Cá ngừ, con tôm, con cua Việt Nam 'tính toán' chuyển hướng thị trường phù hợp trước áp lực thuế

Các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu đang 'ngồi trên đống lửa' khi Mỹ áp mức thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam lên tới 46% và dự kiến hiệu lực từ ngày 9-4 (theo giờ Mỹ).

Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ngay sau khi nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản khá lo lắng.

Con tôm, cá ngừ... cũng rối loạn vì thuế

Nguyên nhân là do phần lớn lượng hàng đang trên đường vận chuyển tới Mỹ thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam, do thỏa thuận giao hàng tận kho mới nhận tiền. Vì thế những đơn vị này đang lo ngại bị áp thêm thuế đối ứng.

Chưa kể, với ngành thủy sản, thị trường Mỹ không chỉ giữ thị phần cao mà còn có tính định hướng cao đối với ngành. Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng năm sang thị trường này khoảng 2 tỉ USD, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Theo bà Hằng, thống kê nhanh, sơ bộ và chưa đầy đủ của Vasep cho thấy, chỉ trong buổi sáng ngày 3-4 ngay khi có thông tin Mỹ áp mức thuế đối ứng 46%, thì có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang trên đường tới Mỹ và 31.500 tấn hàng đang dự kiến xuất trong tháng 5-2025. Ngoài ra các đơn hàng đã được ký kết cho năm 2025 cũng lên tới khoảng 38.500 tấn.

Cũng theo vị này, nếu áp dụng mức thuế đối ứng mới thì các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức 46%, mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... Vasep cho rằng rất có thể tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.

“Ở thời điểm hiện tại, hiệp hội lẫn doanh nghiệp đang chờ đợi sự đàm phán từ phía Chính phủ, cũng như thông báo mới nhất từ phía Mỹ về mức thuế đối ứng.

Hiện tại doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới. Thậm chí có doanh nghiệp trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu để chờ đợi thông tin. Điều này cũng khiến họ đối mặt với nhiều rủi ro về vi phạm hợp đồng”- bà Hằng nói.

Doanh nghiệp loay hoay

Trao đổi với PLO, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, với mức thuế đối ứng cao như vậy, cộng thêm các khoản thuế khác thì doanh nghiệp rất khó để cạnh tranh với các nước có cùng sản phẩm.

Vasep cũng lấy một ví dụ, chẳng hạn một lô tôm trị giá 500.000 USD, trước đây chịu thuế 5% là 25.000 USD thì nếu từ 9-4 bị áp mức thuế đối ứng lên tới 46%, con số này sẽ lên đến 230.000 USD, tăng thêm 205.000 USD. Vasep gọi con số này là rất khủng khiếp.

Trong khi đó các nước khác như Ấn Độ chỉ chịu 26%, Ecuador 10%, Indonesia 32%, Thái Lan 36%..., cho thấy nước ta sẽ giảm sức cạnh tranh.

Ngoài tôm, cá ngừ là mặt hàng cũng đang chịu nhiều áp lực. Trước hết là quy định IUU, khiến cho nguồn nguyên liệu chế biến vừa bị thắt chặt, nay choàng thêm áp lực từ thuế quan, khiến doanh nghiệp “nghẹt thở”.

Trong khi đó, đại diện một đơn vị xuất khẩu cá tra thuộc nhóm dẫn đầu của Việt Nam lại cho rằng vẫn có thể xoay sở được với mức thuế đáp ứng 46% nhờ vào việc đa dạng thị trường xuất khẩu, dù rất có thể phải giảm lợi nhuận.

Vị này cho biết, hiện nay thị trường Mỹ chiếm tỉ trọng 14% trong tổng tỉ trọng xuất khẩu cá tra của đơn vị này. Trước đây, cá tra của đơn vị này khi xuất khẩu sang Mỹ đang được hưởng mức thuế suất là 0%, nên nếu áp dụng mới thuế đối ứng 46% thì doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí, đồng nghĩa với việc giá bán ra tại Mỹ có thể sẽ phải tăng lên. Khi đó người dân nước này rất có thể sẽ phải chịu mua giá cao hơn bình thường đối với cá tra.

