Các công thức làm bánh mì thanh long khiến hội chị em 'phát sốt'
Không chỉ thử nghiệm thành công những chiếc bánh thơm ngon, ông chủ tiệm bánh và nhiều bà nội trợ còn cùng nhau chia sẻ công thức làm bánh mì thanh long, hy vọng nhiều người cùng giúp tiêu thụ nông sản.
Bắt đầu được bán ra từ đầu tháng 2, bánh mì thanh long của cửa hàng ABC Bakery (Công ty TNHH Một thành viên bánh kẹo Á Châu – ABC) trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 (TP.HCM) nhanh chóng thu hút người tiêu dùng không chỉ bởi vị lạ, mức giá phổ thông mà còn bởi giá trị giúp “giải cứu” thanh long không bán được do ảnh hưởng dịch corona.
Ông Kao Siêu Lực, chủ thương hiệu bánh kẹo Á Châu – ABC, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, cũng là người sáng tạo ra bánh mì thanh long cho biết ý tưởng làm bánh mì thanh long xuất phát từ một lần đi công tác miền Tây, thấy thanh long chín đầy ruộng nhưng không xuất được. Ông muốn giúp nhưng chỉ mua về ăn thì không được bao nhiêu. Vậy nên ông quyết định thử dùng thanh long làm bánh mì.
Ông cho biết vì thanh long vừa có đường trái cây, vừa có vị chua đặc trưng nên phải thay đổi công thức, thêm muối, hạ nhiệt độ nướng và kéo dài thời gian nướng. Sau vài lần thất bại và 3 ngày thử nghiệm, mẻ bánh mì thanh long đã ra đời thành công.
Sau khi thành công, ông Lực đã chia sẻ công thức bánh mì thanh long ruột đỏ (thanh long sau khi bỏ vỏ, nghiền nát và cấp đông có thể dự trữ dùng dần để làm bánh mì):
Nguyên liệu gồm: 25kg bột mì; 14kg thanh long ruột đỏ (đã bỏ vỏ); 4,5kg nước; 625gr men tươi Lasaffre; 500gr muối;
125gr phụ gia Puratos S500 (không bắt buộc)
Bánh có trọng lượng 120gr/ổ bánh được nướng ở nhiệt độ 170-180 độ C trong vòng 20 phút.
Với công thức này sẽ cho ra khoảng 400 ổ bánh mì. Với lượng bánh ít hơn, nên giảm theo tỷ lệ các thành phần.
Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Kao Siêu Lực, nhiều chị em nội trợ đam mê làm bánh đã tìm hiểu và sáng tạo thêm trên công thức làm bánh mì thanh long.
Công thức bánh mì thanh long ruột đỏ không dùng nước của chị Thanh Phạm:
Nguyên liệu:
- 210gr thịt thanh long ruột đỏ
- 300gr bột mì
- 20gr sữa bột nguyên kem
- 50gr sữa đặc
- 4gr men nở
- 10gr bơ/dầu ăn (nếu không có thì bỏ qua)
- 10gr đường (nếu thích ngọt có thể tăng thêm chút ít)
Cách làm:
- Phần thanh long: nếu nhồi bột bằng máy thì thanh long chỉ cần cắt miếng nhỏ, nhồi tay thì bỏ thanh long vô máy sinh tố xay nhuyễn.
- Cho tất cả các nguyên liệu vào máy nhồi và nhồi trong 20 phút hoặc nhồi tay tới khi khối bột mịn, không dính tay là được.
- Bột nhồi xong thì chia thành các phần bằng nhau. Có thể vo tròn giống hamburger hoặc cán dài rồi cuộn lại, vê dài 2 đầu thành bánh mì dài.
- Ủ bánh mì nơi kín gió cho tới khi nở gấp đôi. Vì công thức này khá ít men nên cần thời gian nở lâu hơn bình thường, bù lại bánh sẽ thơm, bớt nồng mùi men, bánh ủ chậm cũng mềm thơm hơn. Thời tiết Sài Gòn nóng ấm nên chỉ cần ủ khoảng 1 giờ buổi trưa. Các nơi khác lạnh, nồm, ẩm... thời gian ủ có thể khác nhau.
- Khi bánh nở gấp đôi, bật lò 230 độ, xịt nước đều lên mặt bánh, lấy dao lam sắc rạch bánh. Nghiêng dao 45 độ rạch 1 đường sâu, dứt khoát... rồi xịt nước đẫm lên vết rạch 1 lần nữa, bỏ bánh vô lò nướng.
- Sau từ 3-5 phút, khi mặt bánh khô, mở lò xịt nhanh nước lên đều mặt bánh 1 lần nữa. Hạ nhiệt xuống 200 độ.
- Nướng thêm 5 phút nữa, mở lò xịt nước nhanh lần cuối, nướng thêm 10 phút nữa là được.
- Tổng thời gian nướng khoảng 17-20 phút tùy trọng lượng bánh (bánh như trong hình là 80gr, nướng 17 phút).
Công thức làm bánh mì thanh long của chị Bích Ngọc:
Với những gia đình không có lò làm bánh mì thì hãy thử áp dụng công thức làm bánh của chị Bích Ngọc (TPHCM) dưới đây:
Nguyên liệu :
- 500gr bột mì số 13
- 80gr đường
-300gr thịt thanh long đỏ
- 5gr muối
-5gr men nở
-40gr bơ lạt
Cách làm và lưu ý:
- Ủ bánh mì gấp đôi rồi đem đi nướng
- Men bánh mì khi chưa sử dụng các bạn nên giữ trong tủ lạnh, không nên để nhiệt độ phòng, nhiệt độ phòng nóng quá men sẽ bị kích hoạt thì khi cho vào bánh bánh sẽ không còn nở nữa.
- Khi ủ nhiệt độ lí tưởng để ủ bánh trong khoảng 30 độ - 38 độ C, nếu nhiệt độ quá cao sẽ làm cho bánh chết men, nếu các bạn sống ở nơi lạnh các bạn sẽ làm nóng ấm lò nướng hoặc lò sấy để cho bánh vào ủ, còn ở môi trường nóng như TP.HCM thì các bạn cứ ủ nhiệt độ phòng vào buổi trưa là đủ nhiệt để bánh nở thoải mái.