Chuyển đổi xanh để thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy xuất khẩu
Chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp (KCN) không chỉ là việc để phát triển, chuyển đổi cách thức kinh doanh; mà tối ưu hóa, hệ thống hóa các quy trình và mô hình kinh doanh. Đây là những chia sẻ của TS. Phùng Tấn Viết, Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, NguyênTrưởng Ban quản lý KCNC TP Đà Nẵng tại Hội thảo 'Kết nối Tín dụng Xanh – Khu công nghiệp Xanh' do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 9/5/2025.

Khái niệm khu công nghiệp (KCN) sinh thái, KCN xanh được thể chế hóa lần đầu tiên tại Nghị định số 82/2018/NĐ - CP ngày 22/5/2018. Chuyển đổi xanh là việc xây dựng nền kinh tế dựa trên các tiêu chuẩn về phát triển xanh; nghĩa là, chúng ta phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn nguyên vật liệu, tài nguyên thiên nhiên hiện có, đồng thời hạn chế thải ra những đa dạng sinh thái, lúc đó doanh nghiệp sẽ vận hành sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường. Chuyển đổi xanh trong các KCN không chỉ là việc để phát triển, chuyển đổi cách thức kinh doanh mà còn tối ưu hóa, hệ thống hóa các quy trình và mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, phát triển tín dụng xanh cũng là một nội dung quan trọng trong quá trình Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đã cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng tài trợ cho các dự án, các doanh nghiệp thân thiện với môi trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng xanh, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng đang chuyển động mạnh mẽ sang hoạt động cấp tín dụng xanh cho các dự án, doanh nghiệp, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết quốc tế về phát triển kinh tế xanh của Chính phủ. Các dự án được các ngân hàng thương mại chú trọng đầu tư gồm năng lượng điện tái tạo, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may, yếu tố bảo vệ môi trường của các sản phẩm chế biến gỗ, các dự án chống biến đổi khí hậu…
Đây là nguồn hỗ trợ quan trọng để Đà Nẵng vững hướng bước hướng đến mục tiêu xanh hóa các khu công nghiệp truyền thống. TS. Phùng Tấn Viết cho biết, tại thành phố Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã có nhiều sự quan tâm về vấn đề này từ rất sớm. Thành phố Đà Nẵng là địa phương duy nhất ở miền Trung và là một trong ba tỉnh thành đầu tiên của cả nước tham gia thí điểm các giải pháp chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái trong khuôn khổ Dự án hợp tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thông qua đó, hầu hết doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn thành phố đã có những hiểu biết nhất định về KCN sinh thái và ý nghĩa của việc chuyển đổi trong thời gian đến, để thu hút đầu tư FDI. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thu hút được 524 dự án đầu tư vào khu công nghiệp cao, Khu CNTTTT - giai đoạn 1 và các KCN. Tổng cộng tổng vốn đăng ký đầu tư vào các KCN tương đương khoảng 3,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, TS. Phùng Tấn Viết nhìn nhận, hiện có 03 rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi các KCN đã hoạt động hiện nay để đáp ứng các tiêu chí của KCN xanh. Không riêng gì các KCN Đà nẵng mà cả nước, việc cạn quỹ đất và thiếu vùng đệm để phát triển là một rào cản thúc đầy xanh hóa. Các KCN cũ, đặc biệt thành lập trước năm 2010 như KCN Hòa Khánh, thiếu quỹ đất để mở rộng và không đảm bảo khoảng cách ly cần thiết cho khu tập kết, xử lý chất thải tập trung. Mặt khác, khoảng cách ly giữa KCN và khu dân cư là không đảm bảo để bố trí khu vực tập kết, xử lý chất thải tập trung.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ còn hạn chế, thủ tục còn lắm phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất. Nhiều quỹ tài chính xanh đã tạm ngưng các khoản vay hỗ trợ đổi mới công nghệ hoặc thắt chặt các chính sách, đối tượng cho vay. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn đang từng bước phục hồi và phát triểm, việc thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, các điều kiện để được công nhận là KCN xanh (sinh thái) hiện nay còn một số bất cập và chưa được hướng dẫn cụ thể. Việc đảm bảo 100% doanh nghiệp tại KCN chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực trong vòng 3 năm là rất khó khả thi (đặc biệt khi đề cập đến lĩnh vực lao động). Một số tiêu chí của KCN sinh thái như dữ liệu thông tin về nguyên liệu sản xuất và phát thải, mốc thời gian đối chiếu số liệu về sản xuất sạch hơn… cần được hướng dẫn chi tiết hơn để có cơ sở đánh giá.
