Bước tiến chiến lược giữa bầu trời và mặt đất của Israel
Vệ tinh mới nhất và hiện đại nhất của Israel đã bay vào không gian, nhưng hành trình đáng chú ý nhất của nó có thể sẽ diễn ra ngay tại Trái Đất.

Vệ tinh Dror-1 của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI). Ảnh: IAI
Hôm 13/7, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) đã phóng thành công vệ tinh liên lạc nặng 4,5 tấn Dror-1 vào quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX.
Vệ tinh di chuyển với tốc độ 3 km mỗi giây và giai đoạn đầu của chuyến bay kéo dài 3 phút 42 giây. Những con số ấn tượng đó thể hiện phần nào sự kịch tính của thời khắc phóng vệ tinh, nhưng chỉ hé lộ một phần tiềm năng kinh tế và chiến lược mà công nghệ này mang lại trong bối cảnh Trung Đông hậu chiến.
Cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran hồi tháng 6 vừa qua đã cho thấy hệ thống liên lạc mặt đất dễ bị tổn thương như thế nào trước các cuộc tấn công mạng, gây nhiễu và tên lửa. Dror-1, với vị trí cách mặt đất 36.000 km, mang đến cho Israel một hệ thống liên lạc độc lập, chống nhiễu, phục vụ các mạng lưới phòng thủ, lực lượng ứng cứu khẩn cấp và hạ tầng quốc gia thiết yếu. Theo IAI, Dror-1 sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của Israel trong nhiều năm tới.
Giá trị thực sự của Dror-1 không chỉ nằm ở biểu tượng hay khả năng quân sự. Nhu cầu toàn cầu đối với vệ tinh liên lạc địa tĩnh đang hồi sinh khi các chính phủ tìm kiếm hệ thống băng thông rộng độc lập, kết nối trong tình huống khẩn cấp và các kênh "Internet Vạn Vật" (IoT).
Israel, kể từ khi phóng vệ tinh Ofek-1 năm 1988, đã tạo dựng được vị thế trong lĩnh vực này: cung cấp các vệ tinh trọn gói cùng với trạm mặt đất được bảo vệ bằng công nghệ mạng, phân tích dữ liệu bằng trí tuệ nhân tạo và các chùm vệ tinh chụp ảnh tái hiện nhanh. Mỗi hợp đồng xuất khẩu ký sau buổi phóng hôm 13/7 là bước tiến: tạo thêm việc làm trong lĩnh vực kỹ thuật, tăng thu thuế và mở rộng đầu tư cho nghiên cứu phát triển nội địa – điều đặc biệt cần thiết sau cuộc chiến tiêu tốn ngân sách quốc gia.
Một số ý kiến lo ngại rằng phụ thuộc vào SpaceX có thể ảnh hưởng đến tính độc lập chiến lược. Tuy nhiên, điều ngược lại mới đúng. Sử dụng dịch vụ phóng thương mại đáng tin cậy nhất thế giới giúp tiết kiệm ngân sách để tập trung đổi mới về tải trọng, thay vì phát triển tên lửa đẩy. Ngay cả NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng phải mua chỗ trên Falcon 9. Tự chủ chiến lược ngày nay nằm ở việc sở hữu vệ tinh – phần không thể thay thế – còn chuyến đi đến quỹ đạo nên chọn phương án hiệu quả nhất.
Câu chuyện đằng sau Dror-1 giống như một cuốn cẩm nang về tinh thần vượt khó của Israel. Thiết kế phần cứng tiếp tục tiến triển giữa đại dịch COVID-19, quy trình tích hợp bị tạm dừng trong Chiến dịch "Người bảo vệ các bức tường" năm 2021, các kỹ sư liên tục di chuyển giữa phòng chân không tại Munich (Đức) và phòng sạch ở Mũi Canaveral (Mỹ) – trong khi Haifa vẫn bị tên lửa đạn đạo của Iran tấn công vào tháng 6 vừa qua.
Việc dự án hoàn tất đúng tiến độ là minh chứng cho một hệ sinh thái công nghiệp không chịu khuất phục trước khủng hoảng. Bài học cho các nhà hoạch định chính sách là rõ ràng: các chương trình công nghệ sâu (deep-tech) cần ngân sách nhiều năm, ổn định, không bị chi phối bởi tranh cãi chính trị ngắn hạn. Nếu ta có thể bảo vệ R&D không gian khỏi chính trị, ta cũng có thể bảo vệ các lĩnh vực chiến lược khác.
Các chuyên gia chiến lược thường tranh luận về cách Israel duy trì ưu thế quân sự vượt trội trong khi các nước láng giềng tăng cường mua UAV Trung Quốc và hệ thống phòng không Nga. Một trong những câu trả lời là: vươn cao hơn – theo nghĩa đen.
Một vệ tinh do Israel chế tạo phóng lên quỹ đạo trên bầu trời châu Phi hoặc Đông Nam Á có thể đóng vai trò như một “đại sứ” 24/7, truyền hình ảnh, dữ liệu y tế từ xa và thông tin mã hóa đến các quốc gia cần băng thông ổn định. Những dịch vụ như vậy giúp xây dựng quyền lực mềm nhanh hơn bất kỳ kênh ngoại giao nào – và mở ra cơ hội xuất khẩu tiếp theo, từ thiết bị quang học, vệ tinh mini, modem bảo mật đến bảo hiểm phóng, những lĩnh vực mà các start-up Israel đang dẫn đầu.
Dù được mệnh danh là “Quốc gia khởi nghiệp”, Israel vẫn chưa khai thác hết tiềm năng trong lĩnh vực thương mại không gian toàn cầu. Pháp đang bán vệ tinh của Airbus cho Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ chào hàng nền tảng Göktürk, Hàn Quốc đàm phán cung cấp tàu đổ bộ Mặt Trăng.
Đã đến lúc Israel công bố, tranh luận và đầu tư cho một Chiến lược Không gian Quốc gia tích hợp, cân bằng giữa các mục tiêu quốc phòng, thương mại và khoa học đến năm 2040. Chiến lược này nên bao gồm các chỉ số rõ ràng: chỉ tiêu xuất khẩu hàng năm, tỷ lệ GDP dành cho R&D không gian, và tiêu chí đa dạng hóa lực lượng lao động trong ngành.