Các địa phương, doanh nghiệp vào cuộc bình ổn giá gạo

Trong bối cảnh giá gạo có xu hướng tăng cao, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường gạo theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Miền Nam: Siêu thị cam kết bình ổn giá

Tại các tỉnh phía Nam, Sở Công Thương các địa phương đã đề nghị các Sở, ban ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp cần thiết để có phương án chuẩn bị nguồn cung, bảo đảm chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Giá gạo tại các siêu thị ở hai miền Nam, Bắc đang được giữ ở mức bình ổn, đảm bảo cho người tiêu dùng mua sắm dịp cuối năm

Giá gạo tại các siêu thị ở hai miền Nam, Bắc đang được giữ ở mức bình ổn, đảm bảo cho người tiêu dùng mua sắm dịp cuối năm

Bên cạnh đó, đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, chuỗi cửa hàng tiện ích, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đơn vị tham gia bán hàng bình ổn giá cần rà soát, kiện toàn kế hoạch tăng cường dự trữ nguồn hàng, nhất là mặt hàng lúa, gạo và các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng cung ứng cho thị trường, thực hiện tốt công tác niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa của đơn vị, đảm bảo được nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm như lễ, tết, thiên tai, dịch bệnh; đăng ký cam kết tham gia chương trình bình ổn giá cùng với tỉnh.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cần có phương án về nguồn hàng lúa, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn. Trường hợp có biến động bất thường, biến động cung cầu mặt hàng gạo phải kịp thời thông tin, báo cáo về Sở Công Thương.

Ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết: Thực hiện bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu nói chung, mặt hàng gạo nói riêng, Sở đã có công văn vận động doanh nghiệp, nhà bán lẻ chủ động nguồn cung để đảm bảo ổn cung ứng cho thị trường. Tới nay, dù giá gạo ngoài thị trường tăng theo giá thế giới nhưng giá bán tại các hệ thống bán lẻ vẫn được giữ ổn định.

Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, tại các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, Winmart, Emart… giá gạo gần như vẫn giữ ở mức ổn định so với các tháng trước, thậm chí còn đang được giảm giá mạnh theo các chương trình kích cầu mà những đơn vị này đang thực hiện.

Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Phòng Hàng nhãn riêng Saigon Co.op cho biết: Kể từ thời điểm gạo lên cơn sốt giá vào cuối tháng 7/2023 tới nay, Saigon Coop chỉ điều chỉnh tăng giá 1 lần vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, đây là mức tăng giá chung theo điều chỉnh tăng giá các mặt hàng bình ổn với mức tăng dưới 10%, tập trung vào nhóm hàng phân khúc bình dân là gạo 5451, còn các sản phẩm cao cấp vẫn giữ ổn định.

Theo nhà bán lẻ này, hồi đầu năm nay, Saigon Co.op đăng ký bình ổn 2 mặt hàng gạo gồm gạo trắng thường và gạo trắng thơm. Trong đó, tháng thường dự trữ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng dịp Tết 2024. Gạo bình ổn của Saigon Co.op được cung cấp từ các thương hiệu như Wilmart, Tấn Vương. Bên cạnh đó, gạo Co.op Happy (hàng nhãn riêng của Saigon Co.op) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng đảm bảo giá phù hợp.

Hiện áp lực tăng giá với mặt hàng gạo là rất lớn bởi thị trường lúa gạo nội địa liên tục tăng giá mạnh trong thời gian qua. Tuy vậy, Saigon Co.op cam kết sẽ giữ giá ổn định, đồng thời thực hiện nhiều chương trình giảm giá để để chia sẻ với người tiêu dùng” - ông Hoàng Anh cho biết thêm.

Tương tự, đại diện siêu thị Emart cho biết giá gạo gần như vẫn giữ ở mức ổn định so với các tháng trước. Giá gạo không tăng nhiều như ngoài thị trường nhờ siêu thị làm việc với nhà cung cấp từ sớm và chốt được giá bán, nguồn cung ở mức ổn định, trường hợp tăng giá không quá nhiều. Siêu thị cũng đã chốt được giá và nguồn cung gạo đến sau Tết, nên kỳ vọng có thể giữ được giá bán ở mức ổn định trong thời gian tới.

Được biết, tại các siêu thị Co.opmart, gạo Neptune đặc sản ST25 loại 5kg hiện được bán với giá khuyến mãi còn 175.000 đồng/ túi; gạo Nàng Hoa Co.op Select 5kg giá 125.000 đồng/ túi 5kg giảm còn 109.000 đồng/ túi; gạo Đài Thơm 8 Co.op Select loại 5kg giá 116.000 đồng/ túi giảm còn 102.000 đồng/ túi; gạo lứt đỏ/ tím than Co.op Select loại 1kg giảm từ 51.700 đồng/ túi xuống còn 41.500 đồng/ túi.