Những khó khăn vướng mắc nêu trên cũng khiến việc triển khai tín dụng xanh cũng gặp những khó khăn nhất định cần tháo gỡ. Theo TS. Phùng Tấn Viết, các quy định, định nghĩa cụ thể về danh mục, ngành, lĩnh vực xanh chưa được thống nhất áp dụng chung trên cả nước. Vì vậy, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng. Hệ thống ngân hàng chưa có cơ sở để đánh giá đầy đủ dữ liệu quy mô hoạt động tín dụng xanh đối với nền kinh tế
Việc đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực kinh tế xanh nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dungh thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định. Trong khi đó, các ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng là dịch vụ du lịch và các ngành khác là bổ trợ; không thuận lợi phát triển sản xuất các lĩnh vực xanh, TS. Phùng Tấn Viết chia sẻ.
Để chuyển đổi sang KCN sinh thái và thúc đẩy phát triển tín dụng xanh. Trước hết, xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm chuyển đổi các KCN hiện hữu theo mô hình KCN xanh, sinh thái. Trong đó, cần tham khảo, nghiên cứu chính sách phát triển KCN xanh tại một số quốc gia trong khu vực (như là Nhật Bản, Hàn Quốc..) nhằm tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, thực hiện cộng sinh công nghiệp và chuyển đổi thành KCN xanh.
Bên cạnh đó, TS. Phùng Tấn Viết đề xuất cần tiếp tục đề xuất với Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ điều chính một số tiêu chí về KCN sinh thái tại Nghị định số 35/2022/NĐ - CP ngày 28/5/2022 để thúc đẩy việc có một KCN được công nhận là KCN (xanh) sinh thái hoặc cận sinh thái làm hình mẫu để các KCN khác học tập; nghiên cứu xây dựng Trang thông tin về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, công bố các thông tin về chất thải có thể tái chế tại các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết cộng sinh công nghiệp.
Đồng thời, tăng cường giám sát xả thải, khuyến khích doanh nghiệp lắp đặt hệ thống giám sát môi trường, công khai dữ liệu trên Trang thông tin điện tử chính thống. Đẩy mạnh tập huấn về kiểm toán năng lượng, chất thải, các quy định mới về bảo vệ môi trường cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong các KCN; xây dựng kênh thông tin giữa các quỹ tài chính xanh và các doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục thẩm định cho vay.
Không chỉ vậy, TS. Phùng Tấn Viết còn nhấn mạnh, xuất khẩu xanh đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn thế giới và là một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và khả năng sáng tạo của nền kinh tế. Những doanh nghiệp hoặc các dự án trong các KCN chuyển đổi xanh với bản chất là việc tăng tiêu thụ hàng hóa, xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường và bền vững; việc đó, đang ngày càng trở thành xu hướng quan trọng trên toàn cầu và với Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập sâu với thị trường thế giới hiện nay, phát triển xuất khẩu xanh không chỉ giúp các Doanh nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm, mà còn tạo ra được các sản phẩm không chỉ giới thiệu thị trường trong nước, mà thương trường quốc tế sẽ biết đến.
Điều quan trọng là doanh nghiệp phải có phương pháp tiếp cận xanh từ tín dụng xanh để đầu tư, đổi mới công nghệ đển các hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện lời hứa với các nhà đầu tư và sự đảm bảo thương hiệu của mình với thị trường. Trong thời đại hiện nay, yếu tố xanh của doanh nghiệp được nhận diện, sự đánh giá cao của khách hàng và đối tác. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn sẽ tuân theo những tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh để tạo dựng niềm tin vững chắc.
Về phía ngành Ngân hàng, TS. Phùng Tấn Viết mong muốn, hệ thống ngân hàng thương mại phải xem việc phát triển tín dụng xanh là cơ hội và yêu cầu bức thiết để tăng trưởng bền vững, hội nhập kinh tế và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam; tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức tín dụngvề mở rộng tín dụng xanh đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Xác định đây là lĩnh vực cấp bách cần phải triển khai có hiệu quả. Việc thực hiện có kết quả hay không, đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải kết hợp với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế xanh cho đội ngũ cán bộ tín dụng.