Các ngân hàng cần giảm lãi suất để người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh
Ngày 15/2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thống nhất với nội dung đề án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% lên 8% như dự thảo, vì đây là mong muốn của cả đất nước, tạo đà cho phát triển các năm sau nhất là chúng ta đang chuẩn bị đầu tư nhiều công trình lớn và đặt biệt của đất nước như đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều công trình quan trọng khác.
![Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sáng 15/2. (Ảnh Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cung cấp)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_621_51485513/7231c7aef4e01dbe44f1.jpg)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, phát biểu ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sáng 15/2. (Ảnh Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cung cấp)
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh chia sẻ: Về các giải pháp tôi thống nhất với các giải pháp tăng bội chi ngân sách lên 5%, giải pháp này sẽ tạo thêm khoảng 100.000 ngàn tỷ cho đầu tư công.
Theo tính toán 1 đồng đầu tư công sẽ huy động thêm 10 đồng đầu tư, tư nhân do vậy tăng bội chi là cần thiết.
Tuy nhiên, các giải pháp khác còn khá chung chung không khác nhiều với Nghị quyết 185 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tôi đề nghị, cần làm rõ các giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như điều kiện cho vay của các ngân hàng. Sáng 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và làm việc với hơn 20 ngân hàng thương mại. Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp, ngành ngân hàng cần chia sẻ với người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn bằng việc hy sinh một phần lợi nhuận nhằm giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều thách thức, đây là tín hiệu rất mừng cho người dân và doanh nghiệp.
Muốn đạt con số 8% và hướng tới đạt 2 con số thì doanh nghiệp phải mạnh, phải lớn, doanh nghiệp mạnh thì cần nguồn vốn kích cầu để phát triển sản xuất kinh doanh đạt doanh thu nộp ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng và lãi suất còn cao cho nên sản xuất kinh doanh chưa đạt hiệu quả,trong khi nhiều ngân hàng lợi nhuận hằng năm cả tỷ USD.
Do đó, mong muốn của người dân và doanh nghiệp là được các ngân hàng chia sẻ một phần lợi nhuận bằng hình thức giảm lãi suất để cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh để tăng trưởng doanh thu nộp ngân sách Nhà nước để đạt con số 8% trở lên.