Các hãng ô tô Nhật Bản đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc
Trung Quốc đang thực hiện điều tưởng chừng không thể đó là soán ngôi các hãng xe Nhật Bản từng thống trị, đẩy các ông lớn này vào cuộc khủng hoảng cạnh tranh gay gắt tại chính sân nhà.
Với tư cách là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, các thương hiệu nội địa Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt là nhờ sự bùng nổ của xe điện.
Không chỉ vậy, theo một báo cáo mới của hãng tin Bloomberg (Mỹ), các hãng xe Trung Quốc còn đang mở rộng ảnh hưởng sang Đông Nam Á, thách thức vị thế lâu nay của Toyota, Honda và Mitsubishi.
Phân tích dữ liệu doanh số và đăng ký xe từ năm 2019 đến 2024 của Bloomberg cho thấy, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã chứng kiến sự sụt giảm thị phần mạnh nhất tại Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Các hãng xe Nhật đang mất dần vị thế trên khắp châu Á, với cả sáu hãng được Bloomberg theo dõi đều ghi nhận sự sụt giảm tại thị trường Trung Quốc.
Ngay cả Toyota, hãng dẫn đầu thế giới về sản lượng ô tô, cũng chứng kiến doanh số bán hàng trì trệ. Tại Đông Nam Á, khu vực từng là “thế mạnh” của các thương hiệu Nhật Bản, thị phần đã giảm mạnh.
Tại các thị trường Thái Lan và Singapore, các hãng xe Nhật hiện chỉ chiếm 35% thị phần, giảm so với mức hơn 50% thị phần trong năm 2019. Những con phố từng được Nissan và Mazda "thống trị" giờ đây ngày càng xuất hiện nhiều thương hiệu xe Trung Quốc.
Báo cáo của Bloomberg lưu ý rằng Toyota vẫn duy trì khả năng cạnh tranh ở một số phân khúc, như xe bán tải, nhưng triển vọng nhìn chung lại khá ảm đạm cho các nhà sản xuất ô tô từng nổi tiếng về hiệu quả và độ tin cậy.
Việc chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn chậm chạp đang đặt họ vào nguy cơ bị tụt lại phía sau trong một thị trường đang được thúc đẩy bởi công nghệ pin tiên tiến và phần mềm thông minh.
Mặc dù các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phải đối mặt với thuế quan cao ở châu Âu và Mỹ, nhưng việc vị thế thống trị của Nhật Bản ở châu Á suy yếu có thể báo hiệu những thách thức lớn hơn đang chờ đợi họ trên toàn cầu.
Vị thế của Toyota tại Đông Nam Á được cũng cố nhờ hoạt động sản xuất các dòng xe chạy xăng, động cơ lớn, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng địa phương. Năm 2023, Thái Lan và Indonesia chiếm gần 10% trong sản lượng 11 triệu xe toàn cầu của Toyota.
Tuy nhiên, các thương hiệu Nhật Bản khác, như Nissan, lại đang chật vật. Việc Nissan sản xuất các dòng sản phẩm lỗi thời và thiếu xe hybrid đã dẫn đến việc thua lỗ và cắt giảm sản xuất. Điều này khiến sự hiện diện của hãng tại Jakarta hiện nay đang dần mờ nhạt.
Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã nhanh chóng thu hút sự chú ý tại Indonesia, trở thành thương hiệu bán chạy thứ sáu chỉ vài tháng sau khi giao những chiếc xe đầu tiên. Mẫu xe Seal EV giá 40.000 USD của hãng đang đặc biệt được ưa chuộng.
Thị phần sản xuất ô tô toàn cầu của Nhật Bản đã giảm từ hơn 20% trong 20 năm trước xuống còn 11%, trong khi Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu, hiện chiếm gần 40% sản lượng ô tô thế giới.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tận dụng thế mạnh về pin giá rẻ và chuỗi cung ứng linh hoạt để mở rộng sang Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi, qua đó thách thức hơn nữa vị thế thống trị của Nhật Bản tại các thị trường này.