Các dân tộc thiểu số Nghệ An luôn ở trong trái tim Bác Hồ

Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp về thăm các vùng miền núi của Nghệ An, nhưng đồng bào luôn ở trong trái tim Bác Hồ.

Nguồn: Đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An học tập và làm theo Bác Hồ (Tỉnh ủy Nghệ An)

Nguồn: Đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An học tập và làm theo Bác Hồ (Tỉnh ủy Nghệ An)

BÁC HỒ VỚI QUÊ HƯƠNG NGHỆ AN

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương là “nghĩa trọng tình cao”. Mặc dù, phải xa quê từ rất sớm, nhưng quê hương luôn sâu đậm trong tâm trí, tình cảm của Người. Tuy bôn ba hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng Bác Hồ vẫn giữ cốt cách, tâm hồn, tiếng nói của quê hương.

Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (tháng 6/1957).

Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (tháng 6/1957).

Khi về thăm quê lần thứ nhất (tháng 6/1957), vừa đến nhà, Bác đứng lặng yên một lúc ngoài sân rồi mới bước vào trong. Khi nhìn lên bàn thờ mới được làm lại, Người bùi ngùi nói: “Hồi xưa, nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc...”. Sau đó, Người đi ra nhìn quanh sân, vườn, rồi nói với mọi người: “Ngày trước, ở vườn có cây ổi đào, cây bưởi và hàng cau rất đẹp”.

Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (tháng 6/1957).

Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (tháng 6/1957).

Nói chuyện với bà con nhân dân ở quê hương, Bác luôn căn dặn mọi người phải biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, luôn phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Bác nói: "Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi, tôi về thăm quê lần này chỉ có mừng chứ không có tủi, mừng vì quê hương đã thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than".

Lần thăm quê thứ hai vào tháng 12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm, nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh nhà tại thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh), Nhà máy cơ khí Vinh, Trường Sư phạm miền núi Nghệ An; Nông trường Đông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn); Hợp tác xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành),… Đến đâu, Người cũng ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, căn dặn, nhắc nhở cán bộ và đảng viên nêu cao gương mẫu, tính tiên phong để ra sức xây dựng chế độ, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Cán bộ, nhân dân Nghệ An vui mừng đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, tháng 12/1961.

Cán bộ, nhân dân Nghệ An vui mừng đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, tháng 12/1961.

Là một người hy sinh tình nhà để lo việc nước, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ chỉ về thăm quê được 2 lần (vào năm 1957 và năm 1961). Thế nhưng, Người luôn dõi theo mọi diễn biến ở quê nhà để kịp thời gửi thư khen ngợi, động viên các thành tích đạt được cũng như phê bình, nhắc nhở những khuyết điểm, thiếu sót.

Từ năm 1930 cho đến trước lúc từ trần, Bác đã có 9 bài báo, 10 bài nói chuyện, 1 lời đề tựa nói đến quê hương Nghệ An và có 31 bức thư, 3 bức điện gửi về Nghệ An.

Đối với quê hương Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu nỗi niềm của một người con xa quê, luôn mong muốn quê hương được giàu mạnh, phát triển, trở thành “một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Trong các bức thư, điện, bài báo, bài nói chuyện của Bác Hồ với quê hương, Người vui mừng, phấn khởi vì sự tiến bộ, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, khen ngợi những thành tích đạt được, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động và động viên, khích lệ “các đồng chí tỉnh nhà” nỗ lực phấn đấu, lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng và luôn không quên chấn chỉnh tinh thần và đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Người thẳng thắn phê bình những non kém, khuyết điểm và luôn nhắc nhở các “đồng chí tỉnh nhà” phải gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng. Đó là phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào cách mạng, phải chí công, vô tư, phải hết sức lo cho dân, cho nước, phải tránh xa các biểu hiện tiêu cực, phải biết tự phê bình và khiêm tốn lắng nghe ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân,…

Trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi về cho Nghệ An chỉ 2 tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Người không lấy danh nghĩa là Chủ tịch nước, “chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm” với các đồng chí lãnh đạo trong tỉnh.

Trong thư, Bác cảnh báo các “đồng chí tỉnh nhà” cần sửa ngay các khuyết điểm, trong đó có bệnh lạm dụng quyền lực, đồng thời, nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa. Người nêu rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ... Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí, dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”[1].

Hơn 3 tháng sau khi Báo Nhân Dân đăng bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” vào ngày 3/2/1969, thì ngày 19/5/1969, Bác gửi tặng bức chân dung của mình cho tỉnh nhà với dòng chữ: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân”.

Và 2 tháng sau khi gửi tặng bức chân dung, Bác gửi bức thư cuối cùng về cho Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An, trong đó, chứa đựng bao tình cảm, trách nhiệm, niềm mong mỏi với quê nhà. Đầu thư, Người “vui mừng nhận thấy cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức, vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Người đặc biệt dành nhiều sự quan tâm tới công việc thực hành dân chủ với nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân. Người dành phần lớn nội dung thư để nhắc nhở Tỉnh ủy phải “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa”. Người dặn dò tỉ mỉ những việc phải làm để nhân dân được thực hiện quyền dân chủ trong mọi việc, được bàn bạc, được tham gia xây dựng Đảng. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tự phê bình, khuyến khích nhân dân phê bình và khiêm tốn lắng nghe ý kiến nhân dân. Cuối thư, Người viết: “Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”[2].

Đáp lại tình cảm của Bác Hồ, nhân dân Nghệ An đã luôn “đi đầu, dậy trước” trong mọi phong trào cách mạng. Nghệ An đã góp rất nhiều sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, giành độc lập cho dân tộc.

