'Các thành viên Tổ Truyền thông cộng đồng còn khó khăn nhưng vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ'

Đó là chia sẻ của anh Bùi Huy Cẩn - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng Khu Xè 1, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Do đặc thù bản sắc văn hóa có tính lâu đời, nhiều hủ tục, định kiến và khuôn mẫu giới vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

 Tổ Truyền thông cộng đồng Khu Xè 1, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nỗ lực để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tổ Truyền thông cộng đồng Khu Xè 1, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nỗ lực để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tổ Truyền thông cộng đồng Khu Xè 1 xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực mỗi ngày để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu theo mục tiêu của Dự án 8.

Tổ được thành lập tháng 3/2023 với 7 thành viên (2 nữ, 5 nam). Một số hủ tục liên quan đến bình đẳng giới đang là vấn đề nổi cộm tại khu, xã cần được xóa bỏ. Đây cũng là mục tiêu vận động, tuyên truyền của Tổ.

Anh Bùi Huy Cẩn - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng Khu Xè 1

Anh Bùi Huy Cẩn - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng Khu Xè 1

Anh Bùi Huy Cẩn - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng Khu Xè 1 cho biết: Khu Xè 1 có 106 hộ với 426 khẩu, 98% là đồng bào Mường, một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, ăn sâu, bám rễ trong đồng bào từ rất lâu đời. Ví dụ nhiều người gả chồng cho con gái khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Đây là vấn đề nghiêm trọng mà Tổ đang nỗ lực để tuyên truyền. Lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn sẽ dẫn đến nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Cùng với đó, sinh con sớm còn làm tăng gấp 2 lần tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Nhiều trường hợp con em của các cặp vợ chồng tảo hôn không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh thần. Tảo hôn cũng khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình của mỗi thành viên là rất thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, là gánh nặng cho xã hội.

Ví dụ một sự việc, anh Cẩn chia sẻ: "Qua nắm bắt được tình hình ở trong khu dân cư có một gia đình chuẩn bị lấy vợ cho con trai nhưng chưa đủ tuổi kết hôn. Chúng tôi đã cử tư vấn viên đến tận gia đình để tuyên truyền, vận động về luật hôn nhân gia đình, chính sách, pháp luật của nhà nước và những hệ lụy do tảo hôn. Cuối cùng gia đình cũng hiểu ra và hoãn cưới cho con trai và đợi đến khi nào đủ tuổi mới tổ chức cưới".

Tổ truyền thông cộng đồng Khu Xè 1 đang nỗ lực mỗi ngày để xóa bỏ định kiến giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn

Tổ truyền thông cộng đồng Khu Xè 1 đang nỗ lực mỗi ngày để xóa bỏ định kiến giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn

Bên cạnh đó, ở Khu Xè 1 vẫn còn nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ", còn phân biệt sâu sắc những việc nữ giới không được tham gia, đồng thời vợ chồng vì định kiến giới mà không hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ví dụ như chồng không giúp vợ chăm sóc con cái, không làm công việc nội trợ trong lúc vợ ốm đau, nuôi con nhỏ. Người vợ không được tham gia ý kiến vào các quyết định của chồng và gia đình chồng...

Anh Cẩn cũng cho hay, với đặc thù của khu vực miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, quá trình hoạt động của Tổ gặp không ít khó khăn. Địa bàn và tình hình giao thông là một rào cản lớn đối với các thành viên.

"Mùa mưa lũ cầu bắc qua sông để đi đến vùng sâu, vùng xa thường bị ngập đến 2-3 ngày mới có thể đi được. Hoặc khi chúng tôi tổ chức buổi tuyên truyền tại nhà văn hóa xã nhưng đúng ngày đó lại bị mưa, bà con không đến được. Chúng tôi sẽ lại tổ chức thêm một buổi tuyên truyền khác cho những người vắng mặt. Khó khăn lớn nữa là trình độ nhận thức của người dân không được đồng đều, còn hạn chế dẫn đến chất lượng buổi truyền thống của tổ không cao", anh Cẩn cho biết.

Bên cạnh đó, một số thành viên của Tổ còn có kinh tế khó khăn phải đi làm xa, không thể hoạt động thường xuyên. Nhưng cả Tổ vẫn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là cái khó trong việc duy trì tổ lâu dài. Theo anh Cẩn, cái quan trọng nhất là ngay chính thành viên của tổ phải hiểu được tầm quan trọng của việc tuyên truyền để nỗ lực phấn đấu, vượt khó khăn để giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Mục tiêu tổng quát của Dự án 8 là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Khu Xè 1 cũng như nhiều khu ở xã Văn Miếu có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tuyên truyền để xóa bỏ định kiến giới sao cho hiệu quả cần sự quyết tâm và bền chí của tuyên truyền viên. Tổ đã tích cực lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch để khuyến khích bà con tham gia các buổi tuyên truyền.

Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí triển khai thực hiện các hoạt động đến cơ sở và do trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi hy vọng qua sự nỗ lực, cố gắng của từng thành viên sẽ mang đến những thay đổi đáng kể trong nếp nghĩ, cách làm, giúp phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn", anh Cẩn chia sẻ.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cac-thanh-vien-cua-to-truyen-thong-cong-dong-con-kho-khan-nhung-anh-em-van-dong-vien-nhau-hoan-thanh-nhiem-vu-20240719102524441.htm