Cả nước chỉ có 305 công trình xanh
Tại Việt Nam, công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải 38% lượng khí thải các bon. Hiện cả nước chỉ có 305 công trình xanh với 7,5 triệu m2 sàn xây dựng.
Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý III năm 2023, cả nước có 305 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2.
Công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng 15 năm. Theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của dự án đầu tư xây dựng, công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Hiện có 4 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh phổ biến ở Việt Nam gồm: Lotus của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam; Edge do Tổ chức Tài chính quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC-WB cấp; LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ và Greenmark của Singapore.
Theo ông Thịnh, các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải các bon; trong đó lượng các bon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ các bon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình. Còn tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.
Lĩnh vực xây dựng công trình có liên quan chặt chẽ với nhiều khâu và nếu công trình được thiết kế, xây dựng, vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh thì sẽ thúc đẩy các chuỗi cung ứng vật liệu, thiết bị cũng như nguồn nhân lực tư vấn quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.
Cụ thể như trong giai đoạn quy hoạch, thiết kế dự án, việc áp dụng các tiêu chuẩn, giải pháp về xanh được đưa vào giai đoạn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những bước tiếp theo của dự án như thi công xây dựng, vận hành. Cùng đó, khái toán kinh phí cho giải pháp xanh cũng đã được đặt ra từ ban đầu nên sẽ tránh gặp phải vấn đề lớn do tăng chi phí cho các giải pháp xanh của dự án - ông Thịnh phân tích.
Còn với giai đoạn lựa chọn vật liệu, trang thiết bị và tổ chức thi công xây dựng công trình, khi các loại vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phát thải thấp được lựa chọn, sử dụng trong quá trình thi công sẽ thúc đẩy sự phát triển sản xuất; tăng lượng cầu, tạo động lực để phát triển sản xuất xanh và tiêu dùng xanh.
Mặt khác, các sản phẩm, trang thiết bị, vật liệu xây dựng đáp ứng các tiêu chí xanh khi được dán nhãn, chứng nhận xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp cũng sẽ thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi chứng nhận xuất xứ, trách nhiệm môi trường và mức độ phát thải của sản phẩm.
Ngay cả trong giai đoạn vận hành công trình xanh cũng đòi hỏi người quản lý, sử dụng có nhận thức, kỹ năng để sử dụng thiết bị, tiện ích của công trình; có ý thức hơn đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải, thay đổi hành vi để sống xanh hơn.
Trong Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 15 sửa đổi Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị cũng đã đưa chỉ tiêu về số công trình xanh trong việc đánh giá, phân loại đô thị.
Đối với đô thị, các tỉnh, thành phố, khi có được nhiều dự án công trình xanh, khu đô thị xanh cũng sẽ làm tăng mức độ xanh của khu vực đó, góp phần giảm mức phát thải, tăng chỉ số bảo vệ môi trường của địa phương và tăng số điểm khi đánh giá, phân loại đô thị.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ca-nuoc-chi-co-305-cong-trinh-xanh/316000.html