Các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái sẽ phải trả dịch vụ môi trường rừng

Nghị định 91/2024/NĐ-CP quy định, các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái có sử dụng dịch vụ môi trường rừng sẽ phải chi trả dịch vụ này.

Sáng 31/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – thông tin, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP có 7 nội dung mới gồm: Bổ sung quy định về điều chỉnh tăng, giảm diện tích các loại rừng; quản lý hoạt động sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chuyển loại rừng; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ và phát triển bền vững; dịch vụ môi trường rừng và các quy định chuyển tiếp.

"Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã dựa trên quy định của Luật Lâm nghiệp và bất cập từ thực tiễn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các pháp luật của Việt Nam cũng như có thể tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính và quy chế quản lí rừng", ông Bảo nhấn mạnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Riêng về nội dung chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nghị định bổ sung quy định về điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Đối với diện tích rừng có số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ bình quân của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng tại các lưu vực có số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân 01 ha từ thấp nhất trở lên.

Bên cạnh đó, bổ sung danh mục các cơ sở công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước làm cơ sở để xác định cụ thể ngành nghề cơ sở công nghiệp có sử dụng nước để thực hiện nghĩa vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp. Quy định cụ thể về vị trí của các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái có sử dụng dịch vụ môi trường rừng: “có vị trí nằm trong phạm vi khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng hoặc có vị trí tiếp giáp với khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. UBND cấp tỉnh quyết định danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng”.

“Ví dụ, Hà Nội có nhiều khu vực kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, không nằm trong rừng, nhưng nằm ven rừng, ven suối, trên cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn về mặt tiêu chí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình ban hành quyết định. Việc này góp phần tăng thêm nguồn thu có Quỹ bảo vệ rừng các địa phương”, ông Trần Quang Bảo dẫn chứng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đồng tình cao với việc Nghị định số 91 được ban hành và sớm có hiệu lực thi hành để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có những văn bản hướng dẫn làm rõ thêm về việc phân cấp, phân quyền trong chuyển đổi diện tích sử dụng rừng; quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; các dự án liên quan đến rừng như: chuyển đổi loại rừng, du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon...

Ông Đỗ Ngọc Đoàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ - chia sẻ, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã giúp địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn về quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự đồng nhất về thẩm quyền quản lí rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng. Ngoài ra, thủ tục hành chính giữa giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng còn nhiều bất cập.

Ông Hà Minh Quý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang - nêu ý kiến, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng yêu cầu phải có văn bản chấp thuận chủ trương hoặc quyết định chủ trương chuyển mục đích trồng rừng của các dự án. Tuy nhiên, trên thực tế ở Bắc Giang có những trường hợp, đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất rừng và có sổ đỏ đất nông nghiệp từ trước đây nhưng theo quy định thì không có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích rừng, việc này sẽ giải quyết như thế nào? Vấn đề này cần có văn bản hướng dẫn để địa phương có căn cứ triển khai.

Làm rõ thêm về dịch vụ hấp thụ lưu trữ carbon rừng, ông Trần Quang Bảo cho biết, dịch vụ rừng và lưu trữ hấp thụ carbon rừng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ hóa với quy định của ngành Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành liên quan để tiếp tục đưa dịch vụ hấp thụ lưu trữ carbon rừng áp dụng rộng rãi để tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.

Về kiến nghị của các địa phương, ông Trần Quang Bảo cho hay, trên cơ sở kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và tổ chức tập huấn đối với từng lĩnh vực được phân giao để các địa phương triển khai, đưa Nghị định vào thực tiễn trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thông tin, hiện toàn ngành lâm nghiệp có 15,68 triệu ha, trong đó có 14,8 triệu ha có rừng. Để quản lý, khai thác rừng, cơ quan thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản. Riêng với Nghị định 91, tính đến tháng 7/2024, Bộ đã có 18 báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ; tổ chức các cuộc họp, lấy kiến thống nhất của các Bộ có ý kiến khác và đã trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến Thành viên Chính phủ 3 lần về dự thảo Nghị định; Ngày 10/7/2024, Bộ đã báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ (lần 3), được Chính phủ ký ban hành Nghị định ngày 18/7/2024 và có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nghị định 91 có phạm vi áp dụng rộng, đối tượng tham gia đa dạng và nhiều nội dung khó. Nghị định đi vào cuộc sống sẽ tháo gỡ những vướng mắc các quy định mà thực tiễn còn thiếu, chưa phù hợp liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp. Việc xây dựng Nghị định đã khó, việc phổ biến, triển khai để đưa Nghị định vào cuộc sống còn quan trọng hơn. Do đó, đề nghị các địa phương vừa tổ chức triển khai, vừa truyền thông để việc thực hiện Nghị định được hiệu quả nhất.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-don-vi-kinh-doanh-du-lich-sinh-thai-se-phai-tra-dich-vu-moi-truong-rung-335954.html