Các tập đoàn dầu khí lớn sẽ tiếp tục 'kiếm đậm' trong năm 2023

Các tập đoàn dầu khí lớn nhất toàn cầu gồm BP, Chevron, Exxon Mobil, Shell và TotalEnergies hay còn gọi là Big Oil được dự báo tiếp tục lãi lớn trong năm nay sau khi thu được tổng lợi nhuận kỷ lục 200 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái nhờ giá dầu và khí đốt tăng vọt do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các tập đoàn dầu khí lớn nhất toàn cầu gồm BP, Chevron, Exxon Mobil, Shell và TotalEnergies được dự báo đạt tổng lợi nhuận 158 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Ảnh: Reuters

Các tập đoàn dầu khí lớn nhất toàn cầu gồm BP, Chevron, Exxon Mobil, Shell và TotalEnergies được dự báo đạt tổng lợi nhuận 158 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Công ty dữ liệu Refinitiv, lợi nhuận của Big Oil sẽ đạt tổng cộng 158 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, thấp hơn so với mức cao kỷ lục trong năm 2022 do giá năng lượng suy yếu và các lo ngại lạm phát. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn so với mức lợi nhuận kỷ lục được ghi nhận vào năm 2011.

Lợi nhuận bội thu trong năm 2022 đã giúp BP, Chevron, Exxon Mobil, Shell và TotalEnergies cắt giảm nợ xuống còn tổng cộng 100 tỉ đô la, mức thấp nhất trong 15 năm. Điều này cho phép những tập đoàn này bước vào năm 2023 với sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho bất kỳ cuộc suy thoái nào trong tương lai.

Tổng nợ ròng của Big Oil đạt mức cao nhất lịch sử, khoảng 270 tỉ đô la vào năm 2020 khi tăng vay nợ để vượt qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Các nhà phân tích của RBC Capital Markets cho rằng, với mức nợ giảm đáng kể, Big Oil sẽ tiếp tục tưởng thưởng lớn cho các cổ đông trong năm nay. Năm ngoái, với dòng tiền mặt dồi dào, BP, Chevron, Exxon Mobil, Shell và TotalEnergies đã chia cổ tức và mua lại cổ phiếu với quy mô lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, hoạt đông kinh doanh siêu lãi của Big Oil có thể làm dẫn đến các lời kêu gọi các chính phủ trên thế giới tiếp tục tăng thuế đánh vào khoản lợi nhuận đột biến trong lĩnh vực dầu khí khi các nền kinh tế phải chật vật ứng phó giá năng lượng đắt đỏ.

Shell (Anh) đã nộp thêm 2,4 tỉ đô la tiền thuế trong 2022 cho khoản lợi nhuận đột biến được ghi nhận châu Âu và Anh. Trong khi đó, Exxon Mobil (Mỹ) cho biết thuế thu nhập đột biến trên toàn thế giới sẽ khiến công ty phải trả thêm ít nhất 2 tỉ đô la chi phí thuế vào quí 4-2023.

Theo ước tính, trong năm ngoái, Exxon Mobil và Chevron của Mỹ lãi tổng cộng 100 tỉ đô la, dẫn đầu các đối thủ về mức tăng lợi nhuận.

Đây là những tập đoàn dầu khí được hưởng lợi nhiều nhất từ giá năng lượng cao. Những doanh nghiệp này được đền đáp nhờ chiến lược tập trung kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, trái ngược với xu hướng tăng đặt cược vào năng lượng tái tạo của “ông lớn” dầu khí ở châu Âu.

Các hội đồng quản trị của Big Oil đã phản ứng với đợt tăng giá dầu trong năm qua bằng cách khôi phục một số khoản đầu tư bị cắt giảm trong thời kỳ đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ.

Exxon và Chevron có kế hoạch tăng ngân sách đầu tư thêm 10% trong năm nay, lên mức tổng cộng 41 tỉ đô la. Ngay cả BP, vốn đã đặt mục tiêu cắt giảm 40% sản lượng dầu khí vào cuối thập niên này cũng tăng mạnh chi tiêu vào mảng thăm dò và khai thác dầu khí tại Mỹ.

Dù các nhà sản xuất dầu khí lớn nhất châu Âu không có khả năng tăng mạnh chi tiêu nhưng có thể sử dụng một số tiền mặt dư thừa để đầu tư thêm vào lĩnh vực năng lượng carbon thấp.

Shell, BP và TotalEnergies đặt mục tiêu mở rộng công suất nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong những năm tới. Những tập đoàn này đã đẩy mạnh thâu tóm mảng năng lượng carbon thấp vào năm ngoái, bao gồm cả năng lượng mặt trời, gió và khí sinh học (biogas). Các tập đoàn dầu khí này vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.

Các ngân hàng bao gồm HSBC và JPMorgan dự đoán cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí hàng đầu châu Âu có tiềm năng tăng giá tốt hơn trong năm nay sau khi các công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ dẫn đầu về lợi nhuận và hiệu suất tăng giá cổ phiếu trong năm 2022.

“Theo tính toán của chúng tôi, các công ty dầu khí lớn ở châu Âu có vẻ được định giá hấp dẫn hơn nhiều so với các công ty dầu khí lớn ở Mỹ”, HSBC cho biết trong một báo cáo gần đây.

Trong một diễn biến khác, báo cáo hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), công bố hôm 17-1, nhận định nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm nay nhờ quyết định từ bỏ chính sách ‘zero Covid’.

Theo OPEC, nhu cầu dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng thêm 510.000 thùng/ngày trong năm 2023. Năm ngoái, nhu cầu dầu của Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm trong nhiều năm do các hạn chế đi lại nghiêm ngặt trong cuộc chiến chống Covid-19.

“Động lực kinh tế toàn cầu trong quí 4-2022 dường như mạnh hơn dự kiến trước đây và điều này có khả năng cung cấp nền tảng vững chắc cho nhu cầu dầu trong năm 2023”, theo báo cáo của OPEC.

Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu có khả năng tăng trưởng 2,5% trong năm 2023. Dự báo trong năm nay, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày, tương đương với mức tăng trưởng 2,2%.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-tap-doan-dau-khi-lon-se-tiep-tuc-kiem-dam-trong-nam-2023/