Bước tiến lớn về chiến lược quốc phòng của nước NATO là láng giềng Nga và Ukraine

Ba Lan, nước thành viên NATO có đường biên giới với Liên bang Nga ở phía Đông Bắc và với Ukraine ở phía Đông, vừa đạt bước tiến lớn về chiến lược quốc phòng khi bổ sung tiêm kích tàng hình F-35A vào kho vũ khí của mình.

Một phi công Ba Lan lái tiêm kích tàng hình F-35A hoàn thành chuyến bay lịch sử đầu tiên tại Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Ebbing vào ngày 31/1/2025, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Không đoàn Tiêm kích 33 và chương trình Bán hàng Quân sự nước ngoài (FMS) Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Một phi công Ba Lan lái tiêm kích tàng hình F-35A hoàn thành chuyến bay lịch sử đầu tiên tại Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Ebbing vào ngày 31/1/2025, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Không đoàn Tiêm kích 33 và chương trình Bán hàng Quân sự nước ngoài (FMS) Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Vào ngày 31/1 vừa qua, Không quân Ba Lan đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng khi phi công nước này lần đầu tiên điều khiển máy bay tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II do Mỹ sản xuất trên bầu trời Fort Smith thuộc bang Arkansas. Chuyến bay mang tính lịch sử này chính thức đánh dấu việc Ba Lan bước vào kỷ nguyên sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, tăng cường khả năng phối hợp tác chiến với lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với việc những chiếc tiêm kích tàng hình F-35A trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phòng không của nước này.

Chuyến bay lịch sử của phi công Ba Lan nằm trong khuôn khổ chương trình Bán hàng Quân sự nước ngoài (FMS) của Mỹ, giúp củng cố mối quan hệ lâu dài giữa quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh thông qua việc cung cấp công nghệ quốc phòng tiên tiến và đào tạo phi công. Ba Lan đã ký hợp đồng vào năm 2020 để mua 32 chiếc tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II từ tập đoàn Lockheed Martin, với tổng trị giá khoảng 6,5 tỷ USD. Thương vụ này là một phần trong cam kết của Ba Lan nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia và củng cố vai trò của nước này trong NATO.

F-35A: Máy bay chiến đấu tiên tiến bậc nhất thế giới

F-35A được nhìn nhận như là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Nhờ khả năng tàng hình, F-35A có thể hoạt động trong môi trường có hệ thống phòng không của đối phương, nhưng lại không bị radar đối phương phát hiện. Bên cạnh đó, hệ thống cảm biến tiên tiến giúp F-35A phát hiện và tấn công mục tiêu từ khoảng cách xa, trong khi vẫn duy trì trạng thái gần như vô hình trên bầu trời.

Công nghệ hợp nhất cảm biến (sensor fusion) của F-35A giúp phi công nâng cao khả năng nhận thức tình huống thông qua việc tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau thành một màn hình hiển thị trực quan, làm cơ sở để phi công đưa ra quyết định chính xác trong tình huống chiến đấu.

Ngoài ra, tính linh hoạt là một đặc điểm quan trọng của F-35A. Chiến đấu cơ này được trang bị khả năng tấn công chính xác, có thể mang nhiều loại vũ khí, bao gồm bom dẫn đường chính xác và tên lửa, để tấn công cả mục tiêu trên không và mặt đất với độ chính xác cao. F-35A cũng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, từ áp chế đường không, hỗ trợ hỏa lực mặt đất, đến ra đòn tấn công chiến lược.

Khả năng kết nối của F-35A với các lực lượng của NATO giúp Ba Lan dễ dàng tích hợp vào các chiến dịch liên hợp, đảm bảo nước này có thể đóng góp hiệu quả vào công tác phòng thủ chung của liên minh.

Bước tiến lớn trong chiến lược quốc phòng của Ba Lan

Việc sở hữu những chiếc tiêm kích tàng hình F-35A là một phần quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa quốc phòng của Ba Lan, nhằm tăng cường sức mạnh không quân trong bối cảnh các thách thức an ninh ngày càng gia tăng tại Đông Âu. Những máy bay chiến đấu tiên tiến này sẽ giúp Ba Lan bảo vệ biên giới tốt hơn và phản ứng nhanh chóng trước các mối đe dọa khu vực.

Hơn nữa, với sự góp mặt của F-35A, Ba Lan sẽ có khả năng đóng góp hiệu quả hơn vào các hoạt động của NATO, khẳng định vai trò quan trọng của nước này trong việc duy trì an ninh châu Âu.

Huấn luyện phi công và sẵn sàng chiến đấu

Quá trình đào tạo phi công Ba Lan sử dụng chiến đấu cơ F-35A đã bắt đầu từ tháng 10/2024, bao gồm huấn luyện mô phỏng tại Căn cứ Không quân Eglin ở bang Florida và huấn luyện bay thực tế tại Căn cứ Không quân Vệ binh Quốc gia Ebbing. Chương trình đào tạo nghiêm ngặt này đảm bảo các phi công của Ba Lan có thể vận hành thành thạo F-35A trong điều kiện chiến đấu, đồng thời nâng cao khả năng phối hợp với lực lượng Mỹ cũng như lực lượng NATO trong các chiến dịch liên hợp.

Khi những chuyến bay đầu tiên với F-35A của phi công Ba Lan diễn ra, vị thế chiến lược của Ba Lan trong NATO càng được củng cố trong khi năng lực phòng thủ của nước này cũng được nâng cao đáng kể. Việc tích hợp F-35A vào Không quân Ba Lan không chỉ giúp bảo vệ chủ quyền quốc gia tốt hơn mà còn tăng cường khả năng đóng góp vào nền quốc phòng tập thể của châu Âu.

Củng cố vị thế của Ba Lan trong an ninh châu Âu

Việc Ba Lan sở hữu phi đội F-35A đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân sự của nước này cũng như sự hợp tác quốc phòng ngày càng sâu rộng với Mỹ. Khi lực lượng Không quân Ba Lan chuẩn bị triển khai F-35A vào hoạt động tác chiến, nước này đang định vị mình như một nhân tố chủ chốt trong an ninh châu Âu, được trang bị một trong những công nghệ tiên tiến nhất mà các thành viên NATO sở hữu.

Với việc F-35A trở thành một phần trong hệ thống phòng không của mình, Ba Lan, nước thành viên NATO có đường biên giới với Liên bang Nga ở phía Đông Bắc và với Ukraine ở phía Đông, sẽ có khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa trong tương lai và bảo vệ biên giới bằng công nghệ hàng đầu thế giới.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Army Recognition)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/buoc-tien-lon-ve-chien-luoc-quoc-phong-cua-nuoc-nato-la-lang-gieng-nga-va-ukraine-20250207213956477.htm