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước và đặc biệt là thực hiện lời căn dặn của Bác: “ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, đưa Nghệ An ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.

BÁC HỒ VỚI ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC
THIỂU SỐ NGHỆ AN

Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ và học sinh Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An, chiều 9/12/1961.

Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ và học sinh Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An, chiều 9/12/1961.

Lúc sinh thời, Bác Hồ dành rất nhiều tình cảm cho đồng bào người Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu, Đan Lai,… Mặc dù, Người chưa có dịp về thăm các vùng miền núi của Nghệ An, nhưng đồng bào luôn ở trong trái tim Người.

Khi về thăm quê lần thứ hai vào năm 1961, tuy thời gian rất ít ỏi, nhưng Người đã đến thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An vào ngày 9/12/1961. Những lời hỏi thăm, căn dặn của Bác Hồ với các cháu học sinh dân tộc thiểu số tại Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An chứa đựng bao tình cảm, sự thấu hiểu, quan tâm của Người đến đời sống, sự tiến bộ của các cháu. Đó cũng là tình cảm to lớn mà Bác dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An.

Bác Hồ thăm vườn cà phê của Nông trường Đông Hiếu, ngày 10/12/1961.

Bác Hồ thăm vườn cà phê của Nông trường Đông Hiếu, ngày 10/12/1961.

Cũng trong lần về thăm quê thứ hai này, Bác đã lên thăm Nông trường Đông Hiếu vào ngày 10/12/1961. Tại đây, Bác không quên căn dặn cán bộ, công nhân nông trường phải biết đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương… và “Các nông trường có nhiệm vụ đoàn kết và giúp đỡ đồng bào địa phương. Những kỹ thuật của nông trường tiến bộ hơn, vì vậy, đồng bào địa phương cần đoàn kết với nông trường, học tập cách lao động của nông trường, xây dựng hợp tác xã cho tốt, đời sống xã viên ngày càng ấm no, thế là chủ nghĩa xã hội…”[3].

Bác Hồ với cán bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn, ngày 10/12/1961.

Bác Hồ với cán bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn, ngày 10/12/1961.

Bài nói chuyện khi đến thăm Trường Sư phạm Miền núi Nghệ An chứa đựng bao tình cảm, sự quan tâm, kỳ vọng của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh:

“Thấy các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, Bác rất vui lòng. Bác có ghé thăm một phòng ngủ, khá sạch sẽ. Thường ngày có được như vậy không? Hay nghe tin Bác đến rồi mới làm vệ sinh?

Ở đây có mấy dân tộc? Sao mà lại mặc theo người Kinh cả?

- Các cháu Thổ đâu? Mặc sao giống người Kinh?

- Các cháu Thái đâu?

- Các cháu Thanh đâu?

- Các cháu Tày Mười đâu?

- Các cháu Tày Hãy đâu? Chỉ có một cháu thôi à? Sao lại không có cháu gái? Lần sau phải có cháu gái.

- Các cháu Đan Lai đâu?

- Các cháu Lào đâu?

- Các cháu có hiểu nhau không?

- Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?

Hồi trước, bọn Tây và vua quan phong kiến làm cho các dân tộc thù ghét lẫn nhau, người Mường ghét người Kinh. Bây giờ, các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà. Có làm được không? Ở đây, các cháu thi đua gì? Bác khuyên các cháu học tập tốt. Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hóa đều phải gắn liền với lao động sản xuất, không học dông dài. Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau. Học để làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội là gì? Là no ấm. Gì nữa? Là đoàn kết, vui khỏe. Muốn đi đến chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Phải học tập, lao động, đoàn kết. Làm gì nữa? Phải tăng gia sản xuất, làm ra nhiều lúa, nhiều khoai, đủ các thứ. Vải nhiều thì mặc ấm, nhiều lúa khoai thì ăn no. Còn phải làm gì nữa? Phải tiết kiệm. Tăng gia sản xuất là làm cho được nhiều, nhưng lại còn phải tiết kiệm nữa.

Các cháu có muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội không? Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tiết kiệm. Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 20 năm, lại bị 2 trận giặc xâm lăng tàn phá. Ta bây giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em giúp đỡ. Ta có dễ dàng hơn Liên Xô trước đây vì có bạn giúp ta, nhưng cũng phải thắt lưng buộc bụng.

Các cháu ở đây ăn có phải trả tiền không? Đồng bào, công nhân và nông dân hiện nay thắt lưng buộc bụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà các cháu ở đây học không phải trả tiền, ăn không phải trả tiền, ngủ không phải trả tiền, như thế các cháu đã sống theo chế độ cộng sản rồi đấy. Để đền đáp công ơn, các cháu không phải học rồi ở đây, mà phải trở về giúp đỡ đồng bào.

Bác đến thăm các cháu và chúc các cháu tiến bộ”[4].

Năm 1965, sau khi hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất trước thời hạn 1 năm, cán bộ và nhân dân huyện miền núi Quế Phong được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong thư, Bác rất vui vì thành tích của đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong đã đạt được và ân cần hỏi thăm các cụ già đến thanh thiếu niên, nhi đồng của huyện.

Bức thư Bác Hồ gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong, ngày 12/4/1966.

Bức thư Bác Hồ gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong, ngày 12/4/1966.

Thân gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An
Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện đã cố gắng và đã hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hóa trước thời hạn 1 năm. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập tiến bộ hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta.
Bác thân ái gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.
Chào thân ái và quyết thắng!
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1966
Bác Hồ

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 20

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 597.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 288

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.269-270

***

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cac-dan-toc-thieu-so-nghe-an-luon-o-trong-trai-tim-bac-ho-10273831.html