Các hãng Trung Quốc lao vào cuộc đua ô tô bay sau xe điện, huyền thoại Hongqi cũng tham chiến
Một số hãng xe lớn nhất Trung Quốc, từ Hongqi, Geely Auto đến Xpeng, đang cạnh tranh trên mặt trận mới là ô tô bay nhằm tạo lợi thế tiên phong khi doanh số xe điện đang tăng trưởng chậm lại.
Hongqi (Hồng Kỳ) là thương hiệu ô tô nổi tiếng và mang tính biểu tượng của Trung Quốc. Đây là thương hiệu ô tô lâu đời nhất Trung Quốc, được thành lập vào năm 1958. Hongqi ban đầu được biết đến chủ yếu với việc sản xuất xe limousine sang trọng và ô tô chuyên chở các lãnh đạo cấp cao của nước này.
Hiện nay, Hongqi là đơn vị thuộc tập đoàn sản xuất ô tô FAW Group. Hongqi đã mở rộng dòng sản phẩm và đang tích cực tham gia vào cuộc đua phát triển các công nghệ di chuyển mới, gồm cả xe điện, ô tô bay hoặc thiết bị bay không người lái (drone).
Những đơn vị đi đầu lĩnh vực ô tô bay như AeroHT, công ty liên kết của Xpeng, đang tiến gần hơn đến việc thương mại hóa các dịch vụ thiết bị bay không người lái nhờ sự ủng hộ từ chính quyền Trung Quốc với nền kinh tế di chuyển tầm thấp, đi tiên phong trong các đổi mới trong ngành du lịch hàng không toàn cầu.
Nền kinh tế di chuyển tầm thấp là tập hợp các hoạt động sản xuất, dịch vụ và công nghệ liên quan đến việc vận chuyển người và hàng hóa bằng phương tiện bay không người lái, ô tô bay hoặc máy bay điện ở độ cao dưới 1.000m, đặc biệt trong môi trường đô thị.
Tuần trước, AeroHT đã nộp đơn lên Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) để xin giấy phép chế tạo chiếc ô tô bay đầu tiên.
AeroHT từng gây ấn tượng với tàu sân bay mặt đất có thiết kế gồm một chiếc minivan điện để sạc eVTOL được chứa ở phía sau. Cơ sở sản xuất của AeroHT đã được hoàn thành 70% và có thể bắt đầu hoạt động vào quý 4/2025.
Tàu sân bay mặt đất là phương tiện đa năng tiên tiến được phát triển bởi AeroHT. Đây là phương tiện kết hợp giữa ô tô điện và eVTOL, với mục tiêu phục vụ nhu cầu di chuyển linh hoạt cả trên đất liền lẫn trên không.
AeroHT đặt mục tiêu bán 5.000 chiếc tàu sân bay mặt đất, mỗi chiếc có giá khoảng 200.000 USD, theo chia sẻ của nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp này kiêm trưởng bộ phận thiết kế Wang Tan ở một cuộc phỏng vấn năm ngoái.

Ô tô bay của AeroHT thực hiện chuyến bay thử nghiệm trong Triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11.2024 - Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong khi đó, hãng Ehang đã được cấp phép cung cấp dịch vụ di chuyển hàng không tầm thấp cho hành khách.
Ehang là hãng công nghệ Trung Quốc chuyên về nền kinh tế di chuyển tầm thấp và di chuyển hàng không đô thị. Công ty này nổi tiếng với việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại máy bay không người lái tự hành, đặc biệt là máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) được thiết kế để chở hành khách.
Hongqi cùng nhiều hãng Trung Quốc cố giành lợi thế sớm trong lĩnh vực ô tô bay sau cuộc đua xe điện
Là một phần trong trọng tâm của ngành hàng không về kết nối trên không trong và xung quanh các thành phố, nền kinh tế di chuyển tầm thấp đã phát triển mạnh từ năm 2021 khi Trung Quốc ban hành các chính sách và quy định hỗ trợ.
Được thúc đẩy bởi chính sách hỗ trợ, đổi mới công nghệ và đầu tư ngày càng tăng, nền kinh tế di chuyển tầm thấp của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 5 lần lên mức 3.500 tỉ nhân dân tệ (tương đương 485,7 tỉ USD) vào năm 2035, so với 2024, theo CAAC.
Đáng chú ý là xe điện đã chiếm hơn một nửa doanh số ô tô mới tại Trung Quốc đại lục kể từ giữa năm 2024.
Hongqi, Geely Auto cùng các bên khác như GAC Group, Chery Automobile đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển ô tô bay lẫn drone, nhằm cung cấp giải pháp di chuyển đô thị trên không để giải quyết tình trạng kẹt xe trong các thành phố lớn.
Hongqi và Geely lấn sân vào lĩnh vực drone non trẻ để cạnh tranh với các đối thủ đã có tên tuổi như Ehang và DJI, bằng cách tận dụng chuỗi cung ứng ô tô, công nghệ điện khí hóa, số hóa và lái xe tự động của riêng họ.
Là hãng ô tô từng phục vụ các lãnh đạo nhà nước Trung Quốc từ những năm 1950, Hongqi đang phát triển phương tiện bay như một phần trong chiến lược “tất cả trong một” để thích ứng với tương lai của ngành giao thông.
