Nghị quyết 68 – Đột phá thể chế cho kinh tế tư nhân: Niềm tin, hành động và khát vọng bứt phá

Trong bối cảnh nền kinh tế cần một cú hích đột phá để tăng trưởng nhanh, bền vững, Nghị quyết 68 được ví như 'cuộc cách mạng về tư duy và thể chế', là lời hiệu triệu mạnh mẽ dành cho khu vực kinh tế tư nhân – lực lượng đang đóng góp hơn 50% GDP và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước.

Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì liên tiếp hai cuộc họp khẩn vào các ngày 7 và 8/5 để chuẩn bị dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, với kỳ vọng sẽ thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Nhằm phân tích sâu những điểm mới, tư tưởng lớn và đề xuất giải pháp triển khai thực chất, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 – Những việc cần làm ngay” vào chiều 9/5, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo bộ, ngành, đại biểu Quốc hội và đại diện doanh nghiệp.

Bước ngoặt thể chế, khơi thông tư duy

Tại tọa đàm, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 68 là một bước tiến lớn về tư duy phát triển. Theo ông, nếu triển khai hiệu quả, nghị quyết này sẽ trở thành “bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân”.

So sánh với hai lần đột phá trước – lần đầu là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân (1988–1990), lần thứ hai là giai đoạn cải cách thủ tục hành chính, mở cửa thị trường (1999–2000) – ông Hiếu khẳng định lần này không chỉ dừng ở cải cách thủ tục, mà đã tiến thêm một bước mang tính chất thay đổi về chất.

Ông Phan Đức Hiếu: Nếu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 68 thì có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Phan Đức Hiếu: Nếu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 68 thì có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông nhấn mạnh ba trụ cột cải cách trong nghị quyết: Thứ nhất, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, đặc biệt là xóa bỏ các rào cản hành chính trong hoạt động. Thứ hai, tăng mức độ bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân, giảm rủi ro pháp lý bằng cách không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thứ ba, khơi thông nguồn lực – từ đất đai, mặt bằng sản xuất đến vốn và nhân sự – thông qua cải thiện các cơ chế như giải quyết tranh chấp, xử lý nợ công đối với doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, người điều phối tọa đàm, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo dựng niềm tin và sự an toàn pháp lý cho khu vực tư nhân. Ông lấy ví dụ: việc lựa chọn không áp dụng hồi tố trong xử lý vi phạm thể hiện rõ nỗ lực xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và công bằng. Theo ông, tạo niềm tin cho doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định để khu vực này phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng điều phối cuộc tọa đàm - Ảnh VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng điều phối cuộc tọa đàm - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kỳ vọng đến trách nhiệm

Với tư cách là một trong những đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB – chia sẻ: “Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” không chỉ là ví von, mà là thực tế của thời đại nhiều biến động. Ông khẳng định các doanh nghiệp tư nhân đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu và hiện nay đang đón nhận nó như một niềm vinh dự đi kèm trách nhiệm lớn.

Ông Từ Tiến Phát: Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ông Từ Tiến Phát: Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Từ góc nhìn của một tổ chức tài chính phục vụ gần 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hơn 800.000 hộ kinh doanh, ông Phát ví thể chế như “trận địa”, các doanh nghiệp là những người ở tuyến trước, còn các ngân hàng, như ACB, là “hậu phương tài chính” cần đảm bảo nguồn vốn rẻ, thuận tiện, giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển.

Ông cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào tính đổi mới của Nghị quyết 68 khi coi khu vực kinh tế tư nhân là quan trọng hàng đầu. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, chính sách thể chế là điểm tựa để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ sống sót mà còn vươn lên mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng đồng tình khi nhấn mạnh rằng doanh nghiệp tư nhân ngày nay phải gánh vác rủi ro từ nhiều phía – từ chính sách thuế quốc tế cho đến phản ứng của khách hàng trên mạng xã hội. Chính vì thế, sự ghi nhận và hỗ trợ từ phía nhà nước lúc này không chỉ là cần thiết mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

Thể chế hóa để hành động – Những việc cần làm ngay

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính – nhìn nhận Nghị quyết 68 là một bước tiến vượt bậc về thể chế. Bà cho rằng trong nhiều năm qua, mặc dù các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành, song khoảng cách giữa tinh thần nghị quyết và thực tiễn thi hành vẫn còn xa.

Đề cập cụ thể, bà Thủy dẫn ví dụ về “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” – một nguyên tắc từng được khẳng định từ Nghị quyết Trung ương 10 năm 2017, nhưng đến nay vẫn gặp nhiều vướng mắc trong thực thi. Theo bà, điểm đột phá lần này nằm ở tính cụ thể và quyết liệt hơn của nghị quyết, với yêu cầu rõ ràng: trong trường hợp chưa rõ ràng, thì “kiên quyết không hình sự hóa”.

Bà Bùi Thu Thủy: Một điểm rất quan trọng là niềm tin - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bà Bùi Thu Thủy: Một điểm rất quan trọng là niềm tin - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh đến cải cách điều kiện kinh doanh, gọi đó là “bức tường băng” đã tồn tại nhiều năm. Nay, nghị quyết yêu cầu chuyển toàn bộ điều kiện kinh doanh sang hình thức công bố, không cho phép các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. “Đây là một đột phá thực sự”, bà khẳng định.

Một nội dung quan trọng khác là yêu cầu đảm bảo bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong tiếp cận cơ hội và nguồn lực. Trước đây, doanh nghiệp nhà nước thường được tín chấp, còn doanh nghiệp tư nhân phải thế chấp mới được vay vốn. Nghị quyết lần này đã xác lập rõ: nếu có sự phân biệt, người thực thi phải chịu trách nhiệm.

Bà Thủy giải thích thêm rằng lý do Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò trung tâm, cấp bách và chiến lược của kinh tế tư nhân là bởi khu vực này đang đóng góp hơn 50% GDP, cao hơn cả khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước cộng lại. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, các doanh nghiệp FDI phải thận trọng hơn, doanh nghiệp nhà nước đang tái cơ cấu, thì khu vực tư nhân nội địa chính là động lực chính yếu.

Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn chỉ ra rằng dù số lượng doanh nghiệp tăng, phần lớn vẫn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, ít tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, định hướng phát triển kinh tế tư nhân “nhanh – bền vững – hiệu quả” không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là chiến lược dài hạn.

Khát vọng phát triển – Nền tảng cho kỷ nguyên mới

Tọa đàm khép lại bằng sự đồng thuận mạnh mẽ từ các diễn giả rằng Nghị quyết 68 không chỉ tạo ra một cú hích chính sách, mà còn là nền tảng cho một kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên của sáng tạo, hội nhập và thịnh vượng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò trung tâm.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều dựa vào khu vực tư nhân làm động lực chính, với sự định hướng và dẫn dắt của nhà nước. Nếu Việt Nam không tận dụng được sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân, thì rất khó đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển hùng cường.

Khơi thông nguồn lực, cải cách thể chế, tạo dựng niềm tin – đó không chỉ là thông điệp của Nghị quyết 68, mà còn là lời hiệu triệu hành động đối với toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Khi tư tưởng lớn đã rõ, điều cần thiết lúc này chính là quyết tâm triển khai thực chất và nhất quán, để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống – bằng những chính sách cụ thể, bằng hành động đồng bộ và bằng một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của doanh nghiệp Việt.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nghi-quyet-68-dot-pha-the-che-cho-kinh-te-tu-nhan-niem-tin-hanh-dong-va-khat-vong-but-pha-163960.html