Các Big Oil chật vật với mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Một nghiên cứu của Carbon Tracker cho thấy các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đang chật vật điều chỉnh chiến lược để phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris, bất chấp rủi ro ngày càng tăng từ quá trình chuyển đổi năng lượng và các quy định liên quan.

Hình minh họa

Hình minh họa

Các tập đoàn dầu khí hàng đầu hiện chưa thể xây dựng được những chiến lược đáng tin cậy nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo báo cáo mới nhất từ Carbon Tracker Initiative, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London chuyên nghiên cứu tác động tài chính của quá trình chuyển đổi năng lượng. Phân tích 30 doanh nghiệp cho thấy không một công ty nào đi theo lộ trình phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Báo cáo "Absolute Impact 2024" dựa trên các tiêu chí bao gồm phạm vi phát thải 1, 2 và 3 trong cam kết về khí hậu. 3 phạm vi này lần lượt bao gồm: Phát thải trực tiếp, phát thải từ năng lượng mua vào, và phát thải từ việc sử dụng các sản phẩm đã bán ra. Carbon Tracker nhận thấy nhiều công ty dựa vào các giải pháp gây tranh cãi, chẳng hạn như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) hoặc các biện pháp bù đắp tự nhiên, để biện minh cho lộ trình đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ

Các công ty châu Âu, như Repsol (Tây Ban Nha), dẫn đầu bảng xếp hạng của Carbon Tracker nhờ vào các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo. Repsol đã tập trung vào khai thác điện tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào thăm dò dầu khí. Theo ông Luis Cabra, Giám đốc điều hành phụ trách chuyển đổi năng lượng của Repsol, công ty đã giảm thiểu rủi ro tài chính trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bằng cách hợp tác với các đối tác chiến lược, từ đó nhân đôi lợi nhuận đầu tư.

Ngược lại, các tập đoàn Mỹ tuy đạt điểm trung bình trong xếp hạng nhưng lại ít tham vọng hơn. Occidental Petroleum Corp. là một ngoại lệ khi tích hợp phạm vi phát thải 3 vào kế hoạch giảm phát thải của mình, trong khi phần lớn các công ty Mỹ cho rằng phạm vi này thuộc trách nhiệm của người tiêu dùng cuối.

Các công ty quốc gia, như Saudi Aramco (Ả Rập Xê Út) và Sonatrach (Algeria), nằm ở cuối bảng xếp hạng. Ngoài ra, Carbon Tracker cũng lưu ý rằng, không có dữ liệu từ các công ty Canada, vì họ đã ngừng công bố thông tin về khí hậu.

Rủi ro tài chính lớn từ quá trình chuyển đổi

Carbon Tracker xác định hai rủi ro chính đối với nhà đầu tư trong ngành dầu khí trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng: Rủi ro thay thế và rủi ro quy định. Rủi ro thay thế đến từ sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo, trong khi rủi ro quy định bắt nguồn từ các chính sách của Chính phủ nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.

Ông Mike Coffin, người phụ trách phân tích dầu khí tại Carbon Tracker, nhấn mạnh rằng một số công ty vẫn coi phát thải là vấn đề khách quan. "Đây không chỉ là một vấn đề môi trường. Nó là rủi ro cốt lõi đối với hoạt động kinh doanh của họ", ông khẳng định.

Những công ty đa dạng hóa đầu tư, như Equinor (Na Uy), có kết quả tốt hơn. Ngoài ra, các công ty minh bạch về dữ liệu khí hậu cũng ở vị thế tốt hơn để đối mặt với những thách thức trong tương lai.

Tương lai bất định cho ngành nhiên liệu hóa thạch

Các dấu hiệu chững lại trong việc thực hiện chiến lược phát thải ròng bằng 0 ngày càng rõ ràng. Một số tập đoàn châu Âu, như Shell, đã hạ thấp tham vọng về năng lượng tái tạo, do lợi nhuận không đáp ứng kỳ vọng so với lĩnh vực dầu khí. ExxonMobil gần đây cũng dự báo rằng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 toàn cầu sẽ không thể đạt được.

Tuy nhiên, các nhà khai thác như Repsol và Equinor cho thấy vẫn còn cơ hội cho các công ty sẵn sàng đón nhận quá trình chuyển đổi năng lượng. Dù vậy, các chiến lược cần phải thay đổi nhanh chóng trước nguy cơ nhu cầu sẽ giảm mạnh đối với nhiên liệu hóa thạch.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-big-oil-chat-vat-voi-muc-tieu-phat-thai-rong-bang-0-722311.html