Tháng 12.2024, hãng xe nhà nước GAC Group đã ra mắt ô tô bay GOVY và giới thiệu mẫu xe bay cánh composite đầu tiên mang tên GOVY AirJet. GOVY AirJet có hơn 90% cấu trúc được làm từ vật liệu composite sợi carbon, giúp giảm trọng lượng xuống chỉ còn 1/3 so với thân xe truyền thống có cùng kích thước.
Hệ thống Robo-AirTaxi (kết hợp giữa phương tiện mặt đất và trên không) của hãng sử dụng GOVY AirCar cho các chuyến đi đường dài đến 20km và GOVY AirJet với hành trình bay đến 200km.
Geely Auto thành lập công ty con Aerofugia vào năm 2020 để sản xuất thiết bị bay không người lái và eVTOL chở hành khách. Aerofugia hiện tập trung vào vận tải tầm thấp cho du lịch và cấp cứu y tế.
Chi phí vận hành của Aerofugia thấp hơn 20 - 33% so với trực thăng truyền thống, theo Giám đốc điều hành Guo Liang.
Aerofugia dự kiến bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc) vào nửa cuối năm 2026 và hướng đến phát triển quy mô lớn sau 2030, ông Guo Liang nói thêm.
Cuối năm ngoái, công ty nhà nước Changan Automobile đã công bố việc hợp tác với Ehang trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh và vận hành eVTOL. Hai bên đang xem xét thành lập liên doanh để phát triển hệ sinh thái công nghệ di chuyển trong tương lai.
Tháng 10.2024, hãng Chery Automobile đã trình diễn nguyên mẫu ô tô bay tại Hội nghị Đổi mới toàn cầu được tổ chức ở tỉnh An Huy (miền trung Trung Quốc) và hoàn thành chuyến bay thử dài khoảng 80km.
Theo Chery Automobile, ô tô bay này không có vô lăng hay chân ga, gồm ba phần là máy bay, khoang lái thông minh và khung gầm thông minh. Nó có thể chuyển đổi giữa chế độ bay tự động và lái xe, phù hợp cho việc di chuyển ngắn trong đô thị để giảm tắc nghẽn giao thông.
“Ô tô bay sẽ cần thời gian để tạo ra lợi nhuận, do chi phí sản xuất cao và nhu cầu hiện tại còn thấp. Các hãng xe hàng đầu đang đầu tư cho tương lai, vì họ thiết kế và chế tạo những phương tiện giao thông ấn tượng để thể hiện tiến bộ công nghệ của mình”, ông Yin Ran, nhà đầu tư sống ở thành phố Thượng Hải, nhận định.
“Thị trường ô tô bay sẽ lớn hơn xe điện trong hai thập kỷ tới”
He Xiaopeng, Giám đốc điều hành Xpeng, tin rằng thị trường ô tô bay toàn cầu có thể đạt 2.000 tỉ USD trong hai thập kỷ tới, gấp đôi quy mô của phương tiện trên bộ.
Các công ty Trung Quốc đang cố định nghĩa lại tương lai của giao thông, đặt cược lớn vào ô tô bay và robotaxi khi sự cạnh tranh trên thị trường xe điện lớn nhất thế giới ngày càng gay gắt.
Nhà sản xuất ô tô điện cao cấp Xpeng sẽ đầu tư 3 tỉ nhân dân tệ (413 triệu USD) vào lĩnh vực eVTOL trong năm 2025 vì coi ô tô bay là ngành công nghiệp lớn hơn xe điện hai thập kỷ tới, He Xiaopeng phát biểu tại diễn đàn China EV100 ở thủ đô Bắc Kinh cuối tháng 3.
China EV100 là tổ chức phi lợi nhuận tại Trung Quốc, tập trung vào nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp ô tô điện. Được thành lập vào năm 2014, China EV100 tập hợp các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và học giả để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành xe điện và công nghệ liên quan, gồm pin, trạm sạc và xe tự hành.
Mỗi năm, tổ chức này tổ chức diễn đàn China EV100, hội nghị quan trọng nơi các lãnh đạo trong ngành ô tô điện, quan chức chính phủ và các hãng công nghệ lớn như BYD, Nio, Xpeng, Tesla thảo luận về xu hướng, chính sách và cơ hội trong lĩnh vực này.
“Dù máy bay tầm thấp chỉ chiếm 3 đến 5% doanh số ô tô hiện nay, nhưng chúng chiếm 20% về doanh thu bán hàng”, He Xiaopeng cho biết. Ông tin rằng thị trường ô tô bay toàn cầu có thể đạt 2.000 tỉ USD trong hai thập kỷ tới, gấp đôi quy mô phương tiện trên bộ.
Xpeng đang xây dựng một nhà máy tại Quảng Châu (thành phố phía nam Trung Quốc và cũng là nơi công ty đặt trụ sở). He Xiaopeng dự kiến Xpeng đạt công suất sản xuất hằng năm là 10.000 ô tô bay sau khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2026.
He Xiaopeng đưa ra bình luận trên khi các hãng ô tô và công nghệ Trung Quốc đang để mắt đến cơ hội tăng trưởng tiếp theo giữa bối cảnh thị trường xe điện quá đông đúc, nơi họ đã thành công trong quá trình điện khí hóa phương tiện giao thông.