Áp thuế đồ uống có đường, người tiêu dùng sẽ tìm đến trà sữa, cà phê pha sẵn

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, người tiêu dùng sẽ chuyển sang các loại đồ uống khác có hàm lượng đường cao hơn nhưng không thuộc diện chịu thuế như trà sữa, cà phê.

Đề xuất đưa trà sữa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Sáng 9/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế nền kinh tế gặp nhiều thách thức, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đảm tính bao quát, toàn diện.

Theo bà Dung, việc áp thuế sẽ tạo ra những tác động đa chiều đến nhiều đối tượng trong nền kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Với Nhà nước, chính sách này có thể mang lại nguồn thu mới và hỗ trợ định hướng tiêu dùng theo hướng có lợi cho sức khỏe cộng đồng.

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn song nếu thực hiện quá nhanh và mạnh sẽ tạo hiệu ứng ngược sẽ làm giảm thu trong trung và dài hạn.

Bởi khi thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao sẽ khiến giá bán hàng hóa dịch vụ tăng theo, kéo theo sự suy giảm trong đầu tư và tiêu dùng.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung nêu ý kiến (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung nêu ý kiến (Ảnh: Media Quốc hội).

Với doanh nghiệp sản xuất sẽ phải điều chỉnh công thức sản xuất, quy mô sản xuất… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Chính sách áp thuế cũng có thể vô tình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm đồ uống thủ công không chính thức vốn khó kiểm soát chất lượng.

Với người tiêu dùng, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu được tính vào giá bán sản phẩm do đó người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng chịu chi phí.

Đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị có nghiên cứu độc lập về tác động của chính sách thuế với nước giải khát có đường đến doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô, người lao động, đến sức khỏe cộng đồng…

Một lý do khác để áp thuế với nước giải khát có đường là nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì. Song theo bà Dung chưa có cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định đây là nguyên nhân chính nước giải khát có đường là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra thừa cân và béo phì.

"Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách 2023 chỉ ra rằng học sinh khu vực thành thị có tỉ lệ béo phì cao hơn nhưng lượng tiêu thụ nước ngọt thấp hơn học sinh khu vực nông thôn", nữ đại biểu cho hay.

Ngoài ra việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có thể gây hiểu nhầm, dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn.

"Người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại đồ uống khác có hàm lượng đường cao hơn. Nhưng không thuộc diện chịu thuế: trà sữa, nước trái cây đường phố, cà phê pha sẵn… Những đồ uống này khó kiểm soát về chất lượng và hàm lượng đường", bà Dung nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nhiều loại nước khác như: Trà sữa, quán nước ngoài đường, đồ ăn nhanh, bánh kẹo… cũng có thể là những sản phẩm gây nên bệnh béo phì. Chính vì vậy, ông đề xuất đưa mặt hàng trà sữa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nước dừa sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế

Cuối phiên thảo luận sáng nay, giải trình làm rõ thêm một số nội dung ĐBQH quan tâm về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, Ban soạn thảo cũng nhận được nhiều ý kiến.

Có hai luồng ý kiến, có ý kiến cho rằng đã cần thiết phải đánh thuế với loại đồ uống này chưa?

Nhưng cũng có luồng ý kiến yêu cầu phải đánh thuế càng nhanh càng tốt, càng nhanh tốt như Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hay các tổ chức quốc tế đặc biệt là Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Bộ trưởng cho biết, vừa qua có những căn cứ rất rõ ràng để chúng ta cân nhắc việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường theo hàm lượng trên 5g/100ml.

"WHO đã có báo cáo rất chi tiết, cụ thể đối với các quốc gia, trong đó có khuyến cáo với Việt Nam rằng Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiêu thụ nước đường ngày càng lớn. Dẫn đến nguy cơ béo phì", Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo thống kê, hiện nay lượng tiêu thụ đường lên tới 46,5% lượng đường tự do, phần lớn đến từ nước giải khát có đường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến béo phì và thừa cân.

Vì thế, WHO đã khuyến nghị tất cả các nước trong đó có Việt Nam áp dụng tối thiểu 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Báo cáo của Bộ Y tế cũng nêu rất rõ, hiện trên thế giới đã có 107 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Tại ASEAN hiện nay có 7/11 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Từ thực tiễn trên thế giới và thực trạng của Việt Nam, cá nhân tôi nghĩ rằng phải đánh thuế sớm hơn. Không thể để thế hệ con em chúng ta đến lúc béo phì, đến lúc bệnh rồi chúng ta mới bàn", Bộ trưởng Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu về vấn đề mức thuế và thời gian theo hướng sẽ giãn thời hạn áp thuế và giảm tỉ lệ theo mức năm 2027 là 8% và năm 2028 là 10%.

Về thời hạn áp thuế cơ quan soạn thảo sẽ rà soát mặt hàng nào áp thuế trước và mặt hàng nào áp thuế sau, vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu của Quốc hội. Đồng thời, cũng tránh cú sốc đối với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Tiêu chuẩn quốc gia về nước giải khát do Bộ Khoa học và công nghệ công bố: " Nước giải khát là sản phẩm pha sẵn để uống với mục đích giải khát, được chế biến từ nước và có thể chứa đường, phụ gia thực phẩm, hương liệu, có thể bổ sung các thành phần nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, vitamin và khoáng chất có ga hoặc không có ga".

Bộ trưởng cho biết, theo khái niệm này, thì những loại nước sẽ không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng, nước khoáng thiên thiên, nước uống đóng chai, nước rau quả nguyên chất và sản phẩm từ ca cao.

"Như vậy, những sản phẩm các ĐBQH quan tâm như nước dừa sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Thắng nói.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ap-thue-do-uong-co-duong-nguoi-tieu-dung-se-tim-den-tra-sua-ca-phe-pha-san-20425050912185443.htm