Các hãng xe Trung Quốc chinh chiến khắp thế giới trong năm qua ra sao?

BYD và SAIC đều ghi nhận những bước phát triển tốt tại thị trường quốc tế, nhưng GWM lại không may mắn như vậy.

Năm 2024 đánh dấu thời kỳ bùng nổ của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc. Không chỉ giành lấy thị phần tại quê nhà, các tập đoàn này đã bắt đầu lấn sân ra thị trường quốc tế.

Những thương hiệu dưới đây đều đã ra mắt tại Việt Nam và tạo nhiều dấu ấn về mặt hiện diện, nhưng chưa ghi nhận sức bán tốt. Trái ngược với tình hình có phần ảm đạm ở thị trường xe Việt, các "ông lớn" Trung Quốc này đang hoạt động thế nào trên khắp thế giới?

BYD

Tính đến hết tháng 11, tổng doanh số của BYD đạt hơn 3,75 triệu chiếc. Thành tích ấn tượng này không chỉ giúp BYD giữ vững vị trí dẫn đầu tại Trung Quốc, đồng thời vượt qua nhiều "ông lớn" trở thành thương hiệu bán chạy thứ 4 toàn cầu.

Hiện tại, đa phần doanh số của BYD đều đến từ quê nhà. Tháng 11, hơn 78% lượng xe BYD bán ra toàn cầu là tại thị trường nội địa.

 Dải xe BYD thời điểm mới xuất hiện tại Việt Nam.

Dải xe BYD thời điểm mới xuất hiện tại Việt Nam.

Ở phân khúc xe năng lượng mới, BYD và Tesla tạo ra cuộc đua song mã quyết liệt khi thay phiên giữ vị trí dẫn đầu. Kết thúc 3 quý của năm, BYD bán được hơn 1,173 triệu xe thuần điện, trong khi Tesla đạt doanh số 1,329 chiếc.

Vua xe điện Trung Quốc vừa có màn chào sân hoành tráng tại Việt Nam vào quý II. Hiện tại, BYD đã mang gần như toàn bộ sản phẩm chủ lực của hãng về Việt Nam bao gồm Dolphin, Atto 3, Seal, Han, và MPV M6. Hai mẫu xe mới là Tan và Denza D9 được bán tại Việt Nam theo dạng nhận đặt trước.

Tính đến hiện tại, BYD chưa công bố doanh số tại Việt Nam. Nhìn vào số lượng xe hiếm hoi xuất hiện trên đường phố có thể thấy BYD vẫn cần nhiều thời gian hơn để ghi nhận được doanh số bán tốt tại Việt Nam, một thị trường tương đối "khó tính" với các hãng xe Trung Quốc.

SAIC

Lũy kế 11 tháng của năm, SAIC ghi nhận doanh số đạt hơn 3,52 triệu xe. Thương hiệu này hiện sở hữu hãng xe Morris Garages (MG), Immotors, Roewe và Maxus.

Trong số này chỉ MG đã xuất hiện tại Việt Nam. Thương hiệu này đã từng xuất hiện tại thị trường Việt từ năm 2012 nhưng nhanh chóng biến mất chỉ sau vài tháng. Mãi đến năm 2020, MG mới quay lại dưới tay một công ty phân phối mới là tập đoàn Tan Chong.

 New MG 5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

New MG 5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Đây cũng là một trong những hãng xe Trung Quốc hiếm hoi ghi nhận sức bán khả quan tại Việt Nam. Vào tháng 7, hãng xe bất ngờ công bố doanh số trong 12 tháng (7/2023-6/2024) vượt mốc 10.000 chiếc. Chiến lược định giá đóng vai trò quan trọng trong thành công của MG.

Thay vì chọn cách đối đầu trực tiếp với các mẫu xe Hàn Quốc hay Nhật Bản vốn đã trụ vững ở Việt Nam, những sản phẩm từ MG thường được bán với giá thấp hơn nhiều so với phân khúc, thu hút một tệp khách hàng riêng.

Ví dụ chiếc New MG5 MT có kích thước và sức mạnh được định vị ở nhóm sedan cỡ C, cạnh tranh cùng Hyundai Elantra, Kia K3 hay Mazda3, mức giá của MG 5 chỉ tương đương nhiều xe hạng A trên thị trường. Giá niêm yết của MG5 bản số sàn mới là 399 triệu đồng, bản đắt nhất CVT Del có giá 499 triệu đồng.

Tại quê nhà, Maxus và Roewe đều là những tân binh vừa xuất hiện nhưng để lại dấu ấn tốt cho người dùng nhờ hàng loạt kỷ lục, đặc biệt ở nhóm hybrid có phạm vi hoạt động dài (EREV).

 Roewe D7. Ảnh: SAIC.

Roewe D7. Ảnh: SAIC.

Ví dụ dễ thấy nhất là mẫu sedan Roewe D7 đã đạt kỷ lục Guinness Thế giới về quãng đường di chuyển dài nhất trên một chiếc PHEV, với 2.208 km/lần nạp nhiên liệu.

Tại châu Âu, SAIC ghi nhận doanh số bán tốt nhờ những mẫu xe năng lượng mới của MG, đặc biệt là MG 4 EV. Theo báo cáo của Đài quan sát nhiên liệu thay thế châu Âu (EAFO), MG4 EV là xe điện bán chạy thứ 9 tại châu Âu trong 10 tháng đầu năm 2024 với doanh số đạt 45.761 chiếc.

Geely

Sau 11 tháng, Geely ghi nhận tổng doanh số tập đoàn lên hơn 3 triệu chiếc toàn cầu với nhiều thương hiệu xe khác nhau.

