Cà phê Đồng Nai từng đạt năng suất hơn 5 tấn/hécta
Theo kế hoạch phát triển cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có khoảng 6 ngàn hécta cà phê, tăng khoảng 700 hécta so với hiện tại. Đồng thời, năng suất cà phê của tỉnh sẽ đạt 2,5 tấn/hécta, trong đó các nhà vườn sẽ tập trung sản xuất theo hướng xanh, sạch, hữu cơ để đáp ứng yêu cầu đối tác trong và ngoài nước. Đây cũng là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng đến nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Với năng suất trên, giá cà phê vẫn giữ mức cao thì nông dân có thể thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/hécta.
Cây cà phê với nông dân Đồng Nai rất quen thuộc, vì có giai đoạn diện tích cà phê của tỉnh đã lên đến hơn 10 ngàn hécta. Tuy nhiên, có những giai đoạn giá cà phê hạ “chạm đáy” trong vài năm liền, nông dân thua lỗ nên đã chuyển sang trồng cây ăn trái và những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Do đó, diện tích cà phê của tỉnh giảm dần, nông dân cũng không còn mặn mà ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất.
Từ hơn 10 năm trước, một số nông dân Đồng Nai đã trồng cà phê ghép cho năng suất từ 5-6 tấn/hécta/năm. Kỹ thuật trồng cà phê ghép với các nhà vườn không mấy khó khăn. Thế nhưng, mô hình trồng cà phê này không được nhân rộng, sau đó giá cà phê giảm, nông dân bỏ bớt cây cà phê để xen canh cây tiêu và một số cây trồng khác. Năng suất cây cà phê theo đó cũng giảm dần.
Thời gian qua, các chuỗi liên kết trong trồng, chế biến cà phê đã từng được xây dựng, nhưng không thành công, dù cà phê đã được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực từ cách đây gần 20 năm. Nếu từ thời điểm đó, việc gắn kết giữa 5 nhà (nhà nông - doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng) được thực hiện tốt, xây dựng chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì đã hình thành vùng chuyên canh cà phê bền vững.
Với năng suất 5-6 tấn/hécta/năm và giá cà phê từ 125-130 ngàn đồng/kg như thời điểm này, nông dân có thể thu lời từ 500-600 triệu đồng/hécta/năm.
Giá các loại nông sản có thể tăng, giảm theo chu kỳ nên các nhà vườn tập trung cho năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chí xanh sẽ dễ dàng liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định; còn chạy theo cây trồng có giá, bỏ quên chất lượng rất dễ bị loại khỏi thị trường. Cây sầu riêng đang là minh chứng rõ nhất cho việc nông dân ồ ạt chặt bỏ các cây trồng khác để trồng sầu riêng.