Các quỹ đầu tư săn lùng tài sản carbon thấp ở châu Á và châu Âu
Khi Tổng thống Donald Trump quay lưng với chính sách năng lượng sạch, nhiều quỹ phòng hộ ráo riết săn lùng tài sản carbon thấp bên ngoài nước Mỹ, từ công ty tiện ích đến nhà cung cấp thiết bị lưới điện ở châu Âu và châu Á.

Turbin gió ở một trang trại điện gió của công ty điện lực EON tại Cumbria, Anh. Cổ phiếu của EON tăng giá gần 40% trong năm nay. Ảnh: Prweek
Cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động khiến nhà đầu tư thấp thỏm với những thông báo thuế quan liên tục từ Nhà Trắng, hầu hết đều làm tăng thêm sự bất ổn cho thị trường. Tài sản xanh chịu ảnh hưởng nặng nề, khi thuế nhập khẩu và các cuộc điều tra nhắm vào mặt hàng từ Trung Quốc và Đông Nam Á đẩy chi phí tấm pin mặt trời, máy biến áp, khoáng sản hiếm tăng mạnh.
Các nhà quản lý quỹ phòng hộ chia sẻ rằng, họ không hoàn toàn quay lưng với Mỹ, nhưng nhận thấy cơ hội đầu tư tài sản xanh tốt nhất giờ đây nằm ở châu Âu và châu Á.
“Tôi đang thấy những ‘mầm xanh’ cơ hội đầu tư ở châu Âu” Lisa Audet, nhà sáng lập quỹ Tall Trees Capital Management (Mỹ) nói.
Per Lekander, CEO của quỹ Clean Energy Transition đang quản lý 2,7 tỉ đô la Mỹ ở London tiết lộ, ông đang đầu tư dài hạn vào cổ phiếu của hai công ty điện lực EON và RWE của Đức cùng SSE của Anh vì các công ty này chủ yếu hoạt động ở châu Âu và giá còn rẻ.
EON, công ty vận hành lưới điện lớn nhất châu Âu, chứng khiến cổ phiếu tăng giá gần 40% năm nay. EON cũng đầu tư và phát triển các dự án điện gió, điện mặt trờ, và công nghệ lưu trữ năng lượng, góp phần giảm phát thải carbon và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch.
Cổ phiếu của các công ty tiện ích khác ở châu Âu cũng thăng hoa. Trong năm nay, chỉ số Euro Stoxx Utilities, theo dõi cổ phiếu của các công ty lớn hoạt động trong các ngành như điện, nước, khí đốt ở khu vực sử dụng đồng euro tăng 16%. Trong khi đó, chỉ số MSCI ACWI Index, theo dõi cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn và trung bình ở 23 thị trường phát triển và 24 thị trường mới nổi trên toàn thế giới lại lao dốc 5%.
Các công ty tiện ích được xem là tài sản carbon thấp vì đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất, truyền tải và phân phối năng lượng tái tạo, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải cũng như cung cấp khí đốt vốn ít phát thải carbon hơn so với than.
“Chúng tôi tận dụng lúc thị trường đi xuống để bắt đầu gom cổ phiếu ‘khử carbon”, Armina Rosenberg, đồng sáng lập quỹ Minotaur Capital ở Sydney (Úc) nói. Các mục tiêu của quỹ này bao gồm First Solar và NextEra Energy, những công ty năng lượng sạch ở Mỹ có chuỗi cung ứng giúp “miễn nhiễm” hoặc thậm chí hưởng lợi từ thuế quan.
Thế nhưng, cuộc chiến thuế quan đang khiến nhà đầu tư rơi vào thế khó.
“Chúng tôi đang trao đổi với các công ty, nhưng chưa vội hành động vì thông tin thuế quan thay đổi xoành xoạch. Sự bất định này khiến các dự án bị trì hoãn”, Isabella Hervey-Bathurst, quản lý quỹ khí hậu 2,1 tỉ đô la ở công ty quản lý tài sản Schroders (Anh) than thở.
Sau khi khi tích trữ tiền mặt, một số nhà đầu tư tài sản xanh khác giờ đã sẵn sàng bung ra số tiền này.
Edward Lees, nhà quản lý quỹ giải pháp môi trường của ngân hàng BNP Paribas (Pháp) tiết lộ, ông sẽ tận dụng đợt bán tháo để mua cổ phiếu các công ty quản lý nước ở Nhật Bản và cơ sở hạ tầng điện ở Ấn Độ.
Dù là tâm điểm của cơn bão thuế quan nhưng Trung Quốc vẫn là thỏi nam châm đối với nhà đầu tư xanh. Các công ty như Contemporary Amperex Technology (pin) và BYD (xe điện) vẫn được săn đón. Cổ phiếu của BYD tăng giá gần 50% năm nay, trong khi cổ phiếu của hãng xe điện Tesla (Mỹ) tụt hơn 40%.
Rosenberg của Minotaur Capital cho biết đã đầu tư vào BYD, dựa trên đánh giá về việc xe điện Trung Quốc đang giành thị phần từ Tesla.
Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, tổ chức tư vấn chính sách ở Phần Lan, phần lớn ngành công nghiệp công nghệ sạch của Trung Quốc nhắm vào thị trường địa phương hoặc các khu vực đang phát triển như châu Phi. Phân tích cho thấy Mỹ chỉ chiếm 4% lượng xe điện xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, ngành dầu mỏ mà Trump muốn “nâng niu” lại đang lao đao vì nhu cầu yếu và nguồn cung dồi dào.
“Cơ hội bán khống cổ phiếu của các công ty dầu khí Mỹ, đặc biệt là dầu đá phiến đang rộng mở vì chi phí sản xuất cao. Nếu giá dầu rớt xuống 50 đô la/thùng, mô hình kinh doanh của các công ty này sẽ sụp đổ”, Per Lekander của Clean Energy Transition cảnh báo.
Theo Bloomberg