“Tôi cho rằng việc tăng thuế đối ứng 46% sẽ gây rủi ro về lợi nhuận, thị trường, sức mua. Dù vậy, với chúng tôi, khi có nhiều thị trường trọng điểm khác thì không đến nỗi là cấp báo động như thị trường chứng khoán đang gặp phải”- đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

 Các doanh nghiệp thủy sản đang lo lắng trước mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam từ ngày 9-4. ẢNH MINH HỌA: THU HÀ

Các doanh nghiệp thủy sản đang lo lắng trước mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam từ ngày 9-4. ẢNH MINH HỌA: THU HÀ

Cũng theo vị này, ngành cá tra có nhiều lợi thế khi Việt Nam là một trong những nước sản xuất lớn nhất thế giới, giá cá tra bán ra cũng thấp hơn so với các loại cá thịt trắng khác của các nước.

Cùng với đó mức độ tiêu thụ cá tra Việt Nam tại Mỹ cũng cao. Dù vậy, trong thời gian tới ngoài áp lực thuế, thì các nhà chế biến rất có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào, dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 6.

Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu thủy sản của Mỹ

Theo Vasep, Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới và Việt Nam. Chính vì thế trước động thái Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Vasep đã có kiến nghị gửi Thủ tướng và các lãnh đạo Bộ, ngành liên quan.

Theo đó, hai nước cần xác định thống nhất mốc thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu mới với Chính phủ Mỹ và đề nghị Chính phủ Mỹ thông báo cho cơ quan Hải quan Mỹ áp dụng mốc thời gian ngày xếp hàng lên tàu - "load onto vessels" là ngày xuất khẩu được xác định trên vận đơn B/L.

Song song với đó, đề xuất đàm phán tìm phương án điều chỉnh mức thuế xuống mức phù hợp nhất.

Vasep cũng kỳ vọng Mỹ không áp thuế 46% đồng loạt lên tất cả mặt hàng thủy sản mà xem xét theo danh mục.

 Vasep kỳ vọng Mỹ sẽ xem xét áp thuế đối ứng theo danh mục, thay vì áp dụng chung. ẢNH MINH HỌA: HẠ QUYÊN

Vasep kỳ vọng Mỹ sẽ xem xét áp thuế đối ứng theo danh mục, thay vì áp dụng chung. ẢNH MINH HỌA: HẠ QUYÊN

Đổi lại, hiệp hội đề xuất Việt Nam giảm thuế nhập khẩu thủy sản Mỹ xuống 0%, nhằm tạo thuận lợi cho đàm phán và đảm bảo lợi ích song phương. Hiện, Việt Nam áp thuế 3-10% với thủy sản Mỹ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc chuỗi Hải sản Hoàng Gia, cũng ủng hộ giảm thuế nhập khẩu thủy sản Mỹ. Việc giảm thuế nhập khẩu có thể sẽ có lợi trong đàm phán thương mại.

Ông Doãn Tới, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Việt (Navico), cũng vừa phát đi một tâm thư gửi tới cổ đông Nam Việt về việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam.

Theo vị này, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Nam Việt cả ở hiện tại và tương lai, đặc biệt với hai sản phẩm chủ lực là cá tra và cá rô phi. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, các thị trường xuất khẩu chính của Nam Việt vẫn là Trung Quốc, Brazil, Trung Đông, châu Á và Mexico… Cho thấy Mỹ không là thị trường trọng tâm và duy nhất của Nam Việt.

Về phía hiệp hội, bà Hằng nhìn nhận, các doanh nghiệp cần bình tĩnh chờ đợi đàm phán từ Chính phủ. Nếu kịch bản có thể tháo gỡ hay đi theo hướng xấu nhất thì đây cũng là bài học để cho các doanh nghiệp trong việc phân bổ thị trường.

Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề và tính toán chuyển hướng thị trường phù hợp. Dẫu vậy, để mở rộng thị trường thì rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của Chính phủ để khơi thông, gỡ khó các rào cản về kỹ thuật.

“Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông... Ngoài ra, cần tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác... tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn”- bà Hằng bày tỏ.

Ngày 5-4 vừa qua, Vasep có khuyến nghị mới dành cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sau khi phía Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) có hướng dẫn thực thi thuế đối ứng.

Theo đó, các lô hàng đang trên đường vận chuyển trước ngày 5-4 đến Mỹ sẽ được miễn trừ thuế bổ sung 10% nhưng chỉ được khai báo đến ngày 27-5 để ngăn chặn các nhà nhập khẩu lợi dụng ngoại lệ.

Do đó, các doanh nghiệp lưu ý lưu giữ vận đơn và hợp đồng vận chuyển làm bằng chứng.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ca-ngu-con-tom-con-cua-viet-nam-cung-lo-sot-vo-vi-thue-my-post843341.html