Các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu gặp khó
Công ty TNHH Hội Vũ, Cụm công nghiệp Cầu Giát (thị xã Duy Tiên) chuyên chế biến nông sản đóng lọ xuất khẩu. Có đến 90% lượng nông sản chế biến của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Đông Âu, tập trung chính tại Nga. Từ khi khu vực Đông Âu xảy ra chiến sự giữa Nga và Ukraina, việc xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ông Khuất Duy Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hội Vũ cho biết: Hàng nông sản chế biến đóng lọ của doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay gần như không xuất khẩu được do chịu tác động trực tiếp từ chiến sự giữa Nga và Ukraina. Khó khăn xuất hiện ở tất cả các khâu từ vận chuyển bị đội giá, đến tỷ giá đồng Rúp Nga so với tiền USD, việc Nga thanh toán bằng đồng Rúp thay USD như trước đây… Ngoài ra, hiện nay vỏ lọ dùng đóng nông sản xuất sang Nga cũng đang rất khó khăn, giá tăng cao và không nhập về được do thị trường Trung Quốc đóng cửa phòng, chống dịch Covid-19.
Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh ta, Công ty TNHH Hội Vũ xây dựng vùng nguyên liệu khoảng trên 50 ha, trải rộng tại các huyện Kim Bảng, Lý Nhân. Mỗi vụ doanh nghiệp thu mua từ 500 - 700 tấn nguyên liệu dưa chuột xuất khẩu của nông dân trong tỉnh, chiếm từ 20 - 30% nhu cầu chế biến. Hiện nay đang vào thời điểm dưa chuột xuất khẩu vụ xuân thu hoạch rộ, lượng nguyên liệu đưa về nhà máy nhiều. Ông Khuất Duy Hùng cho biết: Do đã ký hợp đồng sản xuất với nông dân nên doanh nghiệp tiếp tục duy trì thu mua sản phẩm nguyên liệu. Lượng dưa chế biến mỗi ngày tương đương 2 - 3 container đưa vào bảo quản trong kho chờ thay đổi của thị trường xuất khẩu.
Tại Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, xã Chân Lý (Lý Nhân) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường xuất khẩu chính Đông Âu bị “đóng băng”. Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp chuyển hướng tìm mối xuất khẩu hàng nông sản chế biến sang thị trường Nhật Bản. Do vậy, doanh nghiệp đã phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này. Theo đó, doanh nghiệp đã phải làm việc với các HTXDVNN và người dân đang triển khai vùng nguyên liệu bảo đảm thu hái dưa đúng kích cỡ 3 - 6 cm và trả đến tay người dân giá 10 nghìn đồng/kg. Ngoài số lượng dưa loại 1 có kích cỡ đúng tiêu chuẩn dùng chế biến tại xưởng, còn 20 - 30% dưa loại 2 vượt quá kích cỡ doanh nghiệp thu mua của người dân phải bán lại không lợi nhuận cho một số doanh nghiệp chế biến tại tỉnh Hải Dương. Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn cho biết: Việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới là giải pháp tình thế để doanh nghiệp thu mua và chế biến hết lượng dưa nguyên liệu trên diện tích đã ký sản xuất với người dân vụ xuân năm nay. Với hướng khắc phục này, doanh nghiệp đang phải bù lỗ khoảng 1.000 đồng/kg dưa chuột. Nếu để tồn kho, không xử lý hết lượng sản phẩm chế biến sẽ càng khó khăn hơn do liên quan đến vụ sản xuất tiếp theo.
Trên địa bàn tỉnh ta hiện có khoảng 10 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu. Các đơn vị này thu mua phần lớn lượng sản phẩm dưa chuột làm nguyên liệu chế biến có diện tích khoảng trên 1.000 ha mỗi năm (riêng vụ xuân 450 ha). Thực tế, các đơn vị chế biến nông sản đều đang gặp khó khăn do phần lớn sản phẩm đều xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Đây được coi là thị trường “dễ tính” không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ nông sản chế biến, nhất là dưa chuột xuất khẩu rất lớn. Đây cũng là loại nông sản hàng hóa chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Về phía các địa phương và người dân tham gia sản xuất nông sản phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang tích cực phối hợp chặt chẽ và thực hiện theo đúng hợp đồng, nhất là về chất lượng sản phẩm để cùng tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp. Tại HTX Nông nghiệp Đạo Lý (Lý Nhân) ký hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn sản xuất hơn 5 ha dưa xuất khẩu trong vụ xuân 2022. Sau khi có sự trao đổi với đơn vị thu mua, Hội đồng quản trị HTX đã triển khai đến tổ dịch vụ và người sản xuất về kích cỡ dưa xuất bán đúng theo tiêu chuẩn loại 1 (3 - 6cm). Ông Trương Đăng Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạo Lý cho biết: Việc lấy sản phẩm dưa bao tử đúng kích cỡ phục vụ chế biến đạt tiêu chuẩn xuất sang Nhật Bản người dân phải tốn nhiều công hơn. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị HTX đã tuyên truyền, vận động để người dân cùng chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Mục tiêu chính là bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp duy trì và phát triển sản xuất.
Trước khó khăn của các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp đã giao cho các đơn vị chức năng thuộc ngành liên hệ hướng tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chế biến tại thị trường trong nước thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị; đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Dự kiến, các doanh nghiệp sẽ được tham gia các buổi trao đổi, hội thảo gặp gỡ, tìm kiếm thị trường mới thay thế. Ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu chính là tạo điều kiện sản xuất hàng hóa trên đồng ruộng phát triển, nhất là với sản phẩm dưa chuột hiện nay vẫn phụ thuộc chính vào thị trường xuất khẩu.
Sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay sẽ giúp ổn định, duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế biến; đồng thời, góp phần thúc đẩy sản xuất nông sản làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, vốn đang là hướng đi nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng của tỉnh.