận tiện, việc tiếp xúc, học hỏi cách làm hay từ các địa phương lân cận đã thổi một luồng sinh khí mới cho người dân thôn nghèo này. Người dân Lồ Sử Thàng giờ đây không phải lo từng bữa như trước, nhiều nhà có của ăn, của để và những ngôi biệt thự đã mọc lên.
Chị Lù Thị Câu, Bí thư Chi bộ thôn Lồ Sử Thàng đón tôi từ đầu làng, tự hào chỉ về những nếp nhà vẫn nguyên màu ngói mới: Từ chỗ nhiều nhà xây này chính là thôn Lồ Sử Thàng. Thôn có 82 hộ thì chỉ còn 6 hộ chưa xây nhà vì chưa tìm được vị trí phù hợp hoặc chưa được tuổi, sớm muộn gì họ cũng sẽ xây hết, đời sống người dân giờ đây khá lắm.
Ít ai biết, nữ bí thư chi bộ mới ngoài tuổi 30 này cách đây hơn 10 năm từng bật khóc nức nở khi từ Si Ma Cai bước chân đến Lồ Sử Thàng làm dâu. Ngày cưới, cô dâu trẻ mặc bộ lễ phục xúng xính, xỏ thêm đôi cao gót để làm duyên, ngồi sau xe máy suốt một quãng đường dài, đến đường rẽ vào Lồ Sử Thàng thì gặp trời mưa, xe không chạy được, cô dâu trẻ với đôi giày cao gót, váy áo lấm lem bùn đất vừa đi vừa cố kìm nước mắt ngay trong ngày vui nhất của đời mình. Đó cũng là kỉ niệm đáng nhớ nhất của chị Câu khi về Lồ Sử Thàng trong những ngày còn gian khó.
Chị Câu dẫn chúng tôi đi thăm từng nhà, những ngôi nhà xây khang trang 2 - 3 tầng mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, nổi lên như một điểm sáng trên lưng chừng núi. Theo lý giải của chị Câu, người dân nơi đây quen với cuộc sống khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên ai cũng rất chăm chỉ, tiết kiệm. Không chỉ vậy, đức tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó ấy được người dân gìn giữ, mang theo khi đi lao động ở xứ người hoặc làm công nhân tại các nhà máy, tiền lương được tích lũy dần rồi mang về xây dựng cho quê hương thêm một diện mạo mới.
Người trẻ thì đi làm công nhân, những người ở lại cũng không vì thế mà chê đất đai quê hương nghèo cằn cỗi, vẫn kiên trì tra ngô, cấy lúa, mỗi nhà nuôi từ vài con đến hàng chục con trâu, con bò. Cái nghèo bám lấy lưng núi này, chúng tôi cũng bám lấy lưng núi này, nhưng chúng tôi kiên trì và chăm chỉ hơn nên sớm muộn gì cũng đuổi được cái nghèo đi.
Chị Lù Thị Câu, Bí thư chi bộ thôn Lồ Sử Thàng.
Nhìn về tương lai xa hơn, với mong mỏi người dân sẽ thoát nghèo một cách bền vững, chị Câu vận động người dân thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Các mô hình trồng rừng, trồng chè được gửi gắm vào từng tấc đất, từng buổi tập huấn, tuyên truyền với mong mỏi cuộc sống sẽ khác, sẽ đổi thay mỗi ngày.
Nhìn lại ngày cũ, nhìn đến tương lai với cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, chị Câu không khỏi xúc động, tự hào về sự nỗ lực, đồng lòng của người dân trong hành trình vượt qua đói nghèo. Theo niềm tin của chị Câu, theo cả những mong mỏi của người dân trên những triền non cao, núi nhọn, các thôn nghèo nằm chênh vênh, kiên trì bám trụ trên những lưng núi dốc đều hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bung-sang-nhung-ban-lang-tren-lung-nui-post370093.html