Các chuyên gia khuyến cáo sử dụng các thực phẩm giảm đường

Đường sử dụng trong các sản phẩm đồ uống công nghiệp hiện nay thường gây nghiện, khi đã uống thì sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều đường hơn để tăng sự hấp dẫn với người tiêu dùng.

TS. BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: VGP/HM

TS. BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: VGP/HM

Tại buổi tọa đàm chuyên đề về xu hướng sử dụng thực phẩm và đồ uống giảm đường, tổ chức tại Nghệ An ngày 10/12, TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, theo số liệu của Bộ Y tế, lượng tiêu thụ đường ở nước ta tăng lên gấp 7 lần trong 15 năm qua.

Năm 2018, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5 gam/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 25 gam/ngày. Ví dụ điển hình từ một lon nước ngọt có gas chứa tới 36 gam đường.

TS Mai Hương cũng cho biết, kết quả nghiên cứu trên gần 2000 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cũng cho thấy, trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas.

Trong đó, 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết, mỗi ngày gần 16% uống 5-6 lần/tuần, gần 29% uống 3-4 lần/tuần. Ở nữ giới, tỉ lệ tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống mỗi ngày.

Theo báo cáo của tổ chức WHO năm 2023, đường tự do (đường tự nhiên) góp phần vào mật độ năng lượng chung của chế độ ăn uống và lượng đường tự do cao hơn sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn uống bằng cách cung cấp năng lượng đáng kể mà không có chất dinh dưỡng cụ thể, dẫn đến tăng cân không lành mạnh và tăng nguy cơ béo phì cũng như nhiều bệnh không lây nhiễm khác, đặc biệt là các bệnh về răng miêng- bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên toàn cầu.

"Khi đường trong máu tăng, tuyến tụy giải phóng insulin, insulin đưa glucose vào các tế bào, gây tình trạng tích trữ chất béo. Insulin cũng tham gia ức chế quá trình đốt cháy chất béo và làm tăng đột biến kích thích tăng lượng thức ăn vào bữa ăn tiếp theo. Vì vậy, insulin gây bệnh tiểu đường, béo phì, dẫn đến bệnh tim, các vấn đề về khớp, huyết áp cao, hôn mê tăng đường huyết", TS Mai Hương chia sẻ.

Cách giảm đường trong chế độ ăn uống hàng ngày

Chuyên gia dinh dưỡng này cũng chỉ ra, chế độ ăn nhiều đường cũng có thể dẫn đến lượng glucose dư thừa trong não, ảnh hưởng đến trí nhớ cũng như các khiếm khuyết về nhận thức. Thậm chí, đường có hại cho não còn do ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh, có thể dẫn đến nghiện đường. Sử dụng nhiều đường cũng là nguyên nhân gây bệnh mạn tính không lây.

Theo khuyến nghị sử dụng đường của tổ chức WHO, cả người lớn và trẻ em đều nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng hấp thụ.

Trong đó, giảm lượng đường bằng cách giảm cho đường vào các đồ uống và thực phẩm bao gồm ngũ cốc, cà phê hoặc trà hoặc lựa chọn thực phẩm không đường, giảm đường để giảm dần lượng đường cho đến khi thích nghi.

Người dân cũng có thể thay thế uống đường bằng nước lọc là tốt nhất hoặc thay thế bằng đồ uống ăn kiêng, trà đá không đường và các loại đồ uống không đường khác có hương vị cũng có thể là lựa chọn tốt hơn.

Theo chuyên gia về dinh dưỡng của Tập đoàn TH, khi muốn sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng, người tiêu dùng cần so sánh nhãn thực phẩm và chọn các sản phẩm có lượng đường bổ sung thấp nhất. Trong đó, các sản phẩm từ sữa và trái cây sẽ chứa một số loại đường tự nhiên hoặc tăng cường thực phẩm bằng gia vị ấm thay vì tất cả lượng đường bổ sung, như dùng gừng, hạt tiêu Jamaica, quế hoặc hạt nhục đậu khấu.

"Đường sử dụng trong các sản phẩm đồ uống công nghiệp hiện nay thường gây nghiện, tức là đã uống thì sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn trong các lần sau. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều đường hơn để tăng sự hấp dẫn với người tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình", đại diện Tập đoàn TH chia sẻ.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cac-chuyen-gia-khuyen-cao-su-dung-cac-thuc-pham-giam-duong-102241210142110381.htm