Các cá nhân ở Việt Nam sẽ có thể ký hợp đồng điện tử bằng VNeID

Sắp tới, các cá nhân có thể ký hợp đồng điện tử bằng VNeID. Đây sẽ là bước ngoặt lớn về triển khai hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

Thông tin vừa được ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chia sẻ tại Hội thảo “Thực thi Luật Giao dịch điện tử: Bứt tốc vận hành cùng chiến lược chữ ký số và hợp đồng điện tử an toàn” diễn ra chiều 6/6 tại Hà Nội.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (Ảnh: Bình Minh).

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (Ảnh: Bình Minh).

Ông Lê Đức Anh cho biết, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 411 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu cho các địa phương đến 2025, phải có 85% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử, và 2030 tăng lên 100%.

Tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Một nội dung rất quan trọng trong Chỉ thị số này là thúc đẩy định danh xác thực của Bộ Công an trong các hoạt động về thương mại, tạo cơ hội cho sự phát triển của dạng hợp đồng điện tử B2C (doanh nghiệp với cá nhân).

“Thực tế hiện nay số lượng hợp đồng B2C rất lớn. Bộ Công Thương quản lý hợp đồng mẫu (có 9 loại gồm điện, nước, viễn thông, mua bán – cho thuê căn hộ chung cư….), mỗi năm có khoảng 600 triệu hợp đồng được ký kết giữa các cá nhân với doanh nghiệp. Tất cả những hợp đồng này trước kia vướng ở chỗ cá nhân thường chỉ ký bằng những phương thức kém tính an toàn, khó chứng minh giá trị pháp lý để đảm bảo quyền lợi nếu chẳng may xảy ra tranh chấp”, ông Đức Anh lưu ý.

Mới đây, tháng 5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 48 sửa đổi Nghị định 130/2018 hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, trong đó có quy định về hình thức cấp chữ ký số bằng việc định danh và xác thực qua của ứng dụng VneID.

VNeID là ứng dụng do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống để định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số.

Như vậy, ở Việt Nam hiện có 3 Bộ liên quan đến câu chuyện hợp đồng điện tử: Bộ Công Thương – đơn vị được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại; Bộ Thông tin và Truyền thông – đơn vị được giao quản lý nhà nước về hạ tầng công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo được tính an toàn của thông tin; Bộ Công an – giải quyết bài toán về định danh để xác thực các chủ thể trong giao dịch điện tử.

“Một trong những mục tiêu chúng tôi đang hướng đến là sắp tới, các cá nhân ở Việt Nam có thể ký hợp đồng điện tử bằng VNeID. Khi cá nhân ký hợp đồng thì thông tin xác thực sẽ hiển thị trên app VneID. Đây sẽ là bước ngoặt rất lớn về triển khai hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị tạo điều kiện để người dân có thể ký hợp đồng bằng chữ ký số cá nhân kết hợp với eKYC (định danh điện tử) của Bộ Công an, ngày 10/6 này báo cáo Thủ tướng, sau đó sẽ dự kiến đầu quý 3 sẽ phải triển khai trong thực tiễn”, ông Đức Anh nhấn mạnh.

Dự kiến, từ nay tới năm 2030, tại Việt Nam mỗi năm sẽ có khoảng 1 tỷ hợp đồng điện tử an toàn được ký kết, gồm cả hợp đồng B2B và B2C.

Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp triển khai một số bài toán công nghệ liên quan tới câu chuyện hợp đồng điện tử. Đáng chú ý là App Tokenization - các cá nhân chỉ cần định danh 1 lần, sau khi gắn với thiết bị cá nhân rồi thì có thể ký kết các hợp đồng điện tử.

Hoặc về hợp đồng điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương đang thiết kế mô hình để các CeCA (tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử) Việt Nam có thể hợp tác với DocuSign: Trên cơ sở có sự chứng nhận của Trục Phát triển hợp đồng điện tử quốc gia, các chủ thể trong nước có thể ký kết hợp đồng với chủ thể nước ngoài (phía nước ngoài dùng DocuSign để ký, còn phía Việt Nam dùng các hệ thống của Việt Nam để ký), hợp đồng sẽ có giá trị ở các quốc gia mà DocuSign có hiện diện (hơn 180 quốc gia).

Hội thảo “Thực thi Luật Giao dịch điện tử: Bứt tốc vận hành cùng chiến lược chữ ký số và hợp đồng điện tử an toàn” do 3 doanh nghiệp gồm 1C, CMC-TS và CMC-CS phối hợp tổ chức, nhằm giúp tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về những điểm mới trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024).

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-ca-nhan-o-viet-nam-se-co-the-ky-hop-dong-dien-tu-bang-vneid-2289015.html