Cả làng bảo vệ 'hòn đá vía', xem như báu vật ở xứ Thanh

Cứ vào mỗi dịp Tết, người dân tộc Thái ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) lại đến hòn đá ở giữa làng 'xin vía'. Hòn đá này người dân địa phương xem như 'báu vật'.

“Báu vật” của làng

Ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn có một hòn đá được người dân xem như “báu vật”. Nơi đặt hòn đá được người dân làm hàng rào sắt bảo vệ cẩn thận và xem đó là hồn cốt của làng. Đầu năm mới, bản làng mở hội linh đình nhiều ngày để rước “hòn đá vía” cầu may, mong năm mới tốt lành.

"Hòn đá vía" nằm giữa trung tâm của làng, trước mặt nhà văn hóa. Ảnh: Lê Dương

"Hòn đá vía" nằm giữa trung tâm của làng, trước mặt nhà văn hóa. Ảnh: Lê Dương

Ông Hà Xuân Tân, người được dân làng chọn để làm lễ rước “hòn đá vía” vào mỗi dịp năm mới chia sẻ, không ai biết rõ hòn đá này có từ khi nào. Người dân ở đây chỉ biết rằng, khi họ sinh ra và lớn lên đã thấy có hòn đá này.

Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia có ông Tư Mã Hai Đào là người Mường Đào xưa (thuộc huyện Bá Thước ngày nay). Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ngày bé, Hai Đào đã rất giỏi chơi cù, đánh đu và luyện kiếm.

Lớn lên, ông có thân hình cao to khỏe mạnh, tướng pháp phi phàm, tinh thông võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, Hai Đào lập tức xuôi về kinh kỳ, xin được tham gia hội đấu võ.

Ông Tân giới thiệu hòn đá vía như "báu vật" của làng. Ảnh: Lê Dương

Ông Tân giới thiệu hòn đá vía như "báu vật" của làng. Ảnh: Lê Dương

Hai Đào đã thắng tuyệt đối các đối thủ khác và đã lọt vào mắt xanh của công chúa, được nhà vua tác thành.

Vào thế kỷ XVIII, vùng biên giới nước nhà bị giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên. Phò mã Hai Đào được vua cha cho cầm quân dẹp giặc. Hai Đào liền trở về triệu tập thêm binh Mường, rèn luyện vũ khí, xuất quân lên biên giới.

Đoàn quân của phò mã Hai Đào đi đến đâu dẹp tan quân giặc đến đó, giữ vững biên cương. Với những chiến công hiển hách, Hai Đào đã được vua phong chức Tư mã biên cương.

Nhận thấy vùng cao biên giới có phong cảnh sơn thủy, hữu tình, Tư Mã Hai Đào đã chọn Mường Xia để xây dựng thủ phủ sinh sống. Từ đây, Mường Xia phát triển phồn thịnh, những người trước đây bỏ Mường đi lần lượt kéo nhau về.

Sau này, khi vị tướng qua đời, người Mường Xia đã gửi “vía” vào một hòn đá, để cầu mong Tư Mã Hai Đào luôn bảo vệ dân làng. Đến ngày nay, "hòn đá vía" được coi như một báu vật, giữ hồn cho bản làng.

Gần "hòn đá vía" là đền thờ Tư Mã Hai Đào. Ảnh: Lê Dương

Gần "hòn đá vía" là đền thờ Tư Mã Hai Đào. Ảnh: Lê Dương

Cả làng bảo vệ “hòn đá vía”

Theo ông Tân, từ lâu, “hòn đá vía” đã được đặt trang nghiêm ở giữa làng, trên một ụ đất trước nhà văn hóa. Xung quanh hòn đá, xưa kia người dân trồng các loại cây gai để bảo vệ, sau này mới dùng hàng rào bằng sắt kiên cố.

“Hòn đá nằm gần đền thờ của Tư Mã Hai Đào, được xem như hồn cốt của làng, không ai được đụng đến hay xâm phạm. Người dân quan niệm, nếu không có phận sự mà làm kinh động đến hòn đá sẽ bị thần linh trừng trị.

Chính vì vậy, từ xưa đến nay, người trong làng không dám tự đụng vào hòn đá này.

Theo quan niệm của người Thái, vía con người do trời cai quản. Nếu mất vía, con người sẽ ốm đau, bệnh tật. Vậy nên, người Mường Xia coi "hòn đá vía" như một báu vật để giữ vía cho dân làng”, ông Tân cho biết.

Người dân lấy một hòn đá khác đến để làm lễ rước "hòn đá vía" về đền thờ Tư Mã Hai Đào. Ảnh: CTV

Người dân lấy một hòn đá khác đến để làm lễ rước "hòn đá vía" về đền thờ Tư Mã Hai Đào. Ảnh: CTV

Cũng theo người dân nơi đây, mỗi khi Mường Xia có con em đi làm ăn xa, đi học, hay nhà có công việc, các gia đình đều mang một cái áo của người sắp lên đường đi xa lên đền thờ Tư Mã Hai Đào thắp hương xin phù hộ, sau đó đến hòn đá "xin vía".

Ông Tân cho biết, lễ hội Mường Xia và nghi thức rước “hòn đá vía” diễn ra vào 9-11/2 âm lịch.

Tại lễ hội, trước đây, “hòn đá vía” được đào lên rửa sạch, dùng tấm vải đỏ bọc lại, đặt lên kiệu Long Đình do 9 chàng trai chưa vợ và 9 cô gái chưa chồng mặc trang phục dân tộc rước về đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào để tế lễ.

Lễ hội rước "hòn đá vía" được người dân địa phương tổ chức long trọng. Ảnh: CTV

Lễ hội rước "hòn đá vía" được người dân địa phương tổ chức long trọng. Ảnh: CTV

Những năm gần đây, người dân không đào hòn đá lên nữa, thay vào đó là đi tìm một hòn đá tương tự rồi đưa về rửa sạch, đến ngày làm lễ mang ra để gần “hòn đá vía”, sau đó tiến hành các nghi lễ.

"Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân Mường Xia đều trở về để xin vía cầu may, mong cho một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà an khang, thịnh vượng.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 2023 lễ hội Mường Xia được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", ông Tân cho biết.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ca-lang-bao-ve-hon-da-via-xem-nhu-bau-vat-o-xu-thanh-2364283.html