Các làng nghề hối hả vào vụ sản xuất cuối năm
Còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Hiện nay cũng là thời điểm các làng nghề trong tỉnh hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân thôn Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ) phơi miến dong
Về làng nghề sản xuất miến dong Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ) những ngày này, dạo quanh thôn đâu đâu cũng thấy người lao động luôn tay làm việc. Trên các cánh đồng của thôn phủ trắng những phên phơi miến. Trung bình mỗi ngày, một hộ sản xuất miến dong làm ra từ 1,5 đến 2 tấn sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Quang Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Miến dong được sản xuất quanh năm, nhưng Tết là vụ chính vì lượng tiêu thụ tăng rất cao, giá bán cũng cao hơn ngày thường. Hiện nay, toàn xã có 22 hộ sản xuất miến dong với hàng trăm lao động tham gia làm nghề thường xuyên, tập trung ở thôn Lại Trạch và Từ Tây. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm miến dong ở địa phương đã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc nên đã giảm bớt công lao động, hình thức, chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Khoảng một tháng trở lại đây gia đình ông Quách Văn Tâm, thôn Lại Trạch phải thuê thêm 13 lao động để đẩy mạnh sản xuất miến. Mỗi ngày, gia đình ông Tâm sản xuất trên 1,7 tấn miến dong thành phẩm để tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng… Ông Tâm cho biết: Thông thường hằng năm, từ tháng 8 âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán, lượng đơn đặt hàng tăng mạnh so với các thời điểm khác trong năm. Tuy nhiên, không giống như những sản phẩm khác, sản xuất miến dong phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên các hộ làm nghề khó chủ động được lượng miến làm ra mỗi ngày. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, gia đình tôi đã tăng lượng miến làm ra để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Với các hộ sản xuất, kinh doanh tại làng nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong, xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) thời điểm này đang gấp rút hoàn thiện các đơn hàng khách đặt để kịp giao hàng trước Tết. Anh Phạm Thành Lợi, Giám đốc Hợp tác xã Mộc mỹ nghệ Hòa Thuận, thôn Phúc Miếu cho biết: Xác định thời điểm gần Tết nhu cầu mua sắm nội thất, đồ mộc mỹ nghệ của các gia đình tăng cao hơn nên từ tháng 8 âm lịch, chúng tôi đã chủ động nguồn vật liệu, sản xuất, lên đơn hàng, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Bên cạnh việc sản xuất các mặt hàng quen thuộc như bàn, ghế, chúng tôi chú tâm đến các sản phẩm có nhu cầu cao trong ngày Tết như: Đồ thờ, tranh, tượng… Hiện nay, cơ sở của tôi tạo việc làm cho hơn 10 lao động, trung bình mỗi tháng sản xuất từ 15 đến 20 sản phẩm để giao cho khách hàng. Những tháng cuối năm, doanh thu của tôi đạt từ 600 triệu đồng/tháng trở lên.
Thời điểm này người dân làng hoa, cây cảnh xã Phụng Công (Văn Giang) đang khẩn trương chăm sóc các loại hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết. Toàn xã có trên 1.200 hộ dân trồng hoa, cây cảnh với diện tích hơn 400ha, giá trị kinh tế đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Người dân trồng hoa của xã Phụng Công chú trọng sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao, kết hợp phát triển trồng những loại hoa, cây cảnh có thế mạnh của địa phương như: Hoa trà, hải đường, trạng nguyên, hoa giấy… Tết Nguyên đán là thời điểm cung cấp số lượng hoa, cây cảnh lớn nhất ra thị trường, mang lại thu nhập cao nhất trong năm cho người trồng hoa.
Theo anh Lý Văn Lợi, ở thôn Khúc Tháp, một trong những người trồng hoa trà có tiếng ở xã Phụng Công cho biết: Gia đình tôi đã gắn bó với nghề trồng hoa trà nhiều năm. Hiện nay, tôi có gần 1 mẫu trồng các loại hoa trà như: Thâm hồng bát diện, phấn hồng bát diện, bạch cổ, phấn cung đình... Trà là giống cây hoa “khó tính”. Nuôi cây sống khỏe mạnh, xanh tốt đã khó, để cây ra hoa đều đẹp càng khó, và ra hoa đúng dịp đón Tết lại càng khó hơn. Bởi thế nên đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật của người trồng.
Từ lâu, Hưng Yên được biết đến là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm độc đáo, chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương trong tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), tỉnh Hưng Yên hiện có 61 làng nghề (trong đó có 8 làng nghề truyền thống), 43 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận (tăng 2 làng nghề so với năm 2021); tổng số cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong làng nghề là 18.799 cơ sở; doanh thu của các cơ sở sản xuất trong làng nghề đạt trên 7.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 47 nghìn lao động.
Mỗi dịp cuối năm, các làng nghề đều hối hả, khẩn trương, tất bật vào vụ sản xuất chính phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động, mà còn mang đến những sản phẩm độc đáo, đặc sắc phục vụ người tiêu dùng.