Tại Việt Nam, hai thương hiệu xe thuộc tập đoàn này đã ra mắt là Volvo và Lynk & Co. Gần đây, nguồn tin từ Tri Thức - Znews cho biết Geely Auto và Zeekr, 2 hãng xe con khác của Geely sắp được giới thiệu đến người dùng Việt Nam.

 Showroom Lynk & Co tại TP.HCM.

Showroom Lynk & Co tại TP.HCM.

Vào tháng 9, Tasco Auto và Geely thông báo kế hoạch lắp ráp xe tại Việt Nam, với công suất lên đến 75.000 chiếc/năm. Dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2024 và bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2026.

Ngoài 4 cái tên trên, tập đoàn này còn sở hữu thêm hàng loạt thương hiệu ôtô khác như Polestar, Proton, Livan/Maple hay Radar Auto. Tại quê nhà, Geely bán chạy thứ ba chỉ sau BYD và Chery với doanh số đạt 123.000 chiếc trong tháng 11, thậm chí vươn lên vị trí thứ nhì trong nhóm xe thuần điện.

Nhờ sở hữu lượng lớn thương hiệu, Geely cho thấy thành công nhất định tại thị trường châu Âu và Mỹ-Latin, đặc biệt với thương hiệu Zeekr và Lynk & Co.

 Zeekr 7X. Ảnh: Geely.

Zeekr 7X. Ảnh: Geely.

Trong năm 2023, doanh số của riêng Lynk & Co toàn cầu đặt đến 220.250 chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022. Thành công của thương hiệu này đến từ chính sách cho thuê dài hạng được Lynk & Co áp dụng với khách hàng châu Âu, thu hút hơn 200.000 lượt đăng ký ngay khi vừa ra mắt.

Trong khi đó, Zeekr lại thu hút lượng lớn khách hàng tại châu Mỹ. Tính đến năm 2024, Zeekr đã bán được khoảng 93.000 xe.

Chery

Chery là một trong những tập đoàn bày tỏ kế hoạch gia nhập Việt Nam đầu tiên, nhưng lại là cái tên gần cuối cùng xuất hiện trong năm 2024. Tập đoàn này liên doanh cùng Geleximco với kế hoạch xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình với công suất dự kiến 200.000 xe/năm, chuyên sản xuất xe Omoda và Jaecoo.

Sản phẩm đầu tiên của Chery, Omoda C5 cũng vừa được giới thiệu đến người dùng Việt vào cuối tháng 11.

Trái ngược với sự thận trọng tại Việt Nam, Chery lại là một trong những tập đoàn tăng trưởng mạnh mẽ tại quê nhà và thị trường châu Âu.

 Omoda C5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Omoda C5. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Tập đoàn này ghi nhận doanh số toàn cầu sau 11 tháng vượt mốc 2,3 triệu chiếc. Tại quê nhà, Chery là cái tên dẫn đầu về lượng xe xuất khẩu trong 11 tháng, hơn 1,04 triệu xe.

Chery sở hữu nhiều thương hiệu xe điện bao gồm Chery, EXEED, Omoda, Jetour hay Jaecoo, Icar. Trong số này, Chery và Jaecoo, Omoda là 3 cái tên tập đoàn này tập trung phát triển ở thị trường châu Âu.

Theo Gasgoo, Chery đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy Ebro tại Tây Ban Nha, tái sử dụng từ nhà máy cũ của Nissan với công suất dự kiến 150.000 xe/năm.

Great Wall Motor (GWM)

GWM là tập đoàn ôtô lâu đời tại Trung Quốc, xuất hiện từ năm 1984. Tập đoàn này sở hữu nhiều thương hiệu quen thuộc với người dùng quê nhà ở đa dạng phân khúc.

Doanh số toàn cầu của GWM từ đầu năm đến hết tháng 11 đạt gần 1,48 triệu chiếc. Tại quê nhà, GWM luôn là cái tên nằm trong top bán chạy của nhóm xe năng lượng mới. Tuy nhiên, thương hiệu này lại "thua đau" ở thị trường châu Âu.

Năm 2022, tập đoàn này bắt tay với Emil Frey, nhà phân phối ôtô lớn nhất châu Âu - để bán những chiếc xe mang thương hiệu Ora và Wey đến lục địa già. Dù đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai ở châu Âu, GWM lại ghi nhận doanh đi ngược lại.

 Haval H6. Ảnh: Phúc Hậu.

Haval H6. Ảnh: Phúc Hậu.

Tính hết năm 2023, báo cho thấy chỉ khoảng 6.300 xe của GWM được đăng ký mới trên toàn châu Âu. Khó khăn về tài chính, doanh số không cao buộc tập đoàn này phải đóng cửa trụ sở chính tại Munich (Đức) vào cuối tháng 8, tạm ngừng toàn bộ kế hoạch mở rộng quy mô bán hàng.

Năm 2023 là thời điểm GWM xâm nhập vào thị trường Việt với sản phẩm đầu tay là Haval H6. Đã hơn một năm xuất hiện, mẫu SUV của Haval vẫn chưa tạo được bất kỳ tiếng vang nào.

Ở thời điểm hàng loạt xe mới xuất hiện, xe cũ được giảm giá mạnh tay, những mẫu xe Trung Quốc với cái tên "lạ" và giá cao như H6 phần lớn rơi vào tình trạng ế ẩm. Haval buộc phải liên tục điều chỉnh giá của mẫu SUV này để thu hút thêm khách hàng.

Sản phẩm tiếp theo của Haval là Jolion cũng đã bắt đầu xuất hiện tại đại lý và dự kiến được ra mắt vào cuối năm nay. Mẫu SUV hybrid này đã được GWM Haval nhá hàng từ quý I nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về thời gian mở bán chính thức và giao xe.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cac-hang-xe-trung-quoc-chinh-chien-khap-the-gioi-trong-nam-qua-ra-sao-post1520329.html