Tương tự, Wimart cũng áp dụng giảm giá cho khách hàng mua online đối với một số loại như: Gạo ST25 Giống Cây Trồng TW giá 119.000 đồng/ túi 3kg giảm còn 105.500 đồng/ túi; gạo ST25 Bảo Minh lúa ruộng rươi giá 122.000 đồng/ túi 3kg, giảm còn 113.300 đồng/ túi; gạo tám Gò Công Vinafood1 giá 117.000 đồng/ túi 3kg giảm còn 98.100 đồng/ túi; gạo Tám Sóc Trăng Vinafood1 giá 110.500 đồng/ túi 3,5 kg, giảm còn 92.700 đồng/ túi.

Còn tại siêu Emart Gò Vấp, gạo thơm làng ta Vua Gạo đang được bán với giá 125.000 đồng/bao 5kg, gạo hương lài Vua Gạo giá 148.000 đồng/bao 5kg, gạo hoa lúa đỏ 198.000 đồng/bao 5kg...

Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường gạo

Tại Hà Nội, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch Thực hiện “Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Theo đó, thành phố xác định các nhóm hàng cần tập trung cân đối cung- cầu, ổn định thị trường là nhóm hàng có tính chất thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân thành phố; có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả, nhưng thành phố khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định; những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết Nguyên đán và đặc biệt cần thiết trong các thời điểm có dịch bệnh, thiên tai xảy ra...

Cụ thể, các nhóm hàng hóa trong chương trình bao gồm: Các nhóm hàng thiết yếu có: Lương thực (gạo, mỳ, phở khô...); thịt lợn; thịt gà, vịt; thủy hải sản; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ; đường; dầu ăn; gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính...); sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi (sữa nước, sữa bột...); các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát… Như vậy, gạo là một trong những mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá.

Do đó, thời gian qua, tại các điểm bán hàng bình ổn giá, giá gạo luôn được giữ bình ổn.

Đại diện Tập đoàn Central Retail cho biết, liên quan đến kinh doanh mặt hàng gạo, hiện nay, các siêu thị GO!, Big C hiện vẫn kinh doanh mặt hàng gạo bình thường, không có đột biến về lượng mua. Các doanh nghiệp cung ứng mặt hàng gạo đều khẳng định sẽ luôn ưu tiên gạo cho thị trường trong nước. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo chủ động thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng; cung ứng đủ, vượt số lượng gạo đã đăng ký trong mọi tình huống; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký bình ổn.

“Tháng 9 vừa qua, chúng tôi nhận được yêu cầu tăng giá mua lên khoảng 10% chúng tôi đã đáp ứng các nhà cung ứng về việc tăng giá mua. Nhưng để hỗ trợ người dân, chúng tôi quyết định không tăng giá bán dù đầu vào đã tăng và chịu phần tăng đó về cho chúng tôi. Việc này sẽ giúp người dân đi chợ bớt căng thẳng về chi tiêu mỗi ngày, và cũng giúp cho siêu thị kích cầu tiêu dùng” – đại diện Tập đoàn Central Retail khẳng định.

Tại hệ thống MM Mega Market, từ đầu tháng 10, MM Mega Market Việt Nam phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp chuẩn bị cung ứng hàng hóa cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán 2024. Theo đó, sẽ có hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá.

Danh mục hàng bình ổn giá tại MM Mega Market trải rộng hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, vật dụng gia đình, bánh – kẹo – ngũ cốc, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Đây là chương trình MM Mega Market kết hợp cùng các nhà cung cấp lớn trong nước thực hiện nhằm đánh bại lạm phát, bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm thông minh trước làn sóng tiêu dùng cuối năm.

Hiện tại hệ thống Go!, Big C, giá gạo ST25 được bán với giá 185.000 đồng/túi 5 kg. Đáng chú ý, nếu mua túi thứ 2, giá gạo giảm còn 148.000 đồng/túi 5 kg và miễn phí vận chuyển với đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên.

Tại hệ thống siêu thị WinMart, thương hiệu gạo Ngọc Nương ST25 túi 3kg được bán với giá 99.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng so với giá niêm yết là 119.000 đồng/kg; hay như gạo lúa tôm Ngọc Nương ST25 túi 5kg giảm từ 190.000 đồng/kg còn 159.000 đồng/kg...

Tại hệ thống MM Mega Market, giá gạo Bắc Hương ở mức 266.000 đồng/túi 15 kg; tám thơm Điện Biên 316.000 đồng/15 kg; nếp cái hoa vàng 456.000 đồng/15 kg…

Ngành Công Thương Hà Nội xác định, nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm nguồn cung hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng gạo ra thị trường đầy đủ, ổn định. Dự kiến nhu cầu tiêu dùng gạo của thành phố khoảng 97.650 tấn/tháng, tương đương với 1,17 triệu tấn/năm. Lượng gạo hiện tại đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô những tháng cuối năm 2023, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nếu có sốt giá cục bộ, ngành Công Thương sẽ tổ chức bán hàng lưu động với giá ổn định cho người dân.

Về nguồn cung lúa gạo, theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến sản lượng cả năm 2023 ước đạt trên 43 triệu tấn lúa, tăng khoảng 452.000 tấn so với năm 2022. Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và một phần cho xuất khẩu.

Thùy Dương - Hạnh Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-dia-phuong-doanh-nghiep-vao-cuoc-binh-on-gia-gao-284527.html