Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững

Với tinh thần và ý chí quyết tâm 'Các dân tộc tỉnh Trà Vinh đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững', Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Trà Vinh lần thứ IV năm 2024 tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và ghi nhận công lao to lớn của các DTTS trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kết cấu hạ tầng, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến,…

Trước thềm Đại hội, Báo Trà Vinh có cuộc trao đổi với đồng chí Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Đồng chí Kiên Ninh. Ảnh: HỮU HUỆ

Đồng chí Kiên Ninh. Ảnh: HỮU HUỆ

Phóng viên: Đồng chí vui lòng chia sẻ những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của tỉnh Trà Vinh trong 05 năm qua?

Đồng chí Kiên Ninh: Thời gian qua, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội, chương trình, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, như Chương trình 135, đã triển khai đầu tư xây dựng 49 công trình kết cấu hạ tầng mới, duy tu, bảo dưỡng 28 công trình các loại; hỗ trợ 674 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm,… Tỉnh được Trung ương hỗ trợ 09 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len xây dựng 09 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tổng nguồn vốn được phân bổ 751,391 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương 669,242 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 82,1 tỷ đồng (vốn đầu tư 450,293 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 301,098 tỷ đồng) và vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 75 tỷ đồng.

Đã tổ chức triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu 181 công trình; duy tu, bảo dưỡng 97 công trình; hỗ trợ đất ở 34 hộ; nhà ở 767 hộ, chuyển đổi nghề 510 hộ; hỗ trợ nước sạch sinh hoạt 418 hộ; xây dựng 03 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 03 xã Thanh Sơn, Kim Sơn, Ngãi Xuyên (huyện Trà Cú); hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị 8 trường phổ thông dân tộc nội trú; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tập huấn cho cán bộ cơ sở; tổ chức 04 đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện Chương trình; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị các thôn vùng đồng bào DTTS; lắp đặt 67 pa-nô tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS; tổ chức 132 cuộc tuyên truyền, 05 cuộc tọa đàm, xây dựng 04 mô hình điểm, cấp phát 9.900 cuốn sổ tay (song ngữ Việt - Khmer), 106.200 tờ rơi tuyên truyền tổng quan về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; 05 cuộc tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, 16 đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng, biên soạn, cung cấp 15 chuyên đề tài liệu pháp luật truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý và xây dựng 03 chương trình về trợ giúp pháp lý cho người DTTS. Đến nay, 59 xã vùng đồng bào DTTS đều đạt chuẩn nông thôn mới.

Khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân vùng đồng bào DTTS huyện Trà Cú. Ảnh: NGỌC XOÀN

Khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân vùng đồng bào DTTS huyện Trà Cú. Ảnh: NGỌC XOÀN

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020”, tỉnh đã hỗ trợ 46 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, số tiền trên 1,5 tỷ đồng; cho vay vốn phát triển sản xuất trên 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 717 hộ DTTS và các hộ nghèo khác ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn, số tiền gần 1,1 tỷ đồng.

Từ nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh, đã xây dựng cơ sở hỏa táng tập trung hiện đại tại huyện Tiểu Cần, với tổng kinh phí gần 42 tỷ đồng; xây dựng 02 nhà hỏa táng tại chùa Phnô Phring (xã Long Thới, huyện Tiểu Cần) và chùa Phnô Anđét (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành) với kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết, Kỷ cương, Hành động, Sáng tạo, Đột phá, Phát triển” của Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp; tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ chia sẻ của Trung ương và các tỉnh, thành bạn, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt khó của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, qua đó thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, kinh tế phục hồi và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 8,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 81,75 triệu đồng/năm (tăng hơn 22,66 triệu đồng so với cuối năm 2019); các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Toàn tỉnh hiện có 57 di tích được xếp hạng (16 Di tích cấp quốc gia, 41 Di tích cấp tỉnh), trong đó có 22 Di tích của dân tộc Khmer, 04 Di tích của người Hoa; có 08 Di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; có 112 đội giàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Chhay dam, 35 đội múa Chằn - Khỉ, trên 100 đội nhạc tân, 40 đội bóng chuyền; 08 đội ghe Ngo, 01 tờ báo và 02 nội san tiếng Khmer; 01 chương trình phát thanh và 01 chương trình truyền hình tiếng Khmer; 01 Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh; 01 Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer,... đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc.

Nông dân Thạch Chane, ấp Ô Rung, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú: hàng năm thu nhập trên 1,2 tỷ đồng từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi (trong ảnh: Ông Thạch Chane (bên trái) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân xã về sản xuất lúa vụ thu - đông). Ảnh: HỮU HUỆ

Phóng viên: Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào DTTS trong tỉnh đã thay đổi như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Kiên Ninh: Bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương, sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự quyết tâm, phấn đấu nỗ lực triển khai thực hiện của các cấp, các ngành và ý thức tự lực vươn lên của đồng bào các DTTS nói chung và hộ nghèo DTTS nói riêng có bước chuyển biến tích cực, đời sống hộ nghèo đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, tăng thêm thu nhập; các dịch vụ xã hội cơ bản như: nhà ở, y tế, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, trợ cấp, trợ giúp xã hội ngày càng tiếp cận tốt hơn, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội, tết truyền thống của đồng bào DTTS được tổ chức duy trì ngày càng tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, trật tự trong vùng dân tộc được duy trì ổn định.

Phóng viên: Theo đồng chí, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, khó khăn gì?

Đồng chí Kiên Ninh: Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS tuy có giảm hằng năm nhưng vẫn còn cao so với tổng số hộ nghèo chung của tỉnh. Công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong vùng dân tộc ở một số nơi còn hạn chế, thiếu thường xuyên, chưa sâu rộng. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn ít, nguồn cán bộ dân tộc có nơi bị hụt hẫng. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, gây chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội từng lúc, từng nơi diễn biến phức tạp.

Kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc vẫn còn hạn chế so với yêu cầu phát triển; thời tiết diễn biến bất thường, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp; giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống trong vùng đồng bào DTTS. Sự quan tâm của một số ngành, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng trong chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS từng lúc, từng nơi còn hạn chế.

Ngày 13/9/2024, đoàn giám sát về tình hình triển khai và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, ngày 19/10/2023 của Chính phủ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Trong ảnh: Đồng chí Sơn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Trà Vinh thành viên đoàn giám sát đề nghị cần thống nhất xác định đối tượng và địa bàn được hỗ trợ theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, ngày 19/10/2023 của Chính phủ. Ảnh:NGỌC XOÀN

Ngày 13/9/2024, đoàn giám sát về tình hình triển khai và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, ngày 19/10/2023 của Chính phủ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Trong ảnh: Đồng chí Sơn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Tổng Biên tập Báo Trà Vinh thành viên đoàn giám sát đề nghị cần thống nhất xác định đối tượng và địa bàn được hỗ trợ theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, ngày 19/10/2023 của Chính phủ. Ảnh:NGỌC XOÀN

Phóng viên: Thưa đồng chí, công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian tới cần tập trung vào nội dung gì để đạt được mục tiêu đề ra?

Đồng chí Kiên Ninh: Phát huy những kết đạt được được trong nhiệm kỳ qua, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; 100% xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tạo việc làm mới cho đồng bào DTTS khoảng 15.000 người/năm; tỷ lệ học sinh DTTS đi học trong độ tuổi: cấp tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở đạt 99%, trung học phổ thông đạt 99%; tỷ lệ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; hỗ trợ 100% hộ thuộc đối tượng chính sách có nhu cầu về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đạt 21% trở lên so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; ứng dụng rộng rãi và đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư thâm canh, kiểm soát và sử dụng hợp lý nguồn nước kết hợp quản lý chặt chẽ lịch thời vụ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THẠCH HOÀNG (thực hiện)

Ngày 02/02/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh phối hợp UBND huyện Tiểu Cần tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh - Di tích lịch sử chùa Botumprochhoumnati (chùa Ô Chhuc) tại xã Tập Ngãi (trong ảnh: Thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Thạch Bồi trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho lãnh đạo UBND xã và Sư cả chùa Ô Chhuc). Ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/cac-dan-toc-doan-ket-doi-moi-sang-tao-phat-huy-loi-the-tiem-nang-hoi-nhap-va-phat-trien-ben-vung